Thứ tư 09/10/2024 10:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Chuyên gia: Động đất ở Kon Plông chưa đến mức cảnh báo rủi ro

09:03 | 11/07/2023

Viện Vật lý Địa cầu đã thực hiện nghiên cứu và nhận định nhiều khả năng ở Kon Plông chỉ xảy ra động đất có độ lớn dưới 5,5, tức mức độ trung bình trở xuống nên ít có khả năng gây rủi ro thiên tai.

Chuyên gia: Động đất ở Kon Plông chưa đến mức cảnh báo rủi ro
Trận động đất có độ lớn 3,7 xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào sáng 5/7. (Ảnh: PV/Vietnam)

Những ngày qua, động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra liên tục với tần suất dày và cường độ mạnh hơn so với thời gian trước.

Đỉnh điểm vào ngày 7/7, khu vực này xảy ra 14 trận động đất với độ lớn cao nhất là 4,2 đồng thời vẫn tiếp tục xảy ra các trận động đất nhỏ hơn đến thời điểm hiện tại.

Để làm rõ hơn hiện tượng này này và ảnh hưởng của chúng, phóng viên đã phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

- Loạt động đất liên tục trong những ngày qua tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, có thể được lý giải như thế nào, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh: Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Qua theo dõi và thành lập các đoàn nghiên cứu, kiểm tra tại khu vực này, chúng tôi xác định đây là động đất kích thích do hồ chứa thủy điện.

Các trận động đất loại này có tính chu kỳ, có thời điểm động đất xảy ra dồn dập, nhưng có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Động đất tại khu vực Kon Plông có thể xuất hiện và kéo dài trong những năm tới.

Những ngày qua, Viện Vật lý Địa cầu ghi nhận động đất xảy ra dồn dập tại khu vực này vào ngày 7/7/2023 với 14 trận động đất; trong đó, trận động đất có độ lớn cao nhất là 4,2.

Tiếp đó, ngày 8/7, khu vực này xảy ra 4 trận động đất có độ lớn dưới 3.2; ngày 9/7 xảy ra 5 trận có độ lớn dưới 3,3.

Ngày hôm nay, 10/7, khu vực này tiếp tục xảy ra 5 trận động đất.

- Động đất xảy với tần suất dày ở Kon Tum có dẫn đến cảnh báo gì không, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh: Việc dự đoán động đất có khả năng xảy ra trong thời gian tới là rất khó, hầu như chưa quốc gia nào làm được. Hiện nay, chúng tôi chỉ có thể theo dõi và ghi nhận rung chấn khi động đất đã xảy ra.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thực hiện nghiên cứu và nhận định khu vực này nhiều khả năng chỉ xảy ra động đất có độ lớn dưới 5,5, tức mức độ trung bình trở xuống nên ít có khả năng gây rủi ro thiên tai.

Có thể nói, mức độ động đất trong những ngày vừa qua dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro. Người dân không nên quá lo lắng mà cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này; đồng thời, thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.

- Đối với các cấp độ động đất, người dân cần chú ý cảnh báo ở cấp độ nào để chủ động ứng phó, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh: Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất được quy định tại Điều 16 Quyết định 44/2014/QĐ-TTg hướng dẫn về cấp độ rủi ro thiên tai. Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất có 5 cấp.

Rủi ro thiên tai cấp độ 1 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 5 đến cấp 6, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 6 đến cấp 7, xảy ra ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị.

Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 6 đến cấp 7 như rủi ro cấp 2 nhưng xảy ra ở khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện; hoặc cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 7 đến cấp 8 xảy ra ở khu vực nông thôn.

Chuyên gia: Động đất ở Kon Plông chưa đến mức cảnh báo rủi ro
Một thôn trên địa bàn huyện Kon Plông. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Rủi ro thiên tai cấp độ 4 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 7 đến cấp 8, xảy ra ở khu vực nông thôn; hoặc khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện.

Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được lớn hơn cấp 8, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Các trận động đất trong những ngày qua tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có độ lớn cao nhất là 4,2. Độ lớn cao nhất của động đất tại khu vực này được ghi nhận vào ngày 23/8/2022 là 4,7, do đó không gây rủi ro thiên tai.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng người dân và chính quyền địa phương vẫn cần đề phòng ảnh hưởng của các rung chấn, đặc biệt là đối với các công trình xây dựng, nhà ở có kết cấu yếu, chuồng trại chăn nuôi không kiên cố của người dân khu vực nông thôn.

Tại các khu vực đồi, núi, dốc có địa chất kém hoặc "ngậm nước" do mưa nhiều, không loại trừ khả năng bị ảnh hưởng bởi các rung chấn từ động đất gây sạt, trượt đất đá.

- Để tăng cường khả năng cảnh báo, ứng phó với động đất tại khu vực này trong thời gian tới, cần thực hiện những điều gì, thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh: Viện Vật lý địa cầu đang đề xuất trong thời gian sớm nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiệm vụ "Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra" với các nội dung chính là làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận; mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; dự báo xu thế hoạt động động đất; đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.

Không chỉ ở Kom Tum, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về động đất cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa ở các địa phương, bởi trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Viện Vật lý địa cầu đã biên soạn, tổng hợp và xuất bản cuốn sách “Những hiểu biết cơ bản đề an toàn với động đất tại Việt Nam” nhằm cung cấp đến người dân những kỹ năng cần thiết trong phòng tránh rủi ro do động đất.

Cuốn sách hướng dẫn người dân những biện pháp cụ thể như: gia cố nhà cửa, lập kế hoạch phòng tránh thiên tai của mỗi gia đình đang sinh sống ở nơi dễ xảy ra động đất; những việc cần làm khi động đất xảy ra; xử lý sự cố, kiểm tra thiệt hại và cứu chữa người dân sau khi động đất xảy ra...

- Trân trọng cảm ơn Viện trưởng./.

Theo Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Bài 2: Đảng ủy cơ quan Sở Xây dựng, hạt nhân chính trị lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển

    (Xây dựng) - Nếu ví hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị giống như chuyển động của một đoàn tàu thì cấp ủy cơ quan luôn đóng vai trò như là đầu đoàn tàu, đầu tàu chạy đúng đường ray sẽ giúp cả đoàn tàu cùng chạy đúng hướng về nhà ga. Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, sau mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở, Đảng ủy cơ quan Sở Xây dựng luôn phối hợp chặt chẽ với tập thể lãnh đạo Sở chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố giao; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các đoàn thể trực thuộc duy trì hoạt động ổn định, vững mạnh, phát huy vai trò theo chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần trong sự trưởng thành và phát triển của Sở Xây dựng Hà Nội.

  • Quảng Bình: Triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 3.640 hộ nghèo, hộ cận nghèo

    (Xây dựng) - Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức họp bàn để triển khai chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

  • Ông Nguyễn Văn Kiên giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương

    (Xây dựng) - Sáng 8/10, Thành ủy Hải Dương (Hải Dương) tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về công tác nhân sự.

  • Bài 1: Chặng đường dài kiến tạo Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

    (Xây dựng) – Trải qua 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Sở Xây dựng Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, từng bước lớn mạnh và khẳng định vị thế, vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng và kiến thiết Thủ đô, được đánh dấu bởi những mốc son hào hùng, những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

  • Đồng Nai: Không giao kịp mặt bằng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, xã phường sẽ bị kỷ luật

    (Xây dựng) - Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nêu rõ quan điểm chỉ đạo rằng: Đến ngày 15/10/2024, xã, phường nào bàn giao 100% mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh này sẽ khen thưởng. Ngược lại, xã, phường nào chưa bàn giao đủ mặt bằng sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.

  • Ông Dương Ngọc Hải làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh

    (Xây dựng) - Ngày 8/10, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định phân công ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load