"Đồng Lộc - Ngã ba bất tử" là chương trình nghệ thuật đặc biệt sẽ diễn ra tối 24/7 tại Khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vào tối 24/7, đúng dịp kỷ niệm 46 năm chiến thắng lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, tri ân sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong (24/7/1968-24/7/2014).
Tiết mục múa “Ngã Ba Đồng Lộc” do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)
Chương trình do Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật này là một hoạt động tiếp theo ghi ơn và tôn vinh thế hệ thanh niên xung phong cả nước qua các thời kỳ đã chiến đấu hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân của mình trên mọi nẻo đường Tổ quốc. Họ là những người đã đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chương trình đặc biệt dành sự tri ân sâu sắc nhất đến 10 thanh niên xung phong trong Tiểu đội của đồng chí Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội thanh niên xung phong 55 đã anh dũng hy sinh trong lúc lấp hố bom, thông đường ngay tại ngã ba Đồng Lộc.
Cuộc sống, chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái cùng lực lượng thanh niên xung phong, quân đội, cán bộ giao thông ở ngã ba Đồng Lộc lịch sử đã trở thành bất tử, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
"Đồng Lộc - Ngã ba bất tử" với những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc sẽ là đóa hoa thơm ngát tưởng nhớ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
Nghệ sỹ nhân dân Trần Bình đảm nhiệm kịch bản và đạo diễn nghệ thuật cho chương trình, các nghệ sỹ của Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn.
Các nghệ sỹ sẽ gửi tới anh linh 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng kiên cường và khán giả cả nước những tiết mục đặc sắc nhất, trong đó có các ca khúc "Mười bông cúc trắng Trường Sơn," "Linh chuông Đồng Lộc," "Người con gái sông La," "Cô gái mở đường," "Tượng đài Đồng Lộc," "Đồng Lộc - 10 bông hoa bất tử," "Cúc ơi"...
Đặc biệt, trong chương trình này, khán giả cả nước sẽ được giao lưu với với tác giả của bài thơ "Cúc ơi" nổi tiếng. Đó là anh Yến Thanh, tên thật là Nguyễn Thanh Bính, đồng đội của 10 cô gái thanh niên xung phong năm xưa ở Đồng Lộc.
Bài thơ "Cúc ơi" của anh được coi là tác phẩm sớm nhất viết về sự kiện 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Đó là bài thơ mà anh đã làm, khấn chị Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó, khi anh cùng đồng đội tìm kiếm thi thể chị và đồng đội bị bom vùi lấp.
Bài thơ này đã được nghệ sỹ Văn Thành đọc trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.
Nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh cũng đã đưa "Cúc ơi" vào bộ phim nhựa "Ngã ba Đồng Lộc"...
Theo Vietnam+
Theo