Trong khuôn khổ Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”, BQL chương trình vừa tổ chức cuộc họp Ban Tư vấn (lần 2) tại TP Hải Phòng. Chương trình này được khởi động từ tháng 7/2013 trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam.
Cuộc họp của nhóm Tư vấn-Đào tạo Chương trình khu vực miền Bắc.
Ban Tư vấn chương trình khu vực nhóm họp 3 tháng 1 lần, ghi nhận những khuyến nghị từ các nhóm công tác kỹ thuật để BQL chương trình chỉ đạo thực hiện.
Cuộc họp Ban Tư vấn chương trình lần thứ 2 tập trung vào việc lập kế hoạch thực hiện ngắn hạn và dài hạn (năm thứ hai và các năm tiếp theo), trao đổi cùng các chuyên gia về nội dung chuyên ngành, điểm lại các hoạt động đã triển khai cũng như cơ chế phối hợp hoạt động giữa các nhóm.
Theo đó, hai nhóm công tác kỹ thuật Tư vấn-Đào tạo và Thông tin- Thương mại tập trung đánh giá nhu cầu thực tế từ các Trung tâm xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch của nhóm công tác, sẵn sàng tham gia triển khai các hoạt động thực tiễn…
Xuất phát từ thực tiễn những năm qua, các DNN&V góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước đã và đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, sự đóng góp đó vào lĩnh vực xuất khẩu còn nhiều hạn chế do khả năng cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thương mại còn thấp.
Vì vậy, việc thực hiện chương trình này nhằm nâng cao kỹ năng và năng lực cho các Trung tâm xúc tiến thương mại cùng những tổ chức hỗ trợ thương mại, qua đó hỗ trợ một cách có hiệu quả cho các DNN&V ở cả 3 vùng miền của Việt Nam.
Đây là chương trình do Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ tài trợ, được thực hiện trong 4 năm với tổng kinh phí gần 3,9 triệu USD (vốn đối ứng của phía Việt Nam là 570.570 USD, tương đương 14,6%).
Cơ quan quản lý chương trình là Bộ Công thương, Cục xúc tiến thương mại là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức Quốc gia điều hành (NEX).
Chương trình được xây dựng trên cơ sở tiếp nối kết quả của Dự án VIE 61/94 “Hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu tại Việt Nam” do Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ.
Mục tiêu chung của chương trình là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho DNN&V Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc.
Điều đó cũng cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn đọng, đẩy mạnh SXKD cho DN.
Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc tăng cường năng lực cho 3 lĩnh vực, cụ thể: mạng lưới hỗ trợ thương mại tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam có khả năng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho các DNN&V (Hải Phòng là đầu mối ở miền Bắc); Hỗ trợ thành lập Hội đồng xuất khẩu quốc gia; Tăng cường năng lực cho Cục xúc tiến thương mại với vai trò dẫn đầu hệ thống xúc tiến thương mại quốc gia.
Chính phủ Thụy Sỹ mà trực tiếp là Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế Việt Nam từ năm 1993. Trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia mới dành cho Việt Nam giai đoạn 2013-2016, SECO tái khẳng định về một cam kết hỗ trợ Việt Nam lâu dài nhằm đạt được sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Kết quả sẽ được thể hiện thông qua mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao hơn.
Duy Tuấn
Theo