Bất động sản được ngân hàng bán thanh lý sẽ có mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên để tránh được rủi ro, người mua cần nắm được một số vấn đề về thủ tục pháp lý.
Hồi tháng 2, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) chi nhánh Nam Thăng Long thông báo phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ theo hình thức bán đấu giá công khai với căn skyvilla diện tích 456,7m2 tại Vinhomes Metropolis. Căn hộ này từng được rao 105 tỷ đồng, được VietinBank đấu giá khởi điểm gần 60 tỷ đồng nhưng chưa nhận được hồ sơ đấu giá.
Đây là một trong rất nhiều tình huống ngân hàng bán thanh lý tài sản là bất động sản để thu hồi nợ. Với nhiều người có nhu cầu đầu tư hoặc mua để ở, liệu có nên xuống tiền mua những tài sản này hay không?
Theo luật sư Đoàn Trung Hiếu - Văn phòng luật sư Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng - thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, hiện nay các ngân hàng áp dụng hai hình thức thanh lý gồm: Ngân hàng tiến hành thanh lý nhà bằng cách cho chính chủ tự thực hiện chào bán hoặc ngân hàng sẽ tự chào bán trong các trường hợp chủ nhà không đồng ý hoặc không có khả năng chào bán.
Lợi ích khi mua nhà thanh lý của ngân hàng
Mua nhà thanh lý tại ngân hàng thường có mức giá hấp dẫn. Mục đích chính của ngân hàng là thu hồi vốn và lãi của khoản vay chứ không phải là lợi nhuận.
Ngoài ra việc mua những tài sản này được bảo đảm tính uy tín, an toàn cao. Người mua hiếm khi lo lắng bị lừa đảo vì ngân hàng là đơn vị có uy tín, có cơ sở pháp lý cùng pháp nhân rõ ràng. Tất cả những thông tin liên quan đến bất động sản thanh lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ về tính pháp lý và xác định lại giá thành trước khi chính thức đưa rao bán.
Mua chung cư, biệt thự được ngân hàng phát mại thường có giá hấp dẫn so với thị trường (Ảnh: Hà Phong). |
Tuy nhiên cũng có rủi ro
Ngoài những lợi ích về giá, pháp lý, khi mua bất động sản được ngân hàng phát mại cũng có 3 rủi ro lớn.
Thứ nhất là vấn đề đối với chủ sở hữu. Như đã phân tích ở trên, ngân hàng ban đầu sẽ tạo cơ hội cho chủ nhà được tự mở cửa bán nhà. Qua đó, thỏa thuận sẽ có sự tham dự của tất cả 3 bên gồm người bán (chủ nhà), ngân hàng và người mua nhà. Tuy nhiên, người mua nhà thanh lý sẽ phải gánh chịu những rắc rối phát sinh nếu là nhà trả góp, đổi chủ mà không có sự đồng ý hay ủy quyền từ phía ngân hàng.
Thứ hai là gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục. Người mua cần phải có văn bản thỏa thuận và ủy quyền của nhiều bên liên quan khiến thủ tục có chút rối rắm, phức tạp. Do vậy sẽ phải mất rất nhiều công sức khi hoàn thành thủ tục thanh lý tài sản.
Thứ ba là dễ dính vào các vấn đề liên quan đến việc kiện tụng, tố cáo. Trường hợp này hay vấp phải do bên nhận vốn không đồng tình với bảng giá bán căn hộ phía ngân hàng đưa ra. Vì vậy cũng hay xảy ra những trường hợp khiếu nại, tố cáo khi mâu thuẫn xảy ra.
Lưu ý khi mua nhà, căn hộ thanh lý
Nếu vẫn quyết tâm mua nhà, căn hộ ngân hàng thanh lý để nhằm hạn chế các nguy cơ xảy ra, người mua nên chú ý một số.
Đầu tiên là đảm bảo chắc chắn đó là nhà, căn hộ ngân hàng thanh lý. Với mức giá hợp lý, dạng bất động sản thanh lý thu hút sự chú ý của cả người mua để ở lẫn người đầu tư. Lợi dụng cơ hội trên, không hiếm cò đất và giới kinh doanh bất động sản đã phù phép từ nhà bình thường trở thành nhà ngân hàng thanh lý để đánh lừa người mua.
Để đảm bảo không "tiền mất tật mang", người mua nên nghiên cứu kĩ và xác định rõ ràng bằng cách đến thẳng ngân hàng hoặc tìm kiếm thông tin trên trang website chính thống của ngân hàng.
Thứ hai là đảm bảo những giấy tờ pháp lý đảm bảo các quyền hạn của người sở hữu đất. Sau khi đã hoàn thành các thủ tục mua bán, giao dịch, những giấy tờ này sẽ là quyền hạn của người mua. Bởi vậy, họ nên nắm vững một số hồ sơ pháp lý như có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất nhà ở, đất có trong danh sách quy hoạch đô thị, vấn đề về tranh chấp.
Theo Mộc An/Dantri.com.vn