(Xây dựng) - Chương trình sáng kiến vì thành phố xanh - sạch - đẹp (Chương trình) nằm trong khuôn khổ Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Chương trình được triển khai từ năm 2014, tại 06 thành phố là Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Mỹ Tho, Trà Vinh và Cao Lãnh. Đến nay, Chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan trong việc kêu gọi và lựa chọn được nhiều ý tưởng, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng.
Công trình sáng kiến vì thành phố xanh – sạch – đẹp của cô và trò Trường Mầm non Ánh Dương (TP Cà Mau).
Các sáng kiến chủ yếu đến từ khối trường học
Chương trình có mục tiêu nhằm khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến của cộng đồng để cải thiện điều kiện sống, điều kiện vệ sinh môi trường, sử dụng bền vững các công trình hạ tầng, công trình xã hội... dựa trên nguyên tắc lấy người hưởng lợi làm trung tâm.
Sau thời gian triển khai, đến nay, Chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan trọng việc kêu gọi và lựa chọn được nhiều ý tưởng, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng như cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị trong khu dân cư; vệ sinh môi trường trong trường học; sử dụng bền vững các công trình hạ tầng đô thị; trồng và bảo vệ cây xanh; tăng cường nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về vệ sinh môi trường đô thị...
Trong số sáng kiến đề xuất thì số lượng sáng kiến từ các trường học chiếm tỷ lệ lớn nhất (61%), tiếp đến là từ các doanh nghiệp (15%), các phòng ban cấp thành phố (11%), cấp phường/tổ dân phố (9%) và từ các cơ quan thông tin đại chúng (4%).
Với mỗi sáng kiến được lựa chọn, dự án hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ chủ yếu là cho các hoạt động “mềm” như truyền thông, đào tạo, thiết kế, xây dựng các mô hình mẫu... Chủ sáng kiến vận động người dân đóng góp ngày công, phương tiện sẵn có để triển khai các hoạt động.
Lan tỏa rộng khắp cộng đồng
Theo Ban quản lý dự án, Chương trình đã phát huy sự sáng tạo và huy động được sự ủng hộ, tham gia của cá nhân, cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề của chính họ. Chương trình đã thực sự nâng cao nhận thức cho người dân và học sinh về việc phải hành động để khu vực họ sinh sống, làm việc, học tập luôn xanh - sạch - đẹp.
Trường Mầm non Ánh Dương (TP Cà Mau) tận dụng thùng xốp, chai, lọ, lốp xe hỏng để làm bồn trồng hoa, cây cảnh ở sân trường và các khu vực có không gian trống.
Các sáng kiến giải quyết các vấn đề có tính thực tế cao như vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chỉnh trang đô thị, cải thiện sức khỏe cộng đồng, xanh hóa không gian, xây dựng nếp sống văn minh... Phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa cũng như năng lực và tài chính của cộng đồng. Vệ sinh môi trường tại các địa bàn có sáng kiến thay đổi tích cực.
Chương trình đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan đô thị.
Đặc biệt, Chương trình huy động được sự tham gia của cộng đồng trong giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường và xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp.
Cụ thể, hàng chục nghìn người dân và học sinh đã được tuyên truyền về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, về các hành động và hành vi cần thực hiện để hướng tới vì thành phố xanh - sạch - đẹp.
Hiểu biết và nhận thức về việc phải có hành động vì cuộc sống lành mạnh, thành phố an toàn và xanh - sạch - đẹp của người dân đã được nâng lên. Cộng đồng dân cư chủ động hưởng ứng tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường và các chiến dịch làm sạch môi trường tại các khu vực do các chủ sáng kiến tổ chức.
Người dân đã chủ động quét động vệ sinh, không lấn chiếm vỉa hè. Các khu phố luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Hơn thế, sáng kiến đã tạo cơ hội để cộng đồng cùng tham gia cải thiện và bảo vệ môi trường, qua đó thiết lập các mối quan hệ thân thiện và hợp tác giữa các thành phần xã hội bao gồm cư dân trong khu vực, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh.
Với các sáng kiến thực hiện trong nhà trường, các giáo viên có điều kiện thực hiện lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục môi trường cho học sinh bằng các hoạt động thực tiễn, trải nghiệm ngoài giờ lên lớp như tham gia các buổi tổng vệ sinh, chăm sóc cây, trang trí phòng học, góc học tập.
Phụ huynh đã đóng góp ngày công, kinh phí cùng với nhà trường cải tạo các khu đất trống để trồng cây, hoa, làm hòn non bộ... tạo không gian xanh, thân thiện môi trường.
Thông qua việc được tham gia vào các hoạt động của sáng kiến như hội thi, các phong trào thi đua trồng và chăm sóc cây xanh, vệ sinh trường lớp, vệ sinh môi trường công cộng… các học sinh có nhận thức đúng đắn về bảo vệ môi trường, ứng xử với môi trường có trách nhiệm và thân thiện hơn.
Đặc biệt, các em được rèn luyện ý thức và thói quen về vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, trồng và bảo vệ cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường...
Cũng theo Ban quản lý dự án, tại các địa bàn, địa điểm triển khai sáng kiến, nhất là tại các trường học, cảnh quan môi trường và cơ sở vật chất đã được cải thiện đáng kể. Khuôn viên sân trường luôn sạch sẽ, tràn ngập màu xanh bởi cây xanh, cây cảnh, tạo bóng mát để học sinh vui chơi. Các khu vực đất trống được cải tạo thành các vườn cây, xây dựng dàn hoa, hòn non bộ, trang bị đồ chơi, phương tiện học tập cho học sinh...
Nhiều hoạt động của sáng kiến trong trường học đã có sức lan tỏa ra cộng đồng. Nhiều nhất là phong trào trồng và chăm sóc cây xanh, tận dụng thùng xốp, chai, lọ nhụa, lốp xe hỏng... để làm bồn trồng cây và hoa kiểng ở sân trường và các khu vực có không gian trống…
Phúc Minh
Theo