(Xây dựng) - Đến Đà Nẵng, du khách không thể cưỡng lại trước vẻ đẹp lung linh của những cây cầu mới bắt qua dòng sông Hàn thơ mộng. Trầm mặc theo thời gian bên những cây cầu xinh đẹp rực rỡ ánh màu, gắn bó hơn nửa thế kỷ là cầu Nguyễn Văn Trỗi - cây cầu đầu tiên của người dân Đà Nẵng bắc qua sông Hàn, vẫn lặng lẽ soi mình bao năm qua, ôm ấp trong lòng là một quá khứ hào hùng một thời của người dân Đà Nẵng.
Giữ lại nàng Lọ Lem
Nhắc đến cầu Nguyễn Văn Trỗi hầu như người dân Đà Nẵng không ai có thể quên dù trên sông Hàn giờ đây với nhiều cây cầu hiện đại lung linh soi bóng. Bởi ngoài mang tên người anh hùng của đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi đây còn gắn với huyền thoại một thời đấu tranh oanh liệt của nhân dân Đà Nẵng trong chiến tranh. Đây là một hoài niệm, một dấu tích hiếm hoi còn lại của Đà Nẵng trước giải phóng.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn, do hãng thầu RMK của Mỹ thiết kế và xây dựng, hoàn thành vào năm 1965, là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. Cầu được xây dựng 14 nhịp giàn thép Poni với tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ. Năm 1978, bề mặt cầu bằng gỗ được dỡ bỏ thay vào đó là kết cấu bê tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng do kết cấu móng bị yếu.
Trước khi cầu quay sông Hàn đưa vào sử dụng vào năm 2000 thì cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu huyết mạch nối liền hai bờ Đông - Tây sông Hàn. Năm 2013, khi cầu Trần Thị Lý xây dựng xong thì cầu Nguyễn Văn Trỗi được đưa vào diện “nghỉ ngơi” do không còn an toàn trong giao thông cũng như không đáp ứng được sự phát triển. Đã có nhiều ý kiến đề xuất tháo dỡ nó. Tuy nhiên, chính quyền Đà Nẵng quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi, cải tạo sửa chữa thành cầu đi bộ phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn ngắm sông Hàn của người dân và du khách. Đồng thời giữ lại một chứng nhân lịch sử, một quá khứ hào hùng, những hy sinh mất mát mà các chiến sĩ biệt động Đà thành đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Giữa những cây cầu hiện đại, lung linh trên sông Hàn, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã ví cầu Nguyễn Văn Trỗi như một “nàng Lọ Lem”. Và ông cũng đã cho rằng không cần làm đẹp gì cả, cứ giữ lại “nàng Lọ Lem” quê mùa của sông Hàn để nhắc nhở bao thế hệ tương lai về những giá trị những nét đẹp của lịch sử văn hóa của người dân Đà Nẵng.
Nhưng với định hướng phát triển du lịch trên sông Hàn thì các tàu du lịch không thể qua được do độ tĩnh không thông thuyền của cầu Nguyễn Văn Trỗi rất thấp, nên cần phải nâng một đoạn giữa cầu để cho tàu thuyền du lịch qua lại dễ dàng. Một yêu cầu được đặt ra, khi tiến hành cải tạo nâng nhịp vẫn phải giữ lại được nét nguyên bản của nó, không để các chi tiết mới làm hỏng nét cổ xưa.
Cầu nâng nhịp duy nhất tại Việt Nam
Trên cơ sở yêu cầu chung được đưa ra khi thiết kế sửa chữa lại cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP Đà Nẵng quyết định chọn phương án thiết kế nâng nhịp thông thuyền bằng hệ kích xoắn nâng hạ của Cty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng ECC (BK-ECC) tại Đà Nẵng. Phương án thiết kế được BK-ECC đưa ra là một phương án tối ưu nhất hiện nay trong xử lý nâng nhịp đối với nhịp giữa của cầu. Đây là công trình cầu đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương án thiết kế thi công này.
Ông Phạm Hồng Nhân - Phó tổng giám đốc BK-ECC cho biết, cầu Nguyễn Văn Trỗi được thiết kế cải tạo thành cầu đi bộ với yêu cầu không được thay đổi hiện trạng kiến trúc cầu nhưng phải nâng tĩnh không thông thuyền, đảm bảo cao độ đáy dầm cầu tối thiểu bằng cao độ dáy dầm cầu Sông Hàn tại nhịp thông thuyền là 9,46m. BK-ECC đã đề xuất phương án cải tạo mở nhịp số 9 theo phương án dùng hệ kích xoắn nâng hạ nhịp cầu để thông thuyền. Chiều cao nâng là 3,6m bằng hệ thống 4 kích xoắn với tải trọng nâng tối đa của một kích là 100T. Phương án dùng hệ kích xoắn nâng hạ nhịp cầu để thông thuyền lần đầu tiên được áp dụng trong thiết kế thi công công trình cầu tại Việt Nam. Vừa qua, các đơn vị đã vận hành thành công nhịp nâng này. Toàn bộ công tác cải tạo sửa chữa nâng nhịp thông thuyền của cầu đã hoàn tất về mặt kỹ thuật có thể đưa vào vận hành.
Như vậy, “nàng Lọ Lem” trên sông Hàn không lâu nữa sẽ trở nên xinh đẹp hơn. Giữa sự vận động không ngừng của Đà Nẵng với hướng phát triển hiện đại, một cây cầu một thời phục vụ cho chiến tranh giờ phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn của người dân và du khách giữa chốn thanh bình yên ả của một thành phố biển xinh đẹp. Một mùa Xuân cũ đầy hào hùng đã qua đi, một mùa Xuân mới đầy sức sống đang về. Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu đang đổi thay từng ngày trong sắc Xuân rộn ràng ngập nắng.
Nguyễn Vũ
Theo