Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào, thuận lợi để phát triển nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo để phát triển kinh tế xanh, nguồn nhân lực, công nghệ, nhận thức, vốn… sẽ là những rào cản tạo khoảng cách lớn mà Việt Nam phải vượt qua.
Thách thức từ phía trước
Nằm trong khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, đường bờ biển dài hơn 3.200km, lãnh hải hơn 1 triệu km2, dân số hơn 80 triệu người thuộc nhóm dân số trẻ, chưa kể những “vốn tự nhiên từ thiên nhiên sẵn có”, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trên lộ trình hướng tới nền kinh tế xanh. Các tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tính theo KWh/m2/năm của Việt Nam tương đối cao: Năng lượng mặt trời 1.300 - 2.200, gió đạt 2.700 - 4.500 tại vùng đảo xa. Tiềm năng thủy điện nhỏ cho phép xây dựng hơn 600 trạm với tổng công suất hơn 1.300MW, tiềm năng năng lượng sinh học, sinh khối từ gỗ, phụ phẩm nông nghiệp… lên tới 15 triệu TOE (tấn dầu tương đương).
Tuy nhiên, con đường tiến tới nền kinh tế xanh của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, cụ thể mức thu nhập trung bình đầu người/năm chỉ bằng 1/10 mức thu nhập trung bình trên thế giới. Hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm suy thoái ở mức -11,54%, trong khi con số này ở Nhật là -0,82%, Hàn Quốc là -1,79%. Công nghệ sản xuất lạc hậu chậm đổi mới tiêu tốn nhiều năng lượng, chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm suy thoái môi trường, kèm với đó là tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính cao nhất trên thế giới. Các ngành kinh tế “nâu” đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ được Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2012. |
Bên cạnh đó, nguồn vốn để đầu tư cho phát triển kinh tế xanh rất tốn kém, theo GS Phạm Ngọc Đăng - Phó chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, chi phí để làm 1KW năng lượng gió, năng lượng mặt trời cao gấp năm lần so với điện năng từ than, thủy điện hiện tại. Bà Nguyễn Lệ Thủy - Phó chánh Văn phòng phát triển bền vững, Bộ KH&ĐT cho biết, đi kèm với nền kinh tế xanh luôn là những trở ngại, ví dụ sử dụng một loại năng lượng mới thì mạng lưới xe cũ phải thay đổi, nhà cửa phải gắn thêm nhiều trang thiết bị… Được biết, phí tổn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh mỗi năm thế giới cần chi phí 1.900 tỷ USD.
Thách thức là vậy, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, đa dạng sinh học suy giảm, tài nguyên không tái tạo cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường nếu Việt Nam không sớm hướng nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Sẽ có tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư
Trước thực trạng này, một bản Dự thảo Khung Chiến lược tăng trưởng xanh 2011 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã Bộ KH&ĐT xây dựng, lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2012.
Mục tiêu tổng quát của Khung Chiến lược này là nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam thành một mô hình dựa trên việc phát thải các-bon thấp, sản xuất và tiêu dùng “xanh” cùng với tái cơ cấu nền kinh tế để tăng trưởng kinh tế gắn kết hiệu quả hơn với tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả sinh thái, đảm bảo thành công quá trình CNH, HĐH đất nước như Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã đề ra. Với ba nội dung chính, đó là giảm phát thải nhà kính: 10 - 20% (2011 - 2020) và 35 - 45% (2020 - 2030); xanh hóa sản xuất: 100% các cơ sở SXKD mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang thiết bị giảm ô nhiễm; xử lý chất thải và xanh hóa lối sống, tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, cho biết: Đã đến lúc phải lựa chọn đầu tư vừa mang lợi ích kinh tế - xã hội, vừa góp phần tăng trưởng xanh. Theo đó, công nghệ cao ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, ít chất đốt, xăng dầu, điện, than và tạo ra được giá trị gia tăng cao, góp phần bảo vệ môi trường sẽ là tiêu chí lựa cho các dự án đầu tư.
Trả lời câu hỏi lựa chọn nào cho Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển dựa trên hệ sinh thái, lợi thế về vốn tự nhiên, phát triển cacbon thấp, phát triển ít chất thải là ba trọng tâm cho phát triển xanh tại Việt Nam. Theo đó, các hướng tiếp cận chính của Việt Nam là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp khu vực “kinh tế nâu”, mở rộng sang khu vực “kinh tế xanh”, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các “ngành kinh tế xanh”, khuyến khích sử dụng hàng hóa dịch vụ thân thiện với môi trường.
3 năm, Hàn Quốc bỏ ra 50 tỷ USD để tăng trưởng xanh Năm 2009, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành kế hoạch 5 năm sử dụng carbon thấp và có những hành động cụ thể thực hiện chiến lược quốc gia này. Chính phủ đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh trong 5 năm đó và phân bổ ngân sách cho tăng trưởng xanh. Chính phủ phải cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản cho nền kinh tế xanh, ban hành quy định, thể chế, đồng thời để các DN hưởng một số ưu đãi nhằm khuyến khích việc phát triển xanh. Trong 3 năm, Hàn Quốc đã bỏ ra 50 tỷ USD cho tăng trưởng xanh. Kết quả là phát triển những loại công nghệ quan trọng liên quan đến chiến lược tăng trưởng xanh đã giúp Hàn Quốc tạo ra những ngành công nghiệp môi trường mới. |
Quốc Lượng
Theo baoxaydung.com.vn