Thứ sáu 26/04/2024 05:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cơ quan chuyên môn lý giải việc thành phố Quảng Ngãi ngập lịch sử

23:21 | 28/10/2021

(Xây dựng) – Thành phố Quảng Ngãi vừa trải qua một trận ngập lụt được xem là lịch sử khi gần như cả thành phố chìm trong biển nước. Nhằm cung cấp đến bạn đọc một cái nhìn tổng thể, đa chiều về sự việc cũng như đi tìm lời giải cho bài toán chống ngập trong thời gian tới, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Ông Nguyễn Công Hoàng – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi.

PV: Ông đánh giá như thế nào về trận ngập lụt ngày 23/10 vừa rồi ở thành phố Quảng Ngãi?

Ông Nguyễn Công Hoàng: Đầu tiên phải thẳng thắn rằng sự việc nghiêm trọng và chưa từng xảy ra trước đây, trong tình cảnh đó người dân phản ứng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Ở góc đó là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi nhận trách nhiệm về mình chứ tuyệt nhiên không có chuyện làm được thì nhận, không được thì đổ.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Đô thị Quảng Ngãi vừa trải qua một trận ngập lụt lịch sử.

PV: Theo ông, có phải việc quy hoạch thoát nước không đảm bảo đã dẫn tới việc thành phố bị ngập nặng như vừa rồi?

Ông Nguyễn Công Hoàng: Theo tôi, yếu tố này cần phải được xem xét và nghiên cứu kỹ trên cơ sở khoa học và hiện trạng trước khi đưa ra nhận định. Qua đợt ngập lịch sử vừa rồi chúng tôi đánh giá được sức chịu đựng của hạ tầng thoát nước trên địa bàn. Tuy nhiên, là cơ quan chuyên môn nên chúng tôi phải đánh giá nguyên nhân phát sinh tồn tại một cách tổng thể, xét cả hai yếu tố khách quan và chủ quan.

Phải khẳng định rằng yếu tố khách quan của đợt ngập nặng vừa rồi đến từ lượng mưa quá lớn. Theo thống kê của Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi thì lượng mưa đo được trong 24h (từ 19h ngày 22/10 – 19h ngày 23/10) tại khu vực trung tâm thành phố Quảng Ngãi là 532mm, vượt cả kỷ lục từng được ghi nhận năm 2009.

Hơn nữa, đợt mưa cực lớn vừa rồi có lúc tập trung vào thời gian ngắn, gây áp lực lớn lên hệ thống thu gom nước tại thời điểm đó. Cùng với đó, trong cả đợt mưa thì mức độ, lưu lượng, thời lượng mưa… rất khác so với thông thường. Nó cho thấy rõ việc thời tiết đang diễn biến ngày một cực đoan, khó lường, là minh chứng rõ nét của việc biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến đời sống con người, buộc chúng ta phải gấp rút tìm phương án ứng phó.

Thế nhưng, nếu “đổ” hết cho mưa gây ngập là không đúng, chúng ta phải nhìn nhận trực diện vào những yếu tố chủ quan. Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng quá trình đô thị hóa chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề, bằng chứng là ngay như những đô thị lớn cũng gặp phải hệ lụy tất yếu này.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Hạ tầng thoát nước của đô thị Quảng Ngãi được xây dựng từ cách đây hàng chục năm.

Ở góc độ là cơ quan quản lý quy hoạch, mặc dù chúng tôi đưa ra giải pháp nhưng việc đầu tư xây dựng không đồng bộ do nguồn lực hạn chế hay việc lựa chọn vị trí xây dựng theo thứ tự ưu tiên trong quy hoạch không đạt yêu cầu cũng gây ra ảnh hưởng.

Đơn cử như theo quy hoạch thoát nước thành phố có các hạng mục như: Hai tuyến đê thoát lũ hai bên bờ sông Bàu Giang (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường sắt), hồ điều hòa phía Tây đường Huỳnh Thúc Kháng đóng vai trò thu gom nước cho cả khu vực, trạm bơm cưỡng bức bơm nước từ phía Nam thành phố ra sông Bàu Giang, hai trạm bơm cưỡng bức ở cống Bàu He và ở khu vực xã Nghĩa Hà… đều đang nằm trên giấy, chứ chưa được đầu tư xây dựng. Nếu chúng ta thực hiện đúng theo quy hoạch như trên, việc thoát nước của thành phố sẽ đảm bảo.

Sẽ rất là vô lý khi thành phố Quảng Ngãi được kẹp giữa bởi hai con sông là: Trà Khúc và Bàu Giang, cộng với địa hình thuận lợi mà lại ngập lụt nghiêm trọng như vậy. Nhưng thực tế mà nói, đô thị trung tâm Quảng Ngãi hiện tại là đô thị cũ. Hai, ba mươi năm trước đây khái niệm biến đổi khí hậu chưa được quan tâm như hiện tại, hơn nữa thời kỳ trước việc tính toán đầu tư hệ thống thoát nước trong vùng lõm đô thị một phần do nguồn lực, một phần đã không lường được biến đổi khí hậu. Cùng với đó, việc kế thừa, duy tu và nâng cấp hạ tầng thu gom và thoát nước cũ chỉ đáp ứng được cho nhu cầu bình thường, chứ lượng mưa lịch sử như vừa rồi là không thể.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Việc đầu tư xây dựng đê thoát lũ trên sông Bàu Giang được xem là giải pháp căn cơ cho việc chống ngập của thành phố Quảng Ngãi.

PV: Hiện tại, hệ thống thoát nước của đô thị Quảng Ngãi vận hành như thế nào?

Ông Nguyễn Công Hoàng: Đợt lụt vừa rồi phần phía Bắc thành phố cơ bản ổn, còn phần phía Nam thì ngập nặng. Theo quy hoạch và hiện trạng địa hình thì lưu vực thoát nước bờ Nam sông Trà Khúc được chia làm 3 mái, lấy đường sắt Bắc - Nam làm ranh giới chia phần phía Tây đường sắt sẽ thoát về phía huyện Nghĩa Hành sau đó đổ ra sông Bàu Giang. Phía Đông đường sắt tiếp tục chia làm 2 mái lấy đường Hùng Vương làm trục chính, phía Bắc đường Hùng Vương từ đường sắt đến bến Tam Thương sẽ đổ ra sông Trà Khúc, phần phía Nam đường Hùng Vương sẽ thoát theo hệ thống cống chính qua khu đô thị Uhome, Ngọc Bảo Viên ra sông Bàu Giang.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Hệ thống kênh thoát nước chính cho khu vực phía Nam thành phố ra sông Bàu Giang chỉ phát huy tác dụng khi mực nước sông thấp hơn mực nước kênh.

Nguyên nhân vì sao đợt mưa lớn vừa rồi gây ngập sâu ở phía Nam thành phố bởi vì mực nước sông Bàu Giang lên cao xấp xỉ đường Trường Chinh, có lúc nước từ con sông này còn tràn sâu vào hệ thống cống trong nội đô, chảy ngược vào phía thành phố dẫn đến một số khu vực lân cận như khu đô thị Ngọc Bảo Viên, Uhome, trục đường Phan Đình Phùng, Quang Trung, Lê Lợi… bị bí nước và tiêu rất chậm, gây áp lực tiêu cực lên toàn hệ thống thoát nước, cộng với mưa lớn không ngớt nên đã gây ngập trên diện rộng.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Hồ điều hòa Bàu Cả sẽ được đầu tư nâng cấp khi bố trí được vốn.

PV: Theo ông thì có phải việc xây dựng những khu dân cư, khu đô thị mới làm thành phố Quảng Ngãi ngập?

Ông Nguyễn Công Hoàng: Cuối năm 2016 và đầu năm 2017 là giai đoạn rất nhiều nhà đầu tư dự án bất động sản vào Quảng Ngãi khi dư địa ở các thành phố lớn cạn dần. Thật sự, bộ mặt thành phố đã thay đổi rất nhiều, chính người dân cũng được hưởng lợi từ sự phát triển này, rõ ràng mặt được là đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, phát triển đô thị luôn có những mặt tồn tại, thậm chí tồn tại rất nhiều. Trách nhiệm chính quyền là phải giải quyết những tồn tại đó để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Người dân cho rằng những khu dân cư, khu đô thị mới hình thành những năm gần đây là một trong những tác nhân gây ngập cho thành phố, tôi cho rằng ý kiến của người dân cũng có phần đúng, bởi lẽ người dân chỉ ra khu vực trước đây là bàu chứa nước, đồng trũng… giờ là khu dân cư, khu đô thị mới thì chắc chắn đó là nguyên nhân. Tuy nhiên, phải nhìn nhận vấn đề trên cơ sở đánh giá toàn diện từ khâu quy hoạch, thực hiện quy hoạch và xây dựng.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Lỗi khớp nối, đồng bộ được chỉ ra khi thực hiện nhiều dự án trên địa bàn. Việc này tác động tiêu cực đến hiệu quả tiêu, thoát nước.

Khi đầu tư xây dựng một dự án thì cao độ nền không thể giữ nguyên theo hiện trạng mà phải tính toán và theo dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai. Việc thay đổi hiện trạng cho phù hợp dẫn đến cao độ thay đổi. Thực tế có xảy ra việc thiếu đồng bộ giữa khu mới và khu cũ, việc khớp nối hệ thống thoát nước của dự án này với dự án kia cũng chưa được đồng bộ do dự án làm trước, dự án làm sau… điều này cũng dẫn đến giảm hiệu quả tiêu thoát.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Hiện phía Đông thành phố chỉ mới có một trạm bơm cưỡng bức đặt ở công viên Ba Tơ, trong khi quy hoạch cần đến 3 trạm mới đáp ứng được việc tiêu, thoát nước cho thành phố.

PV: Vậy đâu là giải pháp chống ngập cho đô thị Quảng Ngãi trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Hoàng: Không phải qua đợt mưa vừa rồi chúng tôi mới tính đến hệ thống thoát nước cho thành phố Quảng Ngãi, mà từ năm 2017 địa phương đã làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về việc tiếp cận nguồn kinh phí để thực hiện các hạng mục công trình phục vụ mục tiêu thoát nước theo quy hoạch, cùng với khảo sát cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện hữu, nâng cấp hồ điều hòa quảng trường Phạm Văn Đồng và hồ điều hòa Bàu Cả.

Qua khảo sát thì các chuyên gia của hai Bộ và AFD cũng nhận thấy sự cần thiết của việc hỗ trợ Quảng Ngãi trong việc ứng phó những diễn biến cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn lực này đang gặp phải một số rào cản nhất định, đợt vừa rồi lãnh đạo tỉnh đi họp ở Trung ương cũng tiếp tục xúc tiến việc này.

co quan chuyen mon ly giai viec thanh pho quang ngai ngap lich su
Quảng Ngãi đã, đang và sẽ tiến hành ngầm hóa nhiều tuyến kênh trong nội đô, việc này cũng phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu, thoát nước. Vì rõ ràng, kênh hở sẽ thoát nước nhanh hơn kênh kín, đặc biệt là trong điều kiện quá tải.

Đó là trung hạn, còn trước mắt để giải quyết vấn đề trong nguồn lực cho phép, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố để đưa ra những phương án khắc phục cần thiết. Đồng thời, sẽ tổ chức nạo vét hạ nguồn sông Bàu Giang (khu vực các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hà) vì hiện tại khu vực này đang bị bồi lấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, qua đó tác động trực tiếp đến việc thoát nước của thành phố.

PV: Xin cảm ơn ông về những trao đổi trên!

Nguyễn Nam – Lê Danh (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load