(Xây dựng) - Tại Hội thảo "Phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu" các chuyên gia nhận định lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chuyển đổi toàn diện, đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô cần chuyển đổi xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể. Các doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được thế mạnh trong sản xuất linh kiện điện tử, đặc biệt là dây điện, với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 1,17 tỷ USD, chiếm 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô.
Theo TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô đã tăng từ 12% năm 2018 lên 25% năm 2023. Xu hướng hiện nay là các doanh nghiệp đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, từ sản xuất linh kiện đơn lẻ sang cụm linh kiện, thiết bị gốc (OEM) và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM).
Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng với nhu cầu phương tiện giao thông tăng nhanh. Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết Chính phủ đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giúp họ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn như Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast cũng đang mở rộng đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Nhiều dự án sản xuất linh kiện ô tô có vốn đầu tư lớn cũng đang được triển khai, cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rơi vào "bẫy năng suất thấp", cần thúc đẩy chuyển đổi toàn diện, ứng dụng công nghệ số và hướng tới sản xuất xanh. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn có một hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá hơn nữa để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy liên kết với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới.
Chính phủ luôn quan tâm và ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt trong ngành sản xuất và lắp ráp ô tô. Trong thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi đã được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này, tiêu biểu như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, ngành ô tô được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu phát triển ngành là từng bước đáp ứng nhu cầu nội địa, phục vụ an ninh quốc phòng, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, và phù hợp với xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Đến năm 2035, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đặt mục tiêu đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, và đạt được giá trị xuất khẩu lớn. Ngành cũng cần đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo đại diện VAMA, chiến lược phát triển ngành cần tập trung phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trong nước, đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới. Ngành công nghiệp ô tô cần phát triển đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, sản xuất các dòng xe có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng chính sách tiêu dùng, bảo vệ môi trường, và tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng cho chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia theo hướng hiện đại hóa.
Huyền Nhi
Theo