(Xây dựng) - Tết Nguyên đán đã qua, nhưng hơi xuân còn kéo theo những cơn mưa phùn rả rích. Đầu xuân, chúng tôi tìm đến gia đình bác Vũ Hữu Ký, thôn La Mát, xã Phù Ủng, huyên Ân Thi, Hưng Yên để nghe bác trải lòng khi xuất thân từ nông dân những lại vươn sang địa hạt xây dựng.
Ngay từ cổng dẫn lối vào sân nhà bác Ký là những chậu cây cảnh xanh mướt còn đọng hơi sương, trước hiên nhà là chậu mai khoe sắc vàng tươi dù Tết đã đi qua.
Một ngày mưa phùn ẩm ướt, kèm theo không khí lạnh giá đến run người, dọc theo Quốc lộ 38 dẫn đến cổng làng, đi sâu vào khoảng vài ba trăm mét chúng tôi tới nhà bác Vũ Hữu Ký.
Bác Vũ Hữu Ký cho biết, hai vợ chồng bác lấy nhau cách đây 30 năm về trước, cuộc sống gia đình hồi đó khá khó khăn và gặp nhiều thang trầm. Nhà có 3 người con, 2 người con đầu đã lập gia đình, giờ con gái út đang học năm cuối đại học trên Hà Nội, cuộc sống vốn chỉ trông chờ vào hơn mẫu ruộng và chăn nuôi thêm nên khá khó khăn.
Vài năm trở lại đây, gia đình bác thực hiện chuyển đổi và mở thêm trang trại, phát triển thêm mô hình VAC nên thu nhập có khá hơn. Không chỉ dừng ở đó, được người cháu họ làm trong lĩnh vực xây dựng mách lối kinh doanh vật liệu, bác Ký đã quyết tâm đầu tư một số vốn kha khá vào việc nhận các công trình nhà ở, trường học, đê điều…
Nghe qua tưởng chừng công việc chỉ đơn thuần là nhận và thuê người chuyên chở. Nhưng vì bản tính “tham công tiếc việc” nên bác hầu như đảm nhận tất cả các khâu từ tìm đại lý, công ty cung cấp vật liệu xây dựng, chủ động liên hệ khách hàng và đặc biệt là nhận chở vật liệu đến tận chân công trình. Nhiều đêm muộn ngày đông giá rét, khi mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ, nhưng xe hàng đến, bác vẫn dậy bốc hàng. “Ông nhà tôi là người cả nghĩ, nhiều đêm khó ngủ dậy ngồi uống chè, rồi lặng lẽ châm thuốc. Ông ấy luôn chăm lo vẹn toàn cho gia đình nên khi gặp chuyện gì không vui thường giấu vợ con”. Vợ bác trải lòng.
Trong suốt cuộc nói chuyện, chỉ thấy bác chia sẻ về niềm vui có được trong cuộc sống lao động, chưa hề thấy bác than phiền về những gian truân, khó khăn gặp phải. Bác nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ai sinh ra cũng mong muốn cuộc sống giàu sang, hạnh phúc. Nhưng cuộc sống cần biết chấp nhận, phấn đấu và cố gắng. Tôi luôn tự hào vì có một người vợ biết vun vén, đảm đang, tháo vát bên cạnh”.
Tạm biệt bác Ký cùng gia đình, có một niềm tin và động lực vô hình nào đó thúc đẩy tôi, ấy là con người ta có thể tìm được niềm vui trong lao động. Không chấp nhận hoàn cảnh, chăm chỉ lao động con người sẽ tìm được hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống này.
Vũ Phương
Theo