Thứ ba 23/04/2024 16:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công nghệ khác biệt nổi trội của tàu thăm dò sao Hỏa Trung Quốc

11:20 | 30/04/2021

Tàu thăm sao Hỏa của Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ khác biệt với tất cả tàu thăm dò khác để hạ cánh xuống hành tinh đỏ.

cong nghe khac biet noi troi cua tau tham do sao hoa trung quoc
Tàu thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trong vài tháng đầu năm 2021, bầu khí quyển trên sao Hỏa đã náo nhiệt với những du khách mới đến từ Trái đất. Đầu tiên, đó là tàu thăm dò Hope của Cơ quan Vũ trụ UAE, tiếp theo là tàu Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) của Trung Quốc đi vào quỹ đạo sao Hỏa.

Gần đây hơn, NASA đã hạ cánh tàu thám hiểm Perserverance lớn nhất từ ​​trước đến nay trên sao Hỏa và người bạn đồng hành - chiếc trực thăng sao Hỏa Ingenuity tài tình - cả hai đều đã thiết lập những cột mốc mới kể từ đó.

Vị khách tiếp theo đến hành tinh đỏ sẽ là tàu Chúc Dung (Zhurong) của sứ mệnh Thiên Vấn 1, tàu này sẽ cố gắng tiếp cận bề mặt sao Hỏa vào giữa tháng 5. Để đi vào bầu khí quyển của sao Hỏa, nó sẽ sử dụng một kỹ thuật hơi khác so với các nhiệm vụ trước đó.

Nhiệm vụ nguy hiểm

Theo tờ The Conversation, hạ cánh trên sao Hỏa nổi tiếng là nguy hiểm - nhiều nhiệm vụ thất bại hơn là thành công. Một cuộc hạ cánh thành công trên sao Hỏa đòi hỏi phải đi vào bầu khí quyển với tốc độ rất cao, sau đó làm chậm phi thuyền theo đúng cách khi nó tiếp cận vị trí hạ cánh.

Giai đoạn này của nhiệm vụ - được gọi là nhập vào khí quyển, đáp xuống và hạ cánh (EDL - entry-descent-landing) - là giai đoạn quan trọng nhất. Các sứ mệnh trước đây đã sử dụng một số cách nhập vào khí quyển sao Hỏa khác nhau.

cong nghe khac biet noi troi cua tau tham do sao hoa trung quoc
Tàu thăm dò sao Hỏa được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-5 từ bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, ngày 23.7.2020. Ảnh: Xinhua

Một tàu vũ trụ quay quanh một hành tinh sẽ chuyển động rất nhanh, để giữ cho bản thân nó gắn chặt với quỹ đạo đó. Nhưng nếu tàu vũ trụ đi vào bầu khí quyển với tốc độ cao, thậm chí mỏng như bầu khí quyển sao Hỏa, nó sẽ bốc cháy. Bất cứ thứ gì đi vào bầu khí quyển cần phải được làm chậm lại đáng kể và để loại bỏ nhiệt tỏa ra trong cuộc hành trình ngắn ngủi này. Có một số cách để thực hiện nó.

Các tàu vũ trụ được bảo vệ khỏi nhiệt sinh ra trong quá trình xâm nhập khí quyển bằng các tấm chắn nhiệt. Nhiều sứ mệnh khác nhau trong quá khứ đã sử dụng các kỹ thuật như hấp thụ nhiệt, lớp phủ cách nhiệt, phản xạ nhiệt trở lại bầu khí quyển hoặc bằng cách đốt cháy vật liệu che chắn.

Từ các sứ mệnh của Apollo những năm 1960 đến Dragon của SpaceX mới đây, những kỹ thuật này đã được sử dụng thành công và chúng hoạt động thực sự hiệu quả đối với Trái đất. Nhưng khi nói đến sao Hỏa, các kỹ sư cần phải sử dụng một số biện pháp bổ sung.

Chẳng hạn, tàu vũ trụ Pathfinder sử dụng dù để giảm tốc, đồng thời dựa vào hệ thống túi khí độc đáo bung ra hoạt động trong vài giây cuối cùng để hấp thụ cú sốc khi hạ cánh. Các tàu thám hiểm Spirit và Opportunity đã hạ cánh thành công trên sao Hỏa với kỹ thuật tương tự.

Một vài năm sau, tàu thăm dò Curiosity sử dụng một hệ thống hạ cánh mới. Trong vài giây cuối cùng, tên lửa được bắn ra, cho phép tàu vũ trụ bay lơ lửng trong khi cần trục hạ thiết bị bay xuống bề mặt sao Hỏa đầy bụi. Hệ thống mới này đã chứng minh việc vận chuyển một trọng tải lớn lên sao Hỏa và mở đường cho các sứ mệnh lớn hơn.

Gần đây nhất, tàu thăm dò Perseverance hạ cánh vào đầu năm 2021, đã sử dụng cần trục tin cậy và hai công nghệ tiên tiến hơn. Các tính năng mới này sử dụng hình ảnh trực tiếp được chụp từ máy ảnh của tàu cho phép hạ cánh chính xác, đáng tin cậy và an toàn hơn.

Tàu thám hiểm sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc

Tàu Chúc Dung (mang tên vị thần lửa trong thần thoại cổ đại Trung Quốc) của Thiên Vấn 1 là sứ mệnh tiếp theo trên sao Hỏa. Sứ mệnh đầy tham vọng này có các thành phần quỹ đạo, hạ cánh và di chuyển. Thiên Vấn 1 đã bay vòng quanh hành tinh đỏ kể từ khi đi vào quỹ đạo của sao Hỏa vào ngày 24.2 và sẽ cố gắng hạ cánh tàu Chúc Dung vào giữa tháng 5.

cong nghe khac biet noi troi cua tau tham do sao hoa trung quoc
Lễ đặt tên tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc ngày 24.4.2021. Ảnh: Xinhua

Về kích thước, Chúc Dung lớn hơn Spirit nhưng nhỏ hơn Perseverence và mang theo sáu thiết bị khoa học. Sau khi hạ cánh, Chúc Dung sẽ khảo sát môi trường xung quanh để nghiên cứu đất, địa mạo và khí quyển của sao Hỏa, đồng thời sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của băng nước dưới bề mặt.

Theo truyền thống, các nhà chức trách Trung Quốc không tiết lộ nhiều thông tin trước sự kiện này. Tuy nhiên, dựa trên cái nhìn tổng quan ban đầu về sứ mệnh của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc, có thể hình dung trình tự hạ cánh mà tàu vũ trụ sẽ cố gắng tuân theo.

Vào ngày 17.5, Chúc Dung - được bảo vệ bởi một lớp vỏ bao quanh tàu vũ trụ gồm tấm chắn nhiệt - sẽ đi vào bầu khí quyển với tốc độ 4 km/giây. Khi nó đủ chậm, dù sẽ được bật ra. Trong giai đoạn cuối của quá trình này, tên lửa với động cơ có lực đẩy thay đổi sẽ được sử dụng để giảm tốc thêm.

Trái ngược với tàu thăm dò của Mỹ, Thiên Vấn 1 sẽ sử dụng hai công nghệ đáng tin cậy - một công cụ tìm khoảng cách bằng laser để xác định vị trí của nó so với địa hình sao Hỏa và một cảm biến vi sóng để xác định tốc độ chính xác hơn. Chúng sẽ được sử dụng để hiệu chỉnh điều hướng trong giai đoạn thả dù của nó.

Nếu sứ mệnh thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thám hiểm lên sao Hỏa trong nỗ lực đầu tiên. Vài ngày sau đó, Chúc Dung sẽ sẵn sàng khám phá bề mặt sao Hoả.

Theo KHÁNH MINH/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load