Chuyển đổi số doanh nghiệp có trọng tâm hướng đến là kinh tế số. Việt Nam có một cộng đồng 800.000 doanh nghiệp cần chuyển đổi số, trong đó, hơn 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chuyển đổi số bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI trong chẩn đoán hình ảnh khám chữa bệnh. Ảnh: Đức Hoàng. |
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 45% GDP cho nền kinh tế
Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 97% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), là đối tượng đang rất cần chuyển đổi số để thích ứng với trạng thái mới của nền kinh tế cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khoa – CEO của FPT – bổ sung thêm rằng, trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn có khoảng 5 triệu hộ kinh tế gia đình cũng có thể là đối tượng cần được hoặc có nhu cầu chuyển đổi số ở từng mức độ khác nhau.
Theo dữ liệu thống kê, khối SME đóng góp tới 45% GDP cho nền kinh tế. Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT - cho rằng, không riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng có tỉ trọng SME cao trong nền kinh tế và thậm chí cao hơn cả so với Việt Nam. “Tỉ trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ càng lớn thì nền kinh tế càng bền vững”, ông Bình nói.
Theo một nghiên cứu của Cisco, việc các SME tại Việt Nam tham gia quá trình chuyển đổi số có thể đóng góp từ 24-30 tỉ USD vào GDP trong năm 2024, và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Còn theo thống kê trên phạm vi toàn cầu được ông Bình nêu ra, trong số các SME thì có đến 50% phá sản trong 5 năm đầu tiên, và 90% phá sản trong 5 năm tiếp theo. Cuộc cạnh tranh còn khốc liệt hơn trong thời kì chuyển đổi số.
Không để SME ở bên lề công cuộc chuyển đổi số
Theo ông Trương Gia Bình, nền kinh tế trong tương lai là kinh tế nền tảng, doanh nghiệp sẽ phải chuyển dịch dần công việc kinh doanh lên các nền tảng được công nghệ hỗ trợ tối ưu nhất. Một điển hình đó là các nền tảng/ứng dụng (app) gọi xe hiện nay, đã rất phổ biến tại Việt Nam.
Chuyển đổi số giúp nền kinh tế chuyển sang kinh tế số, giúp doanh nghiệp xây dựng, ứng dụng các nền tảng công nghệ hỗ trợ kinh doanh. Và cũng từ đó, những chuẩn mực kinh doanh mới, dịch vụ mới được hình thành. Đơn cử theo ông Bình, dịch vụ taxi trước đây hành khách sẵn sàng chờ xe 30 phút, nhưng bây giờ với nền tảng số tạo ra chuẩn mực mới là chỉ 3 phút.
Ông Bình cho rằng, một trong các lí do khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ không sống được trong năm đầu vì họ không có thông tin về thị trường. Ngày nay người ta sẵn sàng làm mọi thứ để có thông tin về thị trường trước rồi người ta mới cung ứng sản phẩm.
“Ai sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại trong cuộc ganh đua này?”, ông Bình đặt vấn đề.
Các doanh nghiệp lớn có thuận lợi là có hệ sinh thái, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều dữ liệu. SME thì không dư dật về kinh phí để đầu tư cho nền tảng, từ hệ thống máy chủ, các giải pháp, ứng dụng, hệ sinh thái tiện ích… Chính vì thế, để các SME không bị bỏ rơi bên lề trong công cuộc chuyển đổi số là một bài toán cần giải quyết phải đáp ứng được những tiêu chí như chi phí tiết kiệm và hợp lí, tối ưu về vận hành phù hợp với từng qui mô doanh nghiệp…
Theo ông Phạm Kim Hùng – Sáng lập kiêm CEO của Base.vn, một startup công nghệ đã cung cấp giải pháp số cho hơn 5.000 doanh nghiệp lớn nhỏ tại Việt Nam – công nghệ sẽ thay đổi toàn bộ cách mà doanh nghiệp vận hành, với 3 bài toán trọng tâm cần xử lí là quản lí nâng cao năng suất, minh bạch và thông suốt thông tin, quản trị.
Theo Thế Lâm/Laodong.vn