Thứ năm 25/04/2024 23:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công bố báo cáo 'Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách'

19:39 | 03/04/2020

Ngày 3/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố báo cáo "Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách".

cong bo bao cao danh gia tac dong cua dich covid 19 den nen kinh te va cac khuyen nghi chinh sach
Chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) vắng vẻ trong ngày đầu tháng 4. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Báo cáo này do nhóm tác giả gồm trên 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã làm việc khẩn trương từ lúc bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến nay, phân tích khối lượng dữ liệu lớn từ các bộ, ngành của Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng trên 500 doanh nghiệp.

Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Với sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn và thay đổi về cơ chế từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu.

Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, Báo cáo xây dựng một số mô hình định lượng nhằm dự báo sơ bộ tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Theo đó, báo cáo dự báo tăng trưởng GDP quý II năm 2020 của Việt Nam khoảng 2,0% so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý III năm 2020. VN-Index giảm khoảng 28%, phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%. Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý II và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và kết quả khảo sát doanh nghiệp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tác động của dịch COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, có đến 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34% phải cắt giảm lương nhân công lao động; 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. Có 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thống kê trong tháng 2/2020 cũng cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).

cong bo bao cao danh gia tac dong cua dich covid 19 den nen kinh te va cac khuyen nghi chinh sach
Các tuyến xe khách liên tỉnh tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) đã dừng hoạt động vận tải. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Từ những phân tích trong báo cáo, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất những khuyến nghị chính sách nhằm giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, trong mọi trường hợp, Việt Nam cần phải đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Mặc dù đây là những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất nhưng các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết để tránh không xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng. Bên cạnh đó, việc gia tăng sản xuất và cung ứng các thiết bị y tế như khẩu trang, máy trợ thở, thuốc men hay giường bệnh cũng cần được ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc cùng lắm đến hết quý II năm nay thì phản ứng chính sách nên mang tính "hỗ trợ". Cụ thể, đối với những người lao động mất việc kéo dài, có thể tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các hộ gia đình mất thu nhập lâu dài không có khả năng thích ứng cần được trợ cấp đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng lao động tư do không thuộc diện bao phủ của bảo hiểm.

Đối với doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn; hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội; nên ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.

cong bo bao cao danh gia tac dong cua dich covid 19 den nen kinh te va cac khuyen nghi chinh sach
Điểm tham quan Chùa Cầu (Hội An) vắng khách vì thực hiện cách ly xã hội. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính "giải cứu". Cụ thể như: tập trung không chỉ vào khả năng thanh khoản mà còn là khả năng thanh toán (tồn tại hay phá sản) của các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng "bơm thêm" thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Lãi suất có thể cắt giảm thêm 1 - 2 điểm phần trăm.

Khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp thì cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước… ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Cần tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô; giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện. Có như vậy, sau dịch bệnh, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng, ngược lại sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch.

Theo Việt Hà (TTXVN)

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load