Thứ sáu 29/03/2024 05:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công nhân mong chờ các dự án xây nhà tập thể

09:00 | 09/07/2020

Nhiệt độ ngoài trời những ngày gần đây có lúc lên tới 40 độ C, nhưng bước chân vào các phòng trọ của công nhân Khu công nghiệp Cái Lân (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có cảm giác nhiệt độ cao hơn thế. Hơi nóng hầm hập khiến mặt mày sa sẩm. Họ cũng chẳng còn cách nào khác bởi không đủ tiền mua nhà riêng, thậm chí thuê phòng trọ tốt hơn, trong khi các kế hoạch, dự án xây nhà tập thể cho công nhân vẫn chỉ trên giấy.

cong nhan mong cho cac du an xay nha tap the
Hàng chục hộ gia đình công nhân nhồi nhét trong khu nhà trọ lụp xụp giữa TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Phòng trọ hay lò lửa?

Trong căn phòng trọ 15m2 ở tổ 3, khu 1, phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long, chị Ngô Thị Thương (quê Bắc Giang) - công nhân (CN) Công ty (Cty) TNHH Vinanewtarp Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp (KCN) Cái Lân - đang chuẩn bị cho bữa cơm tối. Mồ hôi chị vã ra như tắm bởi căn phòng trọ bé, thấp, kín, lại không có điều hòa. Nếu không có cái bếp gas nhỏ đặt lên cái bàn ở đó thì không ai nghĩ đó là bếp bởi nó nằm ngay cửa nhà vệ sinh cũng đang hầm hập dưới cái nóng gay gắt bên ngoài.

Bữa cơm một mình nên cũng qua loa với bát rau ngót “không người lái” và vài miếng xương cục rang cháy cạnh. Căn phòng trọ đã xuống cấp dường như không thể xuống hơn được nữa. Chị Thương bảo, tan ca về đến nhà cũng chỉ biết ngủ hoặc nằm nghĩ vẩn vơ, vì không tivi, không điều hòa, không tiện nghi tối thiểu.

Nhiều nhân công ở KCN Cái Lân - KCN lâu nay được Quảng Ninh kỳ vọng xây dựng thành KCN kiểu mẫu - cũng trong tình trạng như chị. Lương không quá thấp, cũng không cao, nhưng gia cảnh khó khăn, phải lo nhiều thứ nên họ chỉ đủ tiền ở những phòng trọ như vậy. Người mẹ đơn thân này ước có thể thuê được một phòng trọ tốt hơn để đón đứa con vẫn gửi bố mẹ ở quê ra chơi.

“Làm mẹ đơn thân từ năm 24 tuổi nên tôi phải cố gắng gấp đôi. Do mải làm nên tôi ít có thời gian về quê thăm con” - chị Thương rơm rớm nước mắt. 13 năm lăn lộn ở Hạ Long, nhưng khi nói về tương lai, chị chỉ cười: Chắc sau này tích lũy được ít vốn liếng, em về quê tìm việc làm, chứ không thể thuê nhà mãi.

Đối diện với phòng trọ của chị Thương là phòng trọ của cặp vợ chồng Ma Văn Săn - Lý Thị Đình. Ngồi nói chuyện vài phút mà cả khách và chủ vuốt mồ hôi không kịp. Hai anh chị đang dọn đồ đạc để chuyển sang một phòng trọ ở gần đó vì thương lượng được giá 500.000 đồng/tháng, rẻ hơn 200.000 đồng so với phòng cũ. Thực ra, cũng chỉ có mình chị Đình ở căn phòng này, còn anh Săn - thợ lò - lại ở trong khu tập thể của một công ty than. Cùng ở TP.Hạ Long, nhưng hai vợ chồng chỉ cuối tuần mới gặp nhau, còn hai con thì gửi bố mẹ ở quê Bắc Cạn.

“Đây cũng là giải pháp để tiết kiệm chi tiêu. Chồng tôi làm ca kíp đêm hôm, nếu ở phòng trọ với vợ gần KCN Cái Lân thì đi làm rất xa, mà thuê nhà để tiện cho hai vợ chồng đi làm thì chúng tôi không lo nổi” - chị Đình tâm sự.

Giấc mơ xa vời

Cách đó không xa, khu xóm trọ mà chị Nguyễn Thị Thương (quê Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) - CN Công ty TNHH MTV Nến nghệ thuật AIDI Việt Nam - đang ở cũng không khá hơn. Ngồi tiếp khách trong cái “lò bát quái”, chị mơ ước về một căn hộ tập thể nhỏ. Ước mơ đó từng được nhen nhóm khi báo chí nói Quảng Ninh và một số bộ, ngành liên quan đang tính xây khu tập thể cho CN của KCN Cái Lân.

“Có lần vợ chồng tôi chở con đi chơi qua một khu chung cư cao tầng, con bé bảo: Mẹ ơi! Hay mình dọn sang kia ở đi. Con không ở phòng trọ nữa đâu, nóng và chật lắm!” - giọng chị Thương nghẹn lại. 13 năm đi làm, với đồng lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, chồng là lao động (LĐ) tự do, lại nghỉ dài vì dịch COVID-19, nên chị bảo không dám sinh thêm đứa nữa, chứ đừng nghĩ tới chuyện mua nhà.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 25.751 LĐ làm việc tại các KCN. Trong đó, khoảng 8.500 người đang phải thuê nhà trọ (chiếm 33,7%); hơn 1.000 CN đang ở khu nhà ở CN tập trung của Công ty TNHH Texhong Ngân Long - KCN Hải Yên, TP.Móng Cái. Đây cũng là KCN duy nhất trong 5 KCN trên toàn tỉnh có khu tập thể cho CN.

Tất cả KCN tại Quảng Ninh đều đã có đề án xây tập thể cho CN, trong đó có nơi đã được tỉnh Quảng Ninh cấp đất để xây dựng. 1.400 trong tổng số 4.800 CN của KCN Cái Lân từng nghĩ sẽ sớm có khu tập thể khi một dự án xây nhà cho CN ở gần đó đã được phê chuẩn. Nhưng đến nay, họ vẫn sống tạm trong các phòng trọ lụp xụp.

Lý do có nhiều, mà các DN trong KCN đều nhỏ bé, không có tiềm lực, trong khi việc phát triển nhà ở xã hội cho CN trong các KCN chưa phải là miếng bánh ngon hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng ban Quản lý KKT Quảng Ninh - Chính phủ cần cho phép địa phương linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội. Các bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể cho việc quản lý, sử dụng số tiền chủ đầu tư nộp vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở CN trong KCN, KKT.

Theo NGUYỄN HÙNG - THANH HẰNG/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load