(Xây dựng) - Bỏ ra hàng tỷ đồng làm một đề tài khoa học, được đánh giá có tính khả thi cao, lại vô cùng hữu ích nhằm làm sạch môi trường của Thủ đô, thế nhưng mấy năm nay, nó vẫn nằm trong một góc tủ nào đó, thật là chuyện đáng buồn.
Đó là đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp công trình, lấy nước tự chảy cho sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch” đã được Hội đồng nghiệm thu cấp thành phố tổ chức nghiên cứu, xem xét và nghiệm thu và đánh giá có tính khả thi cao.
Ai cũng biết các con sông nội thành Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu… hiện ô nhiễm đến mức nào. Thậm chí cả sông Đáy, sông Nhuệ vùng ngoại thành cũng đang lâm vào tình trạng bức tử vì thiếu dòng chảy tự nhiên, phần nhiều thời gian chỉ là hồ chứa nước thải.
...Nay các nhà khoa học của đề tài này đã phát hiện một tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội là nguồn nước sông Đà với độ cao lý tưởng, có dòng chảy khá ổn định thậm chí về cả mùa kiệt vì nằm phía dưới của 3 nhà máy thủy điện, có độ sạch mơ ước bởi không bị lắng đọng phù sa…
Các nhà khoa học cũng phân tích rằng, hiện Hà Nội đang thực hiện dự án “Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích”, lấy nước từ sông Đà qua cống Lương Phú đến cầu Ái Mỗ (cuối thị xã Sơn Tây) dài khoảng 37km đã được khởi công xây dựng từ ngày 17/5/2010, đến nay cơ bản đã hoàn thành.
Theo tính toán, tại vị trí này, có thể tiếp tục xây dựng cửa chia nước và xây dựng mới tuyến kênh hoặc đường hầm tuy nen đi theo đường trục Tây Thăng Long đến sông Đáy (tại khu Hiệp Thuận) dài khoảng 12km. Từ sông Đáy về đến sông Nhuệ (tại khu Cầu Diễn) dài khoảng 18km và từ sông Nhuệ về sông Tô Lịch (tại khu Dịch Vọng) dài khoảng 04,0km. Theo quy trình vận hành của Hệ thống sông Nhuệ mực nước tưới sau cống Liên Mạc từ +3,0 -+3,5m là đủ cao trình tạo dòng chảy tưới cho cả hệ thông sau hạ lưu. Sông Tô Lịch có cao độ đáy lòng dẫn khoảng ±1,0m, chọn mực nước sông khoảng ±3,0m cũng đủ cao trình tạo dòng chảy về hạ du. Vậy từ Sơn Tây về đến sông Nhuệ dài khoảng 30km, về đến sông Tô Lịch dài khoảng 34km mà có có độ chênh mức nước từ 6,0 - 7,0m thì việc tự chảy là rất khả thi, không cần đến phương án bơm bằng động lực…
Vì số chữ trong một bài báo có hạn, vậy chỉ xin nêu khái quát về một số phận của một đề tài khoa học rất đáng quan tâm với mong muốn tìm được nguồn lực để biến chúng thành hiện thực, để đem lại sức sống cho những con sông của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo