Tùy theo hành vi vô tình hay cố ý mà công chứng viên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật vì công chứng sổ đỏ giả.
Cụ thể tại Điểm c Khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014, công chứng viên phải có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng.
Việc công chứng viên xem xét tính hợp pháp của sổ đỏ nói riêng, giấy tờ khác nói chung là cách để thực hiện nghĩa vụ nói trên. Trường hợp công chứng viên không phát hiện sổ đỏ, giấy tờ khác là giả gây ra thiệt hại cho khách hàng thì có một phần lỗi của công chứng viên.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 38, tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh sử dụng nhầm sổ đỏ giả. Ảnh: LĐO |
Với trường hợp công chứng viên không phát hiện ra sổ đỏ, giấy tờ khác là giả (lỗi do vô ý) nên thực hiện công chứng cho hợp đồng mua bán nhà đất, gây thiệt hại cho khách hàng, văn phòng công chứng phải liên đới cùng kẻ lừa đảo bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Trường hợp công chứng viên cố ý mắc lỗi (cấu kết với kẻ lừa đảo, biết là giả nhưng làm ngơ cho qua...) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Khoản 2 Điều 38 ghi rõ công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp không hoàn trả, tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo Khương Duy/Laodong.vn