Cổ Ngư là tên cũ của đường Thanh Niên. Đây là một con đường nhắm đến sự lãng mạn rất thơ và tình của Hà Nội.
Tình chứ, càng thơ khi từ Cổ Ngư ngắm hồ Tây vào một chiều sương khói bảng lảng. Mặt hồ như xa vời, như không có thật với đôi tình nhân trên chiếc thuyền đôi mỏng mảnh. Chiếc thuyền của thi ca đã đi vào cổ tích. Đường Thanh Niên nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Điểm đến của những người yêu nhau. Tôi dám khẳng định thế bởi trong cuốn sổ chiến trận ngày tôi ra quân, những người bạn lính của tôi không ít người viết vào lời hẹn: Đốt pháo ở Cổ Ngư diễm lệ. Đó là lời hẹn của những người lính không chỉ dành cho mình.
Lứa trai Hà Nội chúng tôi nhập ngũ đầu năm 1972. Tinh trẻ trai măng tơ. Lính Hà Nội lứa này đa phần vừa rời ghế trường phổ thông thì lên đường. Nhà cả bọn quẩn quanh mấy khu nội thành, đông nhất là Hoàn Kiếm. Thanh, phố Hàng Đồng. Thắng, Hàng Cót. Thành, Tạ Hiện. Nguyên, Cao Thắng...
Từ Hà Nội ra đi khi mãn khóa tân binh huấn luyện ở Thanh Hóa, chúng tôi được phiên vào binh chủng cao xạ và chiến đấu ở Nam Định. Thậm chí có người may mắn trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, còn được cùng đơn vị về chiến đấu bảo vệ chính Hà Nội. Ngay từ dạo ấy, Cổ Ngư đã như một địa chỉ quen thân của cánh lính chúng tôi dù chả thằng nào nhà gần ở đó. Hễ có dịp phép là chúng tôi tranh thủ nhào về đấy. Xôm thì trận bánh tôm rộn rã còn mèng nhất cũng là cốc cà phê gió giữa lồng lộng hồ nước mênh mang.
Nhớ sau hòa bình, chúng tôi vào chiến trường. Hành trang mang theo là những câu chuyện bất tận về Cổ Ngư, về Hà Nội. Thì ra cánh lính có người yêu, chuộng địa danh này hơn cánh lính mít tịt như tôi. Họ từng có nhiều dấu ấn về những cuộc tình tự nơi đó. Lãng mạn, đẹp và cũng không ít cắc cớ. Nguyên kể anh từng cùng người yêu đi thuyền sắt và bị lạc trong một trận bão bèo.
Hồ Tây có rất nhiều bèo và thường tạt thành cả biển bèo nơi góc hồ cuối chiều gió. Câu chuyện cuốn hút đến mức nhiều năm sau khi đã trở thành nhà văn tôi dụng công đi thuyền vào mê trận bèo để thấm lại cảm giác của anh qua câu chuyện kể năm nào và tôi đã dựng lại được chí ít cái không khí của thời khắc ký ức đó trong một truyện ngắn khá lãng mạn về tình yêu tưởng tượng.
Lại nhớ dọc đường hành quân, cánh lính Hà Nội ngâm mình dưới suối ở một binh trạm đường Trường Sơn tổ chức liên hoan mừng sinh nhật một ai đó. Kẹo Hải Châu, chè Ba Đình, thuốc lá Tam Đảo tích trữ từ Hà Nội được mang ra đãi nhau. Và lại là những câu chuyện về Hà Nội trong đó không thể vắng bóng Cổ Ngư. Có lần chúng tôi được một đoàn chiếu phim về phục vụ. Một phim tài liệu về những ngày Hà Nội đánh B52. Rất nhiều cảnh xúc động nhưng khi ống kính lướt trên đôi cánh những con chim sâm cầm bay lượn và đứng đậu trên sóng bạc thì nỗi xúc động kia dâng đến nghẹt thở. Không ít những người lính đưa tay chấm nước mắt.
Có ai đó từng biết đến đường Thanh Niên bây giờ với đền Quán Thánh, với bãi pháo hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc, đền Cẩu Nhi trên gò nổi gần quán bánh tôm hồ Tây. Ngay cả cái tên đường Thanh Niên cũng là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bởi con đường này do công sức của thanh niên Hà Nội tu tạo mở rộng những ngày đầu hòa bình sau 1954. Cái tên Cổ Ngư, dù chỉ là hoài cổ nhưng vẫn vô cùng thân thiết với lính tráng Hà Nội.
Giữa cánh rừng già Bình Phước trước chiến dịch đánh đường 14 năm 1975 tôi được nghe Nguyễn Thế Lượng nhà ở phố Cầu Giấy ngâm nga nhiều lần câu thơ: Bóng ác đông trời đã rạng/Tiếng gà thôi lỗi tiếng hòn châm… Tôi cứ nhớ mãi lời bình của anh về câu thơ. Hòn châm là những hòn đá tảng bên hồ Trúc Bạch dùng để những cô thôn nữ đập giặt lụa mỗi buổi sớm bình minh.
Bấy giờ hồ Trúc Bạch còn được gọi với tên xưa là hồ Giặt Lụa. Nhớ để rồi bây giờ đôi lúc vẫn thảng thốt khi thấy anh đâu đây cùng bóng mặt trời và tiếng đập lụa giặt thôi thúc. Lượng đã vĩnh viễn nằm lại ở miền Đông Nam Bộ trong chiến dịch đường 14 và ngôi mộ của anh dù được đồng đội cất công tìm kiếm nhiều năm vẫn chỉ là một ngôi mộ vô danh không thể lần tìm được gốc tích tên tuổi.
Chẳng biết ở nơi đó, Lượng có hình dung nổi ngày chiến tranh kết thúc cánh lính đơn vị đã tụ nhau về Cổ Ngư để thưởng ngoạn những gì suốt những năm tháng trước đó tất cả cùng ao ước. Chẳng biết được nhưng tôi tin chắc chắn Lượng không bao giờ quên chúng tôi cùng một Cổ Ngư, cùng hồ Giặt Lụa sử sách.
Cổ Ngư hay đường Thanh Niên chỉ là một con đường ngắn chừng cây số từ dốc Yên Phụ đến phố Quán Thánh nhưng với những di tích lịch sử và đặc biệt là thắng cảnh của hồ Tây, hồ Trúc Bạch nó đã là một địa danh nổi tiếng không chỉ của Hà Nội. Những thế hệ người Hà Nội càng nhớ đến Cổ Ngư sâu đậm dù đi đâu về đâu.
Đường Cổ Ngư đã vào trong biết bao nhiêu thi phẩm và bản nhạc. Với chúng tôi những lính trẻ Hà Nội năm nào từng thổn thức trước bóng chiếc thuyền đôi ẩn hiện khói sương chở cặp tình nhân lướt trên con sóng ký ức giờ đã trở thành những ông già trầm mặc. Thi thoảng những chuyến dã ngoại về con đường xưa này vẫn được những người lính già tổ chức một cách trân trọng.
Riêng với tôi đôi khi chẳng nệ vui buồn vẫn lần giở cuốn sổ cũ kỹ thời chiến trận để được sờ nắn từng nét chữ bạn bè. Hẹn ngày đốt pháo ở Cổ Ngư diễm lệ. Pháo cưới của những cặp đôi yêu nhau giờ cũng đã thành quá vãng. Bạn bè nữa, người còn, người mất, người không thể trở về. Nhưng mãi còn đây một Cổ Ngư diễm lệ và huyền tích. Một Cổ Ngư của Hà Nội, tôi và chúng ta, những người Hà Nội.
Hà Nội, 30/6/2016
Theo Phạm Ngọc Tiến/Anninhthudo.vn
Theo