Ðồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 100 tuổi.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm Sư đoàn Phòng không 361 ( Ảnh Tư liệu)
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công sớm giác ngộ cách mạng.
Tháng 5/1930, đã bắt đầu hoạt động cách mạng. Hai năm sau được kết nạp vào Ðảng và làm Bí thư chi bộ. Tháng 3/1940 được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam. Tháng 10/1943, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân và bị giam ở nhà lao Buôn Ma Thuột.
Sau cuộc đảo chính, Nhật lật Pháp tháng 3/1945, đồng chí ra tù, được cử vào Ban thường trực Ủy ban bạo động khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An, tỉnh lỵ Quảng Nam, góp phần đưa cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An thắng lợi vào sáng ngày 18/8/1945. Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Tháng 3/1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Liên Khu ủy 5, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Ðà Nẵng. Sau hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, đồng chí ở lại miền nam, lãnh đạo Ðảng bộ và nhân dân chống địch đánh phá ác liệt phong trào cách mạng.
Là người luôn gắn bó với nhân dân, bám sát thực tiễn, đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, góp phần làm nên Nghị quyết 15 nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, tạo nên bước ngoặt lớn của cách mạng.
Cuối năm 1961, Trung ương Cục miền Nam thành lập, đồng chí Võ Chí Công được chỉ định làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Năm 1962, đồng chí được cử làm Phó Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Ðồng chí đã trực tiếp đến một số tỉnh ở Nam Bộ nghiên cứu phong trào cách mạng của quần chúng và phong trào Ðồng Khởi ở Bến Tre để phổ biến kinh nghiệm toàn miền nam. Ðồng chí đã cùng Trung ương Cục chỉ đạo phá "ấp chiến lược", chống "chiến tranh đặc biệt" của địch, đạt nhiều thắng lợi lớn.
Trong những năm làm Bí thư Liên Khu ủy 5 kiêm Chính ủy Quân khu, từ 1964 đến 1975, đồng chí đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của cách mạng, của kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trên một chiến trường cực kỳ gian khổ ác liệt, góp phần làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, đồng chí sớm đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị chớp thời cơ tiến công giải phóng Ðà Nẵng và là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch giải phóng Ðà Nẵng cuối tháng 3/1975, góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta đánh thắng hoàn toàn quân Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập, đồng chí được cử giữ nhiều trọng trách: Bộ trưởng Bộ Hải sản, Phó Thủ tướng, Bí thư Trung ương Ðảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Ðồng chí luôn luôn đi sát thực tế, nghiên cứu tình hình, đề xuất nhiều chủ trương sát đúng, có giá trị to lớn làm chuyển biến tình hình, tạo nên những bước ngoặt, phá vỡ bế tắc, chuyển yếu thành mạnh, chuyển khó khăn thành thuận lợi.
Khi giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, đồng chí đề xuất những giải pháp giải quyết khó khăn cho ngành hải sản, cho ngành tự trang trải, tự cân đối trong sản xuất kinh doanh để nuôi sống và phát triển ngành. Do có sự chuyển đổi quản lý, tổ chức mà ngành hải sản đã vươn lên thành một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân.
Phụ trách nông nghiệp, đồng chí nhận trách nhiệm dự thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, thực hiện Khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 100, Trung ương ra Nghị quyết 10, năm 1988, đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, một bước ngoặt tạo động lực trong sản xuất đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và có dư để xuất khẩu. Khi được cử làm Trưởng tiểu ban Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chung, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị cơ sở (bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, phân phối lưu thông). Ðồng chí cũng là người đã đóng góp vào việc xác định đường lối đổi mới của đất nước để Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 6 quyết định.
Khi làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã đi sâu nghiên cứu, trước hết là thực hiện dân chủ thật sự đối với cơ quan dân cử: Hội đồng Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước theo phương châm: Ðảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.
Các chủ trương trên đã được thực hiện mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Chính phủ ngày càng đổi mới, tiến bộ nhiều mặt, nhất là thực hiện dân chủ trong các kỳ họp, chất lượng các quyết định ngày càng được nâng cao. Trong nhiệm kỳ 8, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã thông qua 31 luật và 43 pháp lệnh.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, tập trung được nhiều chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Ðồng chí đã kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nội dung sửa đổi Hiến pháp do đồng chí chỉ đạo đã được nhân dân hoan nghênh và Quốc hội thông qua, trở thành Hiến pháp sửa đổi 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới ở nước ta.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá: "Sẽ là một thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc đến việc đóng góp có ý nghĩa đáng trân trọng của đồng chí Võ Chí Công trong sự đổi mới hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao. Trong năm năm thực hiện trọng trách của mình, đồng chí Võ Chí Công đã có đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong việc lập hiến và lập pháp".
Nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Ung Ngọc Ky có nhận xét: "Anh Năm Công là người lãnh đạo cởi mở, rất chân thành. Nét mặt luôn tươi cười mà hễ cười thì cười to, sảng khoái, xuất phát từ tấm lòng trung thực. Ðôi mắt sáng của anh luôn nhìn thẳng vào người đối thoại với thái độ tin cậy, khuyến khích, thành khẩn lắng nghe. Do đó sống và làm việc bên anh thật dễ chịu. Anh là người giỏi về tổ chức, chính anh đã lãnh đạo tổ chức rất bề thế và thành công lớn Ðại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đầu năm 1962 và năm 1964. Ðiều gây ấn tượng rất sâu sắc ở tôi là anh rất thông minh, có trí nhớ rất tốt. Vốn từng trải, tích lũy được nhiều trong hoạt động cách mạng, anh ít dùng giấy tờ, sắp xếp mọi việc sẵn trong đầu óc, cho nên khi phát biểu thì ý kiến phong phú, chín chắn, rành mạch, dứt khoát".
Nhà báo Hoàng Tùng, người có nhiều năm công tác trong Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Ban Bí thư với đồng chí Võ Chí Công viết: "Võ Chí Công nổi tiếng là người kiên cường, năng động, sáng tạo, tác phong chu đáo, sống có tình nghĩa... Ðồng chí đến đúng lúc và đúng nơi cần một người giàu kinh nghiệm, sát cuộc sống quần chúng, ghét lý thuyết viển vông, có điều kiện đề xuất một giải pháp có tính đột phá để đưa đất nước qua cơn hiểm nghèo. Võ Chí Công đã xuất hiện đúng lúc lịch sử có nhu cầu và đáp ứng đúng nhu cầu ấy".
Đặng Minh Phương
Theo Báo Nhân dân