Thứ tư 24/04/2024 09:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

ĐỂ “MÁI ẤM CÔNG ĐOÀN” THẬT SỰ Ý NGHĨA:

Công tác xét chọn phải kỹ càng

11:05 | 17/02/2020

Chương trình trao tặng “Mái ấm Công đoàn” (MÂCĐ) đã giúp cho hàng vạn công đoàn viên (CĐV), công nhân viên chức lao động khó khăn về nhà ở có được “mái ấm” cả đời mong ước. Nhưng MÂCĐ chỉ thật sự có nghĩa khi người được trao thật sự khó khăn, bản thân họ không có khả năng tạo dựng cho riêng mình căn nhà dù là tạm bợ.

cong tac xet chon phai ky cang
LĐLĐ huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bàn giao một nhà Mái ấm Công đoàn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: PV

Thu hồi Mái ấm Công đoàn

Trong hội nghị triển khai các công việc trọng tâm năm 2020 của LĐLĐ tỉnh Tiền Giang mới diễn ra, ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - thông báo một tin “buồn”, qua đó cũng phê bình, nhắc nhở trong toàn hệ thống CĐ tỉnh phải làm thật tốt, thật kỹ khi xét trao tặng MÂCĐ cho CĐV, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Đó là, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quyết định thu hồi 1 MÂCĐ đã được trao cho CĐV ở một đơn vị (xin không nêu tên) vào cuối năm 2019. Nguyên nhân, MÂCĐ nói trên được xây dựng với tổng giá trị khoảng… 600 triệu đồng, trong khi nguồn hỗ trợ từ Quỹ MÂCĐ tỉnh chỉ 30 triệu đồng, phần còn lại là của cá nhân CĐV và gia đình.

Theo ông Hiền, việc này cho thấy 2 vấn đề: Thứ nhất, người được trao tặng MÂCĐ và gia đình không thật sự khó khăn, chỉ vì lý do nào đó chưa cất nhà mà thôi. Thứ hai, công tác xét chọn, thẩm định ở cơ sở chưa kỹ, MÂCĐ đã được trao cho người không thật sự khó khăn.

Cũng theo ông Hiền, trước đây cũng từng có trường hợp người được trao tặng MÂCĐ (trị giá 30 triệu đồng) cất nhà trị giá khoảng 100 triệu đồng (70 triệu đồng do cá nhân vay mượn, gia đình đóng góp). Sau khi có ý kiến phản ánh từ cơ sở, LĐLĐ tỉnh đã xem xét vấn đề một cách có tình có lý và thấy có thể chấp nhận được. Mỗi lần cất nhà một lần khó, người được trao MÂCĐ có thể huy động từ nhiều nguồn (vay mượn, gia đình đóng góp…) để cất căn nhà cho tương đối, sau đó làm lụng tích góp trả dần.

Từ câu chuyện “MÂCĐ 600 triệu đồng” và quyết định thu hồi, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Tiền Giang sẽ siết chắt khâu thẩm định, phê duyệt để MÂCĐ chỉ được trao cho đối tượng thật sự nghèo khó, bản thân và gia đình không có khả năng tự tạo căn nhà cho riêng mình.

Bảo đảm ý nghĩa của Mái ấm Công đoàn

Ông Nguyễn Văn Thừa - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Long An (đã nghỉ hưu) - nhớ lại, có một lần ông thay mặt LĐLĐ tỉnh đi dự bàn giao MÂCĐ ở một huyện vùng sâu. Đến nơi, ông thấy MÂCĐ đã được xây cất quá quy mô, gấp nhiều lần giá trị được Quỹ MÂCĐ tài trợ. Đáng nói hơn, sau lễ bàn giao là tiệc “mừng nhà mới” rất thịnh soạn và đông khách, không hề thấy cảnh khó khăn, túng thiếu.

Ông và những người cùng đi đã lấy lý do “bận việc gấp” không ở lại dự tiệc. Trở về cơ quan, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã bàn cách khắc phục, không để tái diễn vụ việc như trên. Từ đó, hệ thống CĐ tỉnh Long An có quy định là MÂCĐ chỉ nên xây dựng không vượt quá 2,5 lần giá trị tài trợ của Quỹ MÂCĐ.

Như hiện nay, khi Quỹ MÂCĐ tài trợ 30 triệu đồng, người được trao dù có vay mượn, vận động gia đình đóng góp, cũng chỉ nên cất nhà giá trị nhiều nhất là 75 triệu đồng. Cách làm ấy giúp hài hòa cả 2 yếu tố: Ý nghĩa của MÂCĐ và người được trao có được căn nhà khang trang hơn.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An - ông Nguyễn Văn Quí - cho biết, LĐLĐ tỉnh Long An có quy chế cụ thể qui định việc xét trao MÂCĐ cho CĐV khó khăn về nhà ở. Ngoài việc xét, thẩm định thật chính xác đối tượng được trao tặng MÂCĐ, tổ chức CĐ ở cơ sở cũng làm cho người được thụ hưởng trân trọng món quà của CĐ trao tặng. Người được tặng có thể bổ sung, nhưng hết sức hạn chế, để không làm mất ý nghĩa của MÂCĐ. Còn sau khi có được MÂCĐ, bằng sự nỗ lực vươn lên của bản thân và gia đình, CĐV sẽ dần hoàn thiện thêm ngôi nhà, đó mới là cách hay nhất, thuyết phục nhất!

Theo Kỳ Quan/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load