(Xây dựng) - Như đã đưa tin, ngày 20/4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cùng Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức hội thảo “Đối thoại Chính sách đô thị hướng tới chương trình nghị sự mới cho đô thị”. Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Báo cáo Đánh giá OECD chính sách đô thị quốc gia của Việt Nam. Nhân dịp này, Trưởng ban Quản trị công và Phát triển lãnh thổ của OECD (Hàm Bộ trưởng), ông Rolf Alter đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Xây dựng.
Ông Rolf Alter - Trưởng ban Quản trị công và Phát triển lãnh thổ của OECD.
PV: Thưa ông, được biết Báo cáo Đánh giá chính sách đô thị quốc gia của Việt Nam do OECD chủ trì, còn Bộ Xây dựng là đơn vị hỗ trợ quá trình xây dựng và hoàn thiện báo cáo. Vậy xin hỏi, vì sao OECD quan tâm đến chính sách đô thị tại Việt Nam?
Hai năm trước, trong cuộc gặp gỡ giữa tôi và lãnh đạo Bộ Xây dựng, chúng tôi đã trao đổi về quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy 2 bên đang có những mối quan tâm chung trong việc làm sao chính sách phát triển đô thị được thiết kế một cách chặt chẽ, để mọi người có thể tham gia đóng góp cho sự phát triển, được thực thi một cách có hiệu lực, hiệu quả, đem lại những đóng góp đổi mới hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường cho đất nước. OECD đã thỏa thuận với Bộ Xây dựng để hợp tác. Chúng tôi đã tiến hành 2 đợt công tác. Hiện nay, chúng tôi đang rất tự tin với sự tiến triển tốt đẹp của hợp tác theo kế hoạch đề ra.
PV: Ông đánh giá như thế nào tầm quan trọng của chính sách đô thị đối với sự phát triển của mỗi quốc gia?
Đô thị ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều là một nơi có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì đó là nơi mọi người muốn sống, làm việc, học tập, nghiên cứu. Đô thị là nơi tập trung sự sáng tạo, tập trung của cải của xã hội được tạo ra. Như ở Việt Nam, hơn 35% dân số sống ở đô thị, tạo nên hơn 70% tổng sản phẩm quốc nội. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của đô thị. Không chỉ đóng vai trò một cách độc lập, đô thị còn có ảnh hưởng quan trọng đối với sự vận hành của quốc gia, của nền kinh tế quốc gia.
Việt Nam là một quốc gia đang tăng trưởng nhanh chóng. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta cần bảo đảm sao cho chính sách phát triển đô thị quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đô thị phát triển bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu.
Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức
Chính sách phát triển đô thị quốc gia là tầm nhìn của Quốc gia. Làm thế nào để có thể đạt được các điều đó? Đây là một tiến trình đang được thực hiện liên tục trên thế giới. Có một điều tôi khẳng định, thế kỷ này là thế kỷ của đô thị. Đến cuối thế kỷ, dự báo có đến trên 80% dân số sống ở đô thị. Vì vậy, một điều rất quan trọng là cần có chính sách phát triển đô thị của quốc gia có thể dự báo, định hướng đi theo hướng nào và đảm bảo quá trình đô thị hóa diễn ra đúng đắn.
PV: Sau một thời gian ông và các chuyên gia OECD nghiên cứu về Việt Nam, ông nhận định như nào về chính sách đô thị của Việt Nam?
Thực tế cho thấy ở Việt Nam đô thị phát triển không đồng đều. Ví dụ, chúng tôi đã làm việc ở Hải Phòng. Đó là một đô thị có sự tăng trưởng đặc biệt nhanh, GDP cao, hoạt động sản xuất mạnh mẽ. Các điều đó biểu hiện là một đô thị tràn đầy năng lượng, sáng tạo. Tất nhiên, điều đó cũng cho thấy chúng ta cần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu.
Nếu chúng ta muốn khai thác và tận dụng lợi thế của quá trình đô thị hóa ở mọi nơi của đất nước, chúng ta cần bảo đảm đô thị tăng trưởng diễn ra theo một cách như tôi gọi là đô thị hóa hữu cơ. Việc cung cấp các dịch vụ công như nước thải, giao thông công cộng, nhà ở, hạ tầng thiết yếu phải gắn kết với sự phát triển nhanh chóng. Chúng ta phải sử dụng những lợi thế có được từ sự phát triển của các đô thị để đảm bảo sự phù hợp và cân đối trong phát triển giữa các ngành kinh tế, phát triển tư nhân và sự chia sẻ công bằng cung cấp dịch vụ công.
Chúng ta có thể nhận thấy, lợi ích của quá trình đô thị chưa được đảm bảo giữa các vùng khác nhau trên cả nước. Tôi chắc chắn đó không phải là điều mà Chính phủ mong muốn. Khi một số đô thị hóa nhanh chóng, thậm chí ở cấp số nhân, đô thị đó sẽ có khả năng phải đối mặt với những rủi ro, những điểm nghẽn trong phát triển, như tắc nghẽn về giao thông, về nhà ở. Người dân mất quá nhiều thời gian dịch chuyển giữa các vị trí. Điều đó làm họ mất đi các cơ hội, mất đi những tiềm năng. Do đó chính sách phát triển đô thị của quốc gia cần quan tâm để đảm bảo sự phát triển cân bằng trong nội bộ của đô thị và cũng như trong mạng lưới giữa các đô thị.
Việt Nam là một đất nước rộng lớn, trải dài trên nhiều vùng địa lý, do vậy cần có sự kết nối của hệ thống hạ tầng. Nhưng cần làm rõ là kết nối gì xuyên suốt trong cả nước để những tiềm năng có thể được khai thác, để đảm bảo mọi người dân Việt Nam đều được hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa.
Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức
Khi nói về chính sách đô thị hóa quốc gia không có nghĩa là tôi không chú ý đến khu vực nông thôn. Trong nghiên cứu, chúng tôi đã kết luận rất rõ là cần có sự tiếp cận cân bằng giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn để đem lại lợi ích tối đa. Phát triển đô thị và phát triển nông thôn bổ trợ lẫn nhau, đem lại lợi ích cho tất cả. Tất cả những điều đó cần phải là một phần của chính sách phát triển đô thị quốc gia.
Chúng ta cần kết nối các chính sách quốc gia về nhà ở, giao thông, hạ tầng đô thị và cần có một sự chia sẻ rõ quyền, trách nhiệm giữa tất cả các cấp chính quyền.
Một nội dung quan trọng nữa trong thảo luận về luật Quản lý phát triển đô thị là việc phân bổ ngân sách cho các đô thị để đảm bảo các đô thị phát triển bền vững và an toàn, đảm bảo sự chủ động của đô thị.
PV: Trong thời gian tới, OECD và Bộ Xây dựng sẽ hợp tác như thế nào, thưa ông?
Nghiên cứu của OECD sẽ hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng Luật Quản lý Phát triển Đô thị, rộng hơn là xây dựng các chính sách phát triển đô thị. Đây là những nhiệm vụ mà Chính phủ đang thực hiện.
Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác sẽ đem lại trao đổi kinh nghiệm bổ ích, không chỉ ở Việt Nam mà còn các quốc gia khác trong khu vực. Ở đây sẽ không có ai chỉ định những cách làm cần thiết. Các thảo luận sẽ được tổ chức nhằm tìm ra các bài học trên thế giới có ích, phù hợp với Việt Nam. Ngược lại, chúng tôi cũng học hỏi từ kinh nghiệm và phương thức của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề đô thị hóa tốc độ cao. Việt Nam cần chú trọng vấn đề năng lực của tất cả các cấp chính quyền, nếu chúng ta muốn có được một sự gắn kết và chia sẻ định hướng chung trong sự phát triển đô thị. Hy vọng chúng tôi sẽ hỗ trợ quá trình học hỏi này một cách hiệu quả.
Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức
Chúng tôi cũng mong muốn đóng góp cho các thảo luận mở giữa các chủ thể liên quan trong quá trình phát triển đô thị, như hội thảo “Đối thoại Chính sách đô thị hướng tới chương trình nghị sự mới cho đô thị” mà OECD và Bộ Xây dựng vừa phối hợp tổ chức. Báo cáo của OECD đánh giá chính sách phát triển đô thị quốc gia sẽ đóng góp, thúc đẩy đối thoại chính sách. Hy vọng sẽ giúp mọi người nhận thức đầy đủ hơn nữa vai trò của mình, bởi các cư dân đô thị là một phần trong việc tạo nên các chính sách.
Kết thúc Báo cáo OECD đánh giá chính sách phát triển đô thị quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Bộ Xây dựng thực hiện một số những khuyến nghị mà Báo cáo đưa ra. Chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn khuyến nghị nào là phù hợp. Đây là một quá trình thảo luận tích cực giữa các bên để đảm bảo quá trình đô thị hóa diễn ra đúng hướng ở Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Quý Anh (thực hiện)
Theo