Thứ bảy 20/04/2024 14:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công khai nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu

19:32 | 07/11/2022

(Xây dựng) - Là một trong những điểm mới trong nhóm chính sách được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu.

cong khai noi dung ket qua thuc hien hop dong cua nha thau
Nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu… (Ảnh minh họa).

Liên quan đến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Như tại các địa phương, thực tế có rất nhiều dự án đầu tư kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhưng địa phương còn lúng túng trong triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư…

Do đó, để hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; dự án đầu tư kinh doanh phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng xác định rõ phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tiếp tục áp dụng Luật Đấu thầu với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), bao gồm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Không áp dụng với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu thầu có liên quan đến các luật có hiệu lực sau Luật Đấu thầu 2013 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật; phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên…

Một trong những điểm mới được bổ sung tại dự thảo Luật đó là quy định yêu cầu công khai nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, trong đó có nội dung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, công trình; đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín nhà thầu và chất lượng sử dụng của hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp. Từ đó làm cơ sở loại bỏ nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế.

Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chỉ định thầu nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, như gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo các nghị quyết của Quốc hội... Quy định cụ thể các trường hợp, điều kiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm minh bạch, thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá uy tín nhà thầu; cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng hàng hóa, công trình; mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đặc biệt, hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng cài cắm tiêu chí đánh giá, gây cạnh tranh không bình đẳng.

Cùng với đó, dự thảo Luật có các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu; các quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu… nhằm góp phần thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, nhiều quy định mới cũng được đưa vào dự thảo Luật nhằm tạo cơ chế thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế...

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu là phù hợp nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load