Thứ ba 03/12/2024 06:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cổ phiếu xi măng - người cười, kẻ khóc?

22:15 | 30/07/2014

(Xây dựng) - Thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, sản xuất và tiêu thụ của ngành xi măng trong những tháng gần đây hồi phục mạnh. 6 tháng đầu năm, ngành xi măng đã tiêu thụ được 33 triệu tấn sản phẩm, tăng 10% so với nửa đầu năm 2013.

Cầu tăng, cung cầm chừng

Thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, sản xuất và tiêu thụ của ngành xi măng trong những tháng gần đây hồi phục mạnh. 6 tháng đầu năm, ngành xi măng đã tiêu thụ được 33 triệu tấn sản phẩm, tăng 10% so với nửa đầu năm 2013.

Hiệp hội Xi-măng Việt Nam cũng dự báo, khả năng tiêu thụ nội địa cả năm 2014 sẽ đạt tới 50 triệu tấn xi-măng, bằng năm 2010, năm cao nhất về tiêu thụ; khả năng xuất khẩu xi-măng cả năm 2014 sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn.

Không chỉ gia tăng tiêu thụ tại nội địa, sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu cũng tăng mạnh. Riêng tháng 6, xuất khẩu xi măng đạt gần 1,4 triệu tấn. Không chỉ tăng về sản lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Vicem, The Vissai… đều cho biết, vẫn đàm phán được với giá xuất khẩu không thấp hơn với giá bán nội địa, khoảng 38-39 USD/tấn clinker và 55 - 60 USD/tấn xi măng.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực về tiêu thụ xi măng, từ cuối tháng 5-2014 đến nay, một số chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu xi-măng dự kiến sẽ xảy ra sau hai – ba năm nữa. Theo ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh, thời gian qua do áp lực tồn kho, phần lớn các nhà máy xi-măng đã phải cắt giảm tối đa công suất hoạt động. Nhiều nhà máy, xí nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng 30-40% công suất, thậm chí chấp nhận bán lỗ để đẩy hàng đi.

Hiệp hội Xi-măng Việt Nam dự báo, trong dài hạn, chỉ khoảng 50% số doanh nghiệp (DN) có thể trụ được, 30% số DN khó khăn và 20% hết sức khó khăn. Theo kế hoạch, khoảng giữa và cuối năm 2014 sẽ có bốn nhà máy xi-măng mới được đưa vào hoạt động (Công Thanh, Đồng Lâm, Thạch Mỹ, Trung Sơn) với tổng công suất là 7,5 triệu tấn.

Như vậy, vào năm 2015, dự kiến công suất các nhà máy xi-măng sẽ đạt khoảng gần 85 triệu tấn. Nguồn cung cấp xi-măng cả nước đến năm 2015 sẽ còn 82,6 triệu tấn/năm, giảm gần 11,6 triệu tấn so với con số 94,2 triệu tấn/năm trong Quy hoạch số 1488 của Thủ tướng Chính phủ.

Mã được khuyến nghị “nắm giữ”, mã cận “cảnh báo”

Câu hỏi được đặt ra là liệu những thông tin trên có ảnh hưởng đến cổ phiếu xi-măng trong năm 2014?

Thực tế, trong những tháng qua, tính đến phiên giao dịch ngày 30/7, giá hầu hết cổ phiếu xi-măng trên sàn UPCoM và OTC gần như không thay đổi, riêng cổ phiếu HT1 và BCC tăng khá mạnh. Giá cổ phiếu Công ty CP Xi-măng Hà Tiên 1 (mã HT1-HoSE) trong 2 tháng qua có thời gian tăng tới 46,5% (phiên giao dịch ngày 10-6 lên 13.000 đồng/CP).

Được coi là doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam với thị phần tại thị trường xi măng miền Nam đạt 30%. HT1 sở hữu vị thế thuận lợi khi có nguồn đá vôi hiếm hoi cũng như hệ thống các trạm nghiền tại khu vực phía Nam.

Trong 03 năm gần nhất, tình hình tài chính của HT1 kém khả quan do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá quá lớn. Mặc dù vậy, công ty đã có cải thiện đáng kể trong năm nay, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần của HT1 đạt 3.022 tỷ đồng (+9,40% so với cùng kỳ năm ngoái; 47% kế hoạch), và lợi nhuận trước thuế đạt 17 tỷ đồng (+670% so với cùng kỳ năm ngoái; 81% kế hoạch).

HT1 bất ngờ lãi 11,3 tỷ đồng trong quí 2/2014, tăng đến 10,4 lần so với cùng kỳ 2013 (lãi 990 triệu đồng), theo BCTC quí 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 vừa được HT1 công bố. Cụ thể, trong kỳ 2 năm nay HT1 đạt 1,73 nghìn tỷ đồng doanh thu, giảm 7,5% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế của HT1 tăng mạnh chủ yếu nhờ việc tái cấu trúc các khoản nợ trong năm 2013 (1.200 tỷ đồng nợ VICEM được chuyển đổi thành cổ phiếu, và 47% số nợ dài hạn được gia hạn thêm từ 3-8 năm) giúp chi phí lãi vay giảm 35% so với cùng kỳ. Với quy mô và vị thế rất tốt của HT1, cùng với việc giảm chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỷ giá trong năm 2015, đây được coi là mã được các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị nắm giữ trong thời điểm này.

Giá cổ phiếu của Công ty CP Xi-măng Bỉm Sơn (mã BCC-HoSE) hiện đang giao dịch ở mức 7400 đồng/CP ngày 30/07 cũng đáng để các nhà đầu tư chú ý. Trước đó cổ phiếu này đã tăng 20% trong vòng một tháng, phiên ngày 10-6 là 5.000 đồng/CP, chủ yếu do quý I-2014 lãi ròng 11,4 tỷ đồng sau khi lỗ ròng 27,8 tỷ đồng trong năm 2013. Tại ngày 31-3-2014, BCC có nợ phải trả 4.651 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 2.395 tỷ đồng, gấp gần hai lần tài sản ngắn hạn (1.312 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu là 1.174 tỷ đồng.

Mới đây, công ty cổ phần xi măng Sài Sơn (SCJ) công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2014. Quý 2 năm nay SCJ đẩy mạnh công tác bán hàng, chi phí bán hàng trong kỳ bằng 2,5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, thành tích đáng kể nhất của công ty vẫn là việc giảm tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần, từ 90,8% quý 2/2013 xuống còn 84,2% quý 2 năm nay. Nhờ vậy, lãi gộp của SCJ tăng gần gấp đôi, đạt 14,3 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần chỉ tăng với tỷ lệ 13,11%.

Kết quả quý 2 công ty lãi ròng 7,3 tỷ đồng, tăng đáng kể so với khoản lãi vỏn vẹn 580 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, do lãi mỏng quý 1, SCJ lãi ròng 8,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thuế của SCJ chỉ đạt 443 triệu đồng. Dẫu tăng trưởng mạnh, EPS 6 tháng đầu năm của SCJ cũng chỉ ở mức 840 đồng/cổ phiếu.

SCJ vừa công bố thông tin chia thưởng cổ phiếu cho các cổ đông với tỷ lệ 1:1, tương đương với việc phát hành thêm 9,76 triệu cổ phiếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển và thặng dư vốn cổ phần. Tại thời điểm cuối quý 2/2014, các quỹ nói trên của SCJ có số dư tương đối dồi dào, đạt lần lượt 96 tỷ đồng và 57,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong ngành không phải mã cổ phiếu nào cũng có sự lạc quan như 3 cổ phiếu trên. Một số cổ phiếu xi-măng khác có giá rấp thấp và gần như đứng yên. Cổ phiếu của Công ty CP Xi-măng Bút sơn (mã BTS-HoSE) có giá giao dịch đứng yên ở mức 5.100 đồng/CP suốt từ tháng 6 đến nay với khối lượng khớp lệnh với số cổ phiếu rất khiêm tốn mỗi phiên.

CP của Công ty CP Xi-măng và xây dựng Quảng Ninh (mã QNC-HNX) có giá 6.000 đồng/CP trong suốt tháng 6-2014, tính đến phiên giao dịch ngày 30/7 mới chỉ nhích lên được 6.500 đồng/CP.

CP của Công ty CP Xi-măng Vincem Hoàng Mai (mã HOM – HNX) quý I-2014 lỗ ròng một tỷ đồng (cùng kỳ lãi 17,6 tỷ đồng) năm 2013 chỉ lãi rồng 1,5 tỷ đồng trong khi năm trước lãi tới 13 tỷ đồng, giá từ đầu tháng 6 đến nay xoay quanh mức 6.500 đồng/CP.

CP của Công ty CP Xi-măng Vincem Hải Phòng (mã HVX – HoSE) bị HoSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 26-3-2014 do lợi nhuận sau thuế khiểm toán năm 2013 âm 15,32 tỷ đồng. Quý I-2014, HVX tiếp tục lỗ ròng 1,65 tỷ đồng sau khi lỗ 15,4 tỷ đồng trong năm 2013, giá CP này một tháng vừa qua giảm 10%, Phiên ngày 10-6 còn 5.000 đồng/CP.

Riêng CP của Công ty CP Xi-măng và khoáng sản Yên Bái (mã YBC – HNX) bị hủy niêm yết kể từ ngày 28-5-2014 (giá ngày 27-5 còn 5.200 đồng/CP) do DN thua lỗ trong ba năm liên tục 2011, 2012 và 2013, đồng thời lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại ngày 31-12-2013.

Ngày 6/8 tới đây, theo thông báo của Sở GDCK Hà Nội (HNX), cổ phiếu Xi măng Sông Đà (SCC) cũng sẽ chính thức bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở có giá tham chiếu 5,000 đồng/cp với số lượng chứng khoán niêm yết: 1.980.000 cổ phiếu.

Theo nhận định của chuyên gia ngành xây dựng, năm 2014 và 2015, các doanh nghiệp xi-măng bị áp lực lớn nhất là thuế nhập khẩu xi-măng sẽ giảm chỉ còn 0% - 5%, khi đó các DN xi-măng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với xi-măng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Điều này sẽ còn dẫn đến nhiều biến động khác trên thị trường cổ phiếu.

Phương Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load