Thứ sáu 26/04/2024 05:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ 0,7% là rất đáng lo

10:23 | 31/03/2023

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, TP.HCM được xem là đầu tàu của cả nước nhưng đang trì trệ do những dư âm còn sót lại của Covid-19 và ảnh hưởng những vấn đề kinh tế năm 2022.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GRDP của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đây là mức tăng trưởng rất thấp và gần như không đáng kể.

"Đối với một nền kinh tế đầu tàu của cả nước, mức tăng trưởng này rất đáng lo ngại. Cùng kỳ năm 2022 đã tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của đại dịch, mà năm nay tăng trưởng chưa đến 1% thì nghĩa là TP.HCM đang trong tình trạng trì trệ", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Nguyên nhân làm nền kinh tế đầu tàu giảm tốc

Lý giải về mức tăng trưởng thấp của TP.HCM, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không riêng gì địa phương này, mà GDP cả nước trong quý I cũng chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ. Đặc biệt, TP.HCM với sức nặng của mình cũng không nằm ngoái khó khăn chung của nền kinh tế.

Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ 0,7% là rất đáng lo
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

Trước đó, khi đại dịch ập đến, TP.HCM là nơi chịu tác động nặng nề nhất. Đến nay, ông nhìn nhận dư âm của đại dịch đâu đó vẫn còn ảnh hưởng.

Dù vậy, theo ghi nhận của Zing, vẫn có những tỉnh thành có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng GDP cả nước. Trong đó, Hậu Giang, Bình Thuận và Hải Phòng có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, lần lượt 12,67%; 9,86% và 9,65%. Các thành phố trực thuộc trung ương còn lại gồm Đà Nẵng, Hà Nội và Cần Thơ cũng ghi nhận GRDP tăng 4,02-7,12%.

Bình luận về sự trái chiều này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng "thuyền to thì sóng lớn".

Theo ông, hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của TP.HCM là sự chững lại của thị trường bất động sản và sự đóng băng của thị trường tài chính. Thậm chí vụ đại án liên quan đến Vạn Thịnh Phát cũng phần nào ảnh hưởng đến kinh tế thành phố.

Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ 0,7% là rất đáng lo

Thực tế, hơn 65% GRDP của TP.HCM được đóng góp lớn bởi khu vực dịch vụ. Nhưng có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm trong quý đầu năm, trong đó nặng nề nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm đến 16,2%.

Điều này khiến giá trị gia tăng dịch vụ trong quý I của TP.HCM chỉ đạt 2,07%, bị bỏ xa bởi 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại.

Cùng lúc này, giá trị gia tăng công nghiệp, xây dựng cũng ghi nhận giảm, trong khi Hà Nội, Cần Thơ và đặc biệt là Hải Phòng đều ghi nhận tăng 2-10% so với cùng kỳ.

Xét trong khu vực Đông Nam Bộ, mức tăng trưởng GRDP của TP.HCM vẫn xếp sau Bình Phước (tăng 7,6%), Đồng Nai (tăng 3,25%), Tây Ninh (tăng 2,21%) và Bình Dương (tăng 1,15%).

Cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới

Trong bối cảnh này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng TP.HCM nên tìm đến động lực tăng trưởng từ khối sản xuất, với "xương sống" là các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.

Song song đó, TP vẫn cần nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng và xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Đến quý II, TP.HCM nếu có phát triển thì vẫn rất trì trệ, có thể tăng trưởng GRDP lên đến 1-2% đã là mức cao. Với những gì đang diễn ra, tôi không có dự báo lạc quan lắm cho TP.HCM.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

"Dĩ nhiên, muốn phục hồi những thị trường này cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ phía Trung ương. Nếu Chính phủ có những chính sách hiệu quả, TP.HCM sẽ là nơi được hưởng lợi đầu tiên.

"Ngoài ra, đầu tư công được coi là vốn mồi cho nền kinh tế nhưng quá trình giải ngân cũng rất chậm tại TP.HCM", TS Nguyễn Trí Hiếu nói thêm.

Ngày 1/4 tới, UBND TP.HCM sẽ tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II. Chưa rõ những giải pháp nào sẽ được đưa ra thảo luận, nhưng chủ đề được UBND TP đặt ra cho phiên họp này là "thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm".

Trước đó, tại phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 sáng 3/3, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh TP.HCM cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển. Nếu không giữ được mức tăng trưởng 8-8,5%, khó khăn sẽ chồng chất năm sau.

Theo ông, các sở ngành cần tập trung đánh giá 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ có đóng góp tỷ trọng cao nhất. Riêng về dịch vụ, ông cho rằng tập trung đánh giá 5 nhóm gồm thương mại, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, du lịch và logistics.

Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ 0,7% là rất đáng lo
Các chuyên gia khuyến nghị TP.HCM cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, từ những ngành nghề còn dư địa để phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong lúc này, TP.HCM vẫn đang trông chờ vào 7 nhóm chính sách đặc thù. Hôm 28/3, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay. Nếu được đồng ý bổ sung, nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới theo thủ tục rút gọn.

Dự thảo lần này đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù cho TP.HCM, gồm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP Thủ Đức (thuộc TP.HCM).

Các chính sách này, theo Chính phủ, nhằm đưa TP.HCM trở thành thành phố thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, cũng như là trung tâm tài chính, thương mại, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Đồng thời, xây dựng TP.HCM thành hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước, nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, người dân có chất lượng cuộc sống cao.

Dù vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, diễn biến trong quý II sẽ chưa thể khả quan hơn. "Tôi cho rằng đến quý II, TP.HCM nếu có phát triển thì vẫn rất trì trệ, có thể tăng trưởng GRDP lên đến 1-2% đã là mức cao. Với những gì đang diễn ra, tôi không có dự báo lạc quan lắm cho TP.HCM, rất đáng tiếc", TS Nguyễn Trí Hiếu kết luận trong cuộc trao đổi với Zing.

Theo Lan Anh/Zingnews.vn

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load