Nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp được dùng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc.
Ảnh minh họa
Theo phản ánh của bà Lê Thị Thắm (tỉnh Bến Tre), Mục IV, Phần B, Phụ lục II Quyết định 58/2015/QĐ-TTg về định mức máy móc, thiết bị của cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập quy định máy scan 1 chiếc xấp xỉ 4 triệu đồng. Vậy, định mức này có phải áp dụng đối với cơ quan, đơn vị mua sắm trang thiết bị sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước không?
Ngoài ra, bà Thắm muốn biết, đối với đơn vị sự nghiệp mua sắm máy scan sử dụng từ nguồn dịch vụ (không phải nguồn ngân sách) có thể không áp dụng định mức tại Quyết định 58/2015/QĐ-TTg không?
Đơn vị sự nghiệp bảo đảm một phần kinh phí, nếu làm công trình hoặc dịch vụ mà nguồn thu 100 triệu đồng, có thể sử dụng để mua sắm trang thiết bị (80 triệu đồng hoặc hơn), phần còn lại mới trích 40% quỹ cải cách tiền lương được không? Có văn bản nào quy định về việc sử dụng nguồn dịch vụ để mua sắm trang thiết bị không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Điều 1, Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc thiết bị của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp:
“Điều 1. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý dự án, chương trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị)”.
Căn cứ quy định nêu trên, các Phụ lục quy định định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp ban hành kèm Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg này được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị mua sắm trang thiết bị sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Tại Điều 2 Thông tư số 19/2016/TT-BTC ngày 1/2/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc thiết bị của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập quy định:
“Điều 2. Nguồn hình thành máy móc, thiết bị
1. Máy móc, thiết bị phục vụ công tác được mua sắm từ các nguồn kinh phí sau:
a) Kinh phí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định;
c) Nguồn kinh phí thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn nhà nước (bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn trái phiếu Chính phủ; trái phiếu chính quyền địa phương; nguồn hỗ trợ chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, gồm: vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên Chính phủ hoặc liên quốc gia).
Đối với các chương trình, dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác khuyến khích vận dụng quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg và Thông tư này.
d) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định”.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư số 19/2016/TT-BTC ngày 1/2/2016 của Bộ Tài chính nêu trên, trường hợp đơn vị sự nghiệp mua sắm máy scan từ nguồn thu dịch vụ thì vẫn áp dụng tiêu chuẩn, định mức ban hành kèm Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
Tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập:
“3. Phân phối kết quả tài chính trong năm
a) Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:
- Trích tối thiểu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;
- Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định;
- Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;
- Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật;
- Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn một lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ thực hiện trong năm, đơn vị được quyết định sử dụng theo trình tự sau: Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ khác (nếu có)”.
Căn cứ quy định nêu trên, việc phân phối kết quả tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần kinh phí được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo từng lĩnh vực (giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề…).
Như vậy, trường hợp nếu làm công trình hoặc dịch vụ mà có nguồn thu 100 triệu đồng thì sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. Trong đó nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp được dùng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc (quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 14).
Theo BaoChinhphu.vn