Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xây dựng gói hỗ trợ lần 2 cần tập trung đặc biệt vào doanh nghiệp để thực hiện, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Trước bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc sau đại dịch COVID-19, cũng sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Để từng bước khôi phục, trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát lại, sửa đổi một số quy định không phù hợp, bổ sung thêm đối tượng để các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, rành mạch và có tính thực tế cao.
Theo đó, xây dựng gói hỗ trợ lần thứ 2 cần tập trung đặc biệt vào khu vực doanh nghiệp để thực hiện, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
- Đại dịch COVID-19 đang khiến cho các yếu tố hoạt động kinh tế trên thế giới cũng như Việt Nam ngưng trệ, vậy theo ông, nó sẽ tác động như nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Đại dịch COVID-19 xảy ra từ tháng 12/2019 tại Trung Quốc, cho đến nay đã lan ra hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đang làm thay đổi thế giới trên bốn góc độ.
Thứ nhất, trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ do hầu hết các quốc gia đang trải qua thời kỳ cách ly tại nhà, giãn cách xã hội và thậm chí đóng cửa quốc gia. Hoạt động kinh tế chỉ nhằm cung cấp nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, khu vực doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Đây chính là sự ngưng trệ của tất cả các yếu tố hoạt động kinh tế.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rơi vào tình trạng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, mô hình quan hệ giữa các siêu cường thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện, quan hệ Mỹ-Trung là một minh chứng rõ nét về điều này.
Thứ ba, đại dịch COVID-19 không chỉ thách thức nghiêm trọng đối với các giá trị của chủ nghĩa tự do mà còn làm suy yếu nền quản trị toàn cầu dựa trên các quy tắc của hệ thống quốc tế.
Thứ tư, đại dịch COVID-19 đang định hình lại hướng đi của dư luận toàn cầu; tự do, mở cửa và xuyên quốc gia theo toàn cầu hóa cũng như tương tác xã hội xuyên khu vực đang phải đối mặt với thách thức và hạn chế nghiêm trọng.
Không những thế, đại dịch COVID-19 còn gây ra khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, khủng hoảng kinh tế và sinh kế. Hiện nay, nhiều nền kinh tế lớn đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng, từ đó trật tự kinh tế thế giới có thể được cải tổ trên quy mô lớn và quá trình toàn cầu hóa sẽ được điều chỉnh.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc sau đại dịch COVID-19 sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ phải có cách nhìn mới, có chính sách kịp thời và phù hợp để duy trì và phát triển kinh tế.
- Theo ông, Việt Nam cần có những gói trợ nào để giúp các doanh nghiệp cũng như người dân vượt qua khó khăn do hoạt động sản xuất và nhiều hoạt động xã hội bị đình trệ?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Tôi thấy, Chính phủ nhiều nước đã thực hiện các gói hỗ trợ qua hai xu hướng: trực tiếp hỗ trợ cứu doanh nghiệp qua đó cứu người lao động; trực tiếp hỗ trợ cứu người lao động, còn doanh nghiệp sẽ theo cơ chế thị trường quyết định. Các nước châu Âu tiếp cận theo xu hướng thứ nhất.
Chẳng hạn, Pháp tập trung cứu doanh nghiệp để khỏi phá sản, từ đó cứu lực lượng lao động. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố: "Không doanh nghiệp nào, bất kể quy mô, phải đối mặt với nguy cơ phá sản do dịch COVID-19."
Chính phủ Pháp đưa ra gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp lên tới 345 tỷ euro (khoảng 380 tỷ USD) bằng 15% GDP của Pháp qua hình thức cấp tiền hay khoản vay ưu đãi. Mỹ áp dụng xu hướng thứ hai đó là cứu người lao động.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ gồm: gói chính sách tiền tệ trị giá 250.000 tỷ đồng; gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng; gói chính sách tài khóa trị giá 180.000 tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp và một bộ phận người lao động.
Trong thời gian qua, chúng ta đã rất thành công trong phòng, chống và đẩy lùi dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và khâm phục, tuy nhiên thực hiện các gói hỗ trợ còn khiêm tốn.
Đến thời điểm 13/7 vừa qua gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội mới giải ngân khoảng 11.500 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 18,2% thấp hơn rất nhiều so với dự kiến, qua đó hỗ trợ trực tiếp cho 11 triệu người và khoảng 0,19% số hộ kinh doanh.
Gói hỗ trợ tín dụng cần tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Cũng đến thời điểm trên, cơ quan Thuế tiếp nhận khoảng 113.800 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của doanh nghiệp, chiếm 15% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của nền kinh tế; tiếp nhận 49.300 giấy đề nghị gia hạn của hộ sản xuất kinh doanh chiếm 0,98% tổng số hộ sản xuất kinh doanh trong cả nước.
Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 47.560 tỷ đồng, bằng 26,4% gói chính sách tài khóa. Trước tình hình vẫn còn khó khăn, theo tôi, trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát lại, sửa đổi một số quy định không phù hợp, bổ sung thêm đối tượng để các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, rành mạch và phải có tính thực tế.
- Thưa ông, trước việc đại địch COVID-19 tiếp tục bùng phát, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã xây dựng những gói hỗ trợ tiếp theo để tiếp tục vực dậy nền kinh tế. Có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng gói hỗ trợ tiếp theo (gói hỗ trợ thứ 2). Vậy, xin ông cho biết quan điểm của mình về gói trợ hỗ trợ lần 2 và gói này cần đảm bảo những mục tiêu gì?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua làn sóng COVID-19 lần thứ hai xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Brazil... gây nên các tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, tạo ra cú sốc tiêu cực cho cả bên cung và bên cầu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức âm 4,9%, WB dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ suy giảm từ 30-40%, nhiều dự báo cho rằng quá trình hồi phục kinh tế diễn ra chậm.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, có thị trường tiêu thụ trong nước với trên 96 triệu dân, tuy nhiên hiện nay nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn trong giai đoạn phong tỏa nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới cơ bản dựa vào nội lực trong nước để thúc đẩy đầu tư và kích thích tiêu dùng; đồng thời, linh hoạt thúc đẩy thương mại quốc tế.
Để nền kinh tế duy trì ổn định và tăng trưởng cao trong giai đoạn hậu COVID-19, Chính phủ cần có gói hỗ trợ tiếp theo (gói hỗ trợ thứ 2) thông qua các chính sách phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng 4 mục tiêu.
Cụ thể là đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu COVID-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của dịch COVID-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Khu vực doanh nghiệp Việt Nam đóng góp trên 60% GDP của nền kinh tế với trên 756.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Theo số liệu điều tra, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ có vị thế thanh khoản yếu ngay cả trước đại dịch; khả năng trả nợ của khu vực doanh nghiệp tương đối yếu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ cao, trong khi đó khu vực ngân hàng đứng trước khả năng rủi ro nợ khá lớn. Với tác động của đại dịch sẽ làm giảm khả năng sinh lời của khu vực doanh nghiệp, tạo áp lực thanh khoản nghiêm trọng, khả năng trả nợ của khu vực doanh nghiệp yếu đi, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ.
Với tầm quan trọng trong nền kinh tế và các đặc điểm của khu vực doanh nghiệp, gói hỗ trợ lần thứ 2 cần tập trung đặc biệt vào khu vực doanh nghiệp để thực hiện, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế.
- Để khu vực doanh nghiệp có thể tiếp nhận hiệu quả gói hỗ trợ lần thứ 2, ông có đề xuất những giải pháp gì để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước mắt, theo tôi, cần rà soát các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng. Thực tế trong thời gian qua, với gói hỗ trợ trị giá 250.000 tỷ đồng, nhưng với điều kiện hỗ trợ chưa phù hợp, phức tạp, thiếu khả thi và chưa sát thực tế với khu vực doanh nghiệp, nên chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của gói hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp; đồng thời, xem xét cắt giảm giá điện cho khu vực doanh nghiệp, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh;
Cùng với đó, cần ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Nghiên cứu, ban hành và khẩn trương thực hiện chính sách kinh tế mới để “lôi kéo” doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất trong điều kiện bình thường mới của nền kinh tế; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa như thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế...
Một trong những giải pháp cũng cần được các doanh nghiệp chú trọng; đó là đào tạo lực lượng lao động, đặc biệt đội ngũ lao động trẻ hiện nay chiếm 28,5% lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch COVID-19 tạo ra.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc và khác biệt do đại dịch COVID-19, với thực tế kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, Chính phủ cần khẩn trương có Chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời vì chính sách được thực hiện muộn vẫn là chính sách nhưng không còn tác dụng.
- Xin trân trọng cám ơn ông!./.
Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)