(Xây dựng) – Ngày 18/9/2017, Báo Xây dựng có nhận được Văn bản phản hồi ý kiến của CIENCO 5 về vị trí đặt Trạm thu phí Tam Kỳ, dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn km987-km1027 qua tỉnh Quảng Nam. Nhằm phục vụ việc thông tin kịp thời cho độc giả, Báo điện tử Xây dựng lược đăng nội dung Văn bản phản hồi của CIENCO 5 về vấn đề trên.
Trạm thu phí Tam Kỳ.
Trên Báo điện tử Xây dựng ngày 13/9/2017 có bài viết với tiêu đề “Trạm thu phí BOT đặt sai vị trí” phản ánh về dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn km987-km1027 qua tỉnh Quảng Nam theo hình thức BOT do Tổng Cty Xây dưng công trình giao thông 5-CTCP (Tổng Cty 5) làm Chủ đầu tư. Trước tiên, phía CIENCO 5 cảm ơn Quý báo đã có thông tin đến độc giả và phía Cty mong muốn nhận được sự quan tâm của Quý báo để Cty có những nỗ lực hơn nữa đóng góp cho hạ tầng giao thông của đất nước, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Để Quý báo nắm rõ thêm về vị trí đặt Trạm thu phí Tam Kỳ Km997+640 Cty xin cung cấp một số thông tin như sau: Vị trí đặt Trạm thu phí Tam Kỳ: Dự án thành phần 2 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3406/QĐ-BGTVT ngày 27/12/2012, theo đó Nhà đầu tư được sử dụng Trạm thu phí Tam Kỳ Km997+640 (sau khi kết thúc thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh QL1 qua TP Tam Kỳ) để nâng cấp, cải tạo và thu phí hoàn vốn cho dự án. Do vậy, việc nêu Quyết định số 3406/QĐ-BGTVT phê duyệt vị trí đặt Trạm thu phí tại KM1027 là không chính xác.
Về khoảng cách đặt Trạm thu phí Tam Kỳ: Trạm thu phí Tam Kỳ được xây dựng và đưa vào khai thác từ ngày 1/8/2003, đặt cách Trạm thu phí Điện Thắng Bắc (xây dựng và đưa vào khai thác từ ngày 1/1/2016) về phía Bắc là 53km và cách Trạm thu phí Tư Nghĩa (xây dựng và đưa vào khai thác từ ngày 1/8/2016) về phía Nam 67km.
Do vậy, nếu di chuyển Trạm thu phí Tam Kỳ về đúng khoảng cách đảm bảo 70km so với Trạm phía Bắc sẽ không phù hợp, do rút ngắn khoảng cách với trạm phía Nam còn 50km và không tận dụng được trạm cũ, gây lãng phí trong đầu tư. Vấn đề này đã được Bộ Giao thông vận tải trả lời Đài truyền hình Việt Nam và ông Ngô Công Cầu tại Văn bản số 859/BGTVT-TC ngày 21/6/2016. Ngoài ra, vị trí đặt Trạm thu phí đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất tại Văn bản số 288/BC-UBND ngày 17/12/2012.
Đối với mức phí đường bộ qua Trạm thu phí Tam Kỳ: Ngày 6/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 168/2015/TT-BTC về quy định mức thu sử dụng đường bộ Trạm thu phí Tam Kỳ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, trước khi dự án được chính thức tổ chức thu phí (từ 0h00 ngày 22/8/2016), Tổng Cty 5 đã trình hồ sơ điều chỉnh giảm phí đối với 2 đối tượng xe loại 4,5 và được Bộ Tài chính thống nhất tại Thông tư số 126/2016/TT-BTC ngày 9/8/2016.
Về vấn đề miễn, giảm phí: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 9996/BGTVT ngày 5/9/2017 về việc điều chỉnh hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức BOT; Tổng Cty 5 đang thống kê, rà soát và tính toán phương án tài chính để đề xuất miễn, giảm phí cho các phương tiện và xe ôtô cá nhân khu vực trạm và xe bus khi qua trạm đồng thời tính toán giảm lộ trình tăng giá cho phù hợp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 321/TB-BCĐĐHG ngày 5/5/2017.
Được biết trước đó, ngày 17/12/2012 UBND tỉnh Quảng Nam đã có Văn bản số 288/BC-UBND báo cáo một số nội dung làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, để phối hợp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam có một số báo cáo và đề xuất với Bộ Giao thông vận tải một số vấn đề liên quan đến việc mở rộng Quốc lộ 1 và nâng cấp quản lý, bảo trì một số tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam dài 85km lượng người và phương tiện giao thông qua lại hàng ngày rất đông đúc. Các đoạn này có mặt đường hẹp (nền đường 12m, mặt đường 11m), thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Trước nhu cầu cấp thiết đảm bảo giao thông trên tuyến, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Quảng Nam đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn Km996+500 – Km1021+500 qua địa bàn huyện Núi Thành theo hình thức BT. Trong thời gian thực hiện chủ trương Chính phủ tại cuộc hợp Thường trực Chính phủ về đề án mở rộng Quốc lộ 1 giai đoạn 2012-2020, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 5 làm chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án, CIENCO 5 làm nhà đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dự án đầu tư mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh, phân đoạn Km987-Km1027 đã hoàn chỉnh, đang trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, theo Quyết định số 2310/QĐ-BGTVT ngày 21/9/2012 của Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục dự án đầu tư trên QL1 đoạn Hà Tĩnh – Cần Thơ theo hình thức BOT; đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Quảng Nam chỉ đầu tư tăng cường nền, mặt đường, không mở rộng thêm, do có vướng mắc này nên dự án chưa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt để triển khai thực hiện.
Xét thấy, mặc dù có đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi song hành với tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh nhưng lại đi về phía Tây, cách từ 2km đến 5km, mà nhu cầu di chuyển hàng ngày trên tuyến đường này rất đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông. Do đó, việc chỉ nâng cấp kỹ thuật nền, mặt đường không mở rộng đoạn tuyến này sẽ không đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ và kỳ vọng của chính quyền, nhân dân địa phương Quảng Nam là cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Trước nhu cầu bức thiết kể trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư mở rộng QL1A theo hướng: Đoạn km987-Km1207 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam (gồm đoạn phía Bắc TP Tam Kỳ 3,2km và đoạn qua huyện Núi Thành 30,5, tổng cộng 33,7km) đầu tư theo hình thức BOT, với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, mặt cắt ngang đoạn qua khu đô thị là 25,5m, đoạn ngoài đô thị là 20,5m) sử dụng trạm thu phí Tam Kỳ để thu phí hoàn vốn. Đoạn còn lại trên tuyến Quốc lộ 1A từ Km 955+200 –Km987+000, đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương và báo cáo Chính phủ cho đầu tư nâng cấp, mở rộng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Đến ngày 27/12/2012 Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 3406/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km987-Km1027 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam (Km942-Km1207) theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, Quyết định này quy định tách dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam (Km942-Km1207) thành hai dự án thành phần:
Dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn Km942-K987, tỉnh Quảng Nam, sẽ phê duyệt sau. Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km987-Km1207, tỉnh Quảng Nam theo hình thức hợp đồng BOT.
Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình dự án thành phần 2: Mở rộng Quốc lộ 1 Km987-Km1207, tỉnh Quảng Nam thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam (Km942-Km1207) theo hình thức BOT với các nội dung chủ yếu sau:
Ngoài ra, về việc trả lời đề nghị của ông Ngô Công Cầu xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam về việc di chuyển trạm thu phí Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam, về vấn đề này ngày 21/1/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến như sau:
Trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam có 2 trạm thu phí BOT, cụ thể là Trạm thu phí Tam Kỳ (Km997+100) trên Quốc lộ 1 thuộc xã Tam Xuân, tỉnh Quảng Nam trước đây được thành lập để thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh Tam Kỳ do UBND tỉnh Quảng Nam làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư, hiện nay trạm đã dừng thu phí hoàn vốn từ ngày 20/7/2015 tại Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 cảu UBND tỉnh Quảng Nam.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho việc mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, tại văn bản số 288/BC-UBND ngày 17/12/2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục thực hiện dự án mở rộng QL1 đoạn Km987-km1207 gồm đoạn phía Bắc TP Tam Kỳ 3,2km và đoạn qua huyện Núi Thành 30,5km theo hình thức BOT, sử dụng trạm thu phí Tam Kỳ để hoàn vốn. Theo báo cáo của CIENCO 5, Dự án này đã thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác từ tháng 3/2015 nhưng đến nay chưa được thu phí hoàn vốn do chưa hoàn thành việc xây dựng, mở rộng trạm Tam Kỳ.
Về trạm thu phí km943+975, thuộc xã Điện Thắng Bắc – huyện Điện Bắc – huyện Điện Bàn được thu phí hoàn vốn cho các đoạn mở rộng QL1 gồm Hòa Cầm- Hòa Phước, Tứ Câu – Vĩnh Điện và đoạn km947-km987 thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, việc đặt trạm tại km943+975 trong phạm vị dự án BOT đã được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Nam, phù hợp với quy định của pháp luật, nhà đầu tư bắt đầu thu phí hoàn vốn tại trạm kể từ ngày 1/1/2016.
Trạm Tam Kỳ tại vị trí cũ được thiết kế mở rộng cho phù hợp với số làn xe đoạn tuyến QL1 đã mở rộng, trạm Tam Kỳ cũng như các trạm trên QL1, đường HCM qua Tây Nguyên... sẽ được áp dụng công nghệ thu phí một dừng kết hợp không dừng nên thuận lợi, rút ngắn thời gian lưu thông cho các phương tiện qua trạm, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến môi trường khu vực đặt trạm thu phí.
Việc sớm hoàn thành và đi vào khai thác các dự án BOT QL1 qua địa bản tỉnh Quảng Nam đã phát huy ngay hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện; tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo an ninh- quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
PV
Theo