Thứ sáu 17/01/2025 15:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Cô Tô (Quảng Ninh): Xây dựng đô thị theo quy hoạch đô thị du lịch biên hải

15:33 | 13/09/2017

(Xây dựng) - Cô Tô, huyện đảo xa xôi nhất vùng biển Đông Bắc bộ. Quần đảo tiền tiêu này gồm trên 50 hòn đảo, trong đó 3 đảo có nhiều người ở. Từ khi có điện lưới quốc gia, Cô Tô như được đánh thức tiềm năng du lịch, huyện đã sớm điều chỉnh quy hoạch tổng thể, xây dựng đô thị Cô Tô theo hướng đô thị du lịch biên hải.


Bến cảng tàu du lịch Cô Tô lung linh khi màn đêm buông xuống.

Trong hành trình kiến thiết đô thị, Cô Tô chia làm nhiều giai đoạn theo đặc điểm cụ thể ở địa phương. Trước mắt, huyện chọn mục tiêu then chốt là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Huyện khắc phục tồn tại do lịch sử để lại, gánh nặng nhất một thời di dân ra xây dựng vùng kinh tế mới (mục đích giữ đất là chính), dân tự do cư trú và gần đây là phát triển du lịch “nóng”, công tác quản lý đất đai không theo kịp tốc độ xây dựng. Đồng thời với việc quản lý đất xây dựng, sắp xếp lại quy hoạch, Cô Tô đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, theo hướng đi trước đón đầu vận hội mới, quần đảo địa phương nằm trong khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Cô Tô đầu tư 2 công trình trọng điểm trong niên khóa kế hoạch (2016 - 2020) là dự án đường xuyên đảo và dự án xây dựng quần thể Trung tâm thương mại-  hậu cần nghề cá - bến cảng nội địa quy mô tiên tiến đón được tàu quốc tế.

Dự án đường xuyên đảo đầu tư giai đoạn I với 118 tỷ đồng, trục đường chính dài 5km, lòng đường rộng từ 7 đến 8,5m, vỉa hè hai bên trung bình rộng 5m, có chỗ rộng tới 9m (công trình nhân dân tự nguyện hiến đất mở đường, kinh phí tập trung cho xây dựng) nền đường vỉa hè vững chãi, đẹp mắt. Tỉnh đã có chủ trương cho Cô Tô triển khai làm đường giai đoại II, đường dài rộng, thông thoáng, kẻ ô bàn cờ, giao thông đô thị tiên tiến.

Dự án quần thể Trung tâm thương mại, hậu cần nghề cá, bến cảng nội địa đón được tàu quốc tế, dự kiến huy động nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức PPP. Nhà ga chờ tàu có mái che rộng 600m², giá trị đầu tư 40 tỷ đồng, Cty TNHH Ka Long đã lập dự án đầu tư xây dựng.

Cô Tô huyện đảo hiện có 1.700 hộ, trên 6.000 khẩu, dân sinh sống tập trung tại đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân (còn gọi là Cô Tô bé). Cô Tô lớn gồm 2 đơn vị hành chính là thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến, dân số 1.300 hộ, hàng ngày du khách thập phương đến dao động từ con số 3.000 - 7.000 thực khách, riêng tháng 8/2017 đã đón 25 vạn khách.

Cô Tô từ một hòn đảo đầu sóng ngọn gió vùng biên hải, từng phải “chiêu” dân đến ở. Khi ấy ai đến Cô Tô định cư được ưu đãi cấp đất, cấp tiền xây nhà… nhưng 30 hộ vẫn bỏ đi, nay quay lại đòi đất đòi nhà. Bởi Cô Tô nay đã khác trước, một vùng hải đảo hấp dẫn du lịch, thường bội du khách. Đôi khi biển động, tàu thuyền không trả được khách về đất liền, khách dôi nhật trên đảo, chính quyền phải đứng ra giúp dân huy động lương thực của bộ đội chi viện cho nhà hàng vay nóng phục vụ du khách.

Huyện đảo Cô Tô đứng trước áp lực bùng phát ngành kinh tế du lịch, nhiều khi phải “chữa cháy” nơi ăn chốn ở cho thực khách. Trong một thời gian ngắn đã xây dựng được 286 cơ sở lưu trú với 2.500 phòng, trong đó có 52 cơ sở được xếp hạng (gồm: 5 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao, 26 nhà nghỉ). Với cơ sở du lịch hiện có Cô-Tô ngày chỉ đón được 7.500 du khách lưu trú. Tháng 8/2017, lượng khách đến Cô Cô lên tới 25 vạn người, mà dân số hòn đảo Cô Tô già trẻ gộp lại chỉ có 4.500 người (khách đến chơi gấp trên 5 lần chủ nhà). Cô Tô không chỉ lo dịch vụ ăn nghỉ, phải lo đồng bộ điện, nước, đường sá, thông tin liên lạc, dịch vụ xử lý nước thải, rác thải… rồi đây kể cả cơ sở y tế nữa. Hiện 2 hồ chứa nước mặt gồm: hồ Trường Xuân ở xã Đồng Tiến dung tích 170.000 m³; hồ C4 ở thị trấn Cô Tô, trước đây nguồn nước chủ yếu phục vụ nông nghiệp, nay được xác định là “vò” nước ăn, phải thanh sạch, rừng lòng hồ chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ. Nước thải, tổ chức JICA của Nhật giúp đỡ hệ thống đường ống tự làm sạch nước thải công suất 50 m³/h được nâng cấp, phát huy tốt tác dụng. Trạm xử lý rác thải theo công nghệ đốt, 300kg/mẻ, thay thế phương pháp chôn lấp trước đây đang được đầu tư xây dựng thí điểm ở thôn Trường Xuân.

Cô Tô hiện đang gồng mình huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng đáp ứng cơ hội mới, không tránh khỏi những thiếu sót về quy hoạch, quản lý đất đai xây dựng, môi trường, kể cả lựa chọn công nghệ xử lý nước thải, rác thải còn có một số tồn tại.

Cô Tô, quần đảo có vị trí quan trọng, nơi duy nhất trên phạm vi toàn quốc, khi sinh thời Bác Hồ cho đặt tượng của Bác, một vùng hải đảo tiền tiêu, thiêng liêng nay lại có thêm vận hội mới, nằm trong khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Mới đây, trong chuyến thực tế công tác ra đảo Cô Tô, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chia sẻ khó khăn với địa phương, nhất trí chủ trương chi ngân sách cho Cô Tô làm đường xuyên đảo giai đoạn II; xây dựng Trung tâm Y tế quy mô phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Huyện đảo Cô Tô phát huy nội lực, được tỉnh, được Đảng, Nhà nước quan tâm, đô thị du lịch vùng biên hải sẽ tỏa sáng trong bức tranh kinh tế ở vùng biển Đông Bắc bộ. 

Một số hình ảnh đổi mới tại Cô Tô:


Bãi biển sớm chiều có người quét dọn.


Cô Tô có 52 cơ sở lưu trú đẳng cấp xếp sao.


Cô Tô đô thị biên hải.


Cô Tô nhiều nhà hàng khách sạn hối hả mọc lên.


Dự án đường xuyên đảo giai đoạn I, dài 5km, lòng đường rộng 7-8,5m, phố xá thông thoáng, giao thông thuận tiện.


Hồ Trường Xuân dung tích 170.000 m³ nước sẵn sàng cấp nước sạch cho nhu cầu du lịch.


Lưới điện hạ thế đáp ứng sản xuất đời sống, đô thị du lịch.


Đây là một vùng hải đảo phong cảnh đẹp.


Trạm xử lý rác công suất đốt 300kg trên mẻ đang thực nhiệm để thay thế hình thức chôn rác dưới đất trước đây.


Vỉa hè nhiều chỗ rộng đến 9m đáp ứng nhu cầu phố đi bộ.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load