Thứ sáu 29/03/2024 17:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chung sức chống dịch bệnh

15:12 | 24/03/2020

(Xây dựng) - Những ngày này, lướt qua một lượt trên các trang báo, mạng xã hội, tôi chợt chú ý đến nhận xét của một bạn đọc rằng, “trong những lúc gian khó, tinh thần tương thân tương ái của chúng ta là một lời khẳng định chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”.

chung suc chong dich benh
Ảnh nguồn: Baochinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do UBTWMTTQVN tổ chức hôm 17/3 cũng khẳng định: Những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều là xuất phát từ trái tim. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam.

Đầu tuần trước, người dân châu Âu cũng đã đóng cửa để giải quyết hậu quả của dịch bệnh Covid-19. Những nỗi ám ảnh của đại dịch đang bao trùm toàn thế giới. Ở Việt Nam, dịch dã đang hoành hành, Chính phủ và các cấp chính quyền cùng nhân dân đang nỗ lực hết mình để vượt qua “cơn bĩ cực” này.

Những ảnh hưởng rõ nét từ đợt dịch đang khiến người ta nghĩ đến việc cần phải thay đổi thái độ, cách ứng xử với chính môi trường sống của mình.

Chưa bao giờ người dân lại đứng trước những mối lo đối với sức khỏe như bây giờ. Dịch bệnh hoành hành với những diễn biến phức tạp lại càng khiến những mối lo ấy hiển hiện rõ hơn. Các đô thị lớn cũng đang là những “nạn nhân” đầu tiên của chính mình bởi sự đông đúc, va chạm hàng ngày.

Chính bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những gì đã và đang làm để đưa cuộc sống trở về ngưỡng “an toàn” như mong muốn.

Giảm bớt những hoạt động tiếp xúc, dừng những cuộc tụ tập đông người, đó là thông điệp mà ngành y tế phát đi để người dân chống dịch bệnh.

Thử lấy ví dụ là hệ thống giao thông công cộng, một phương tiện thiết yếu với sự vận hành của đô thị lớn: nguy cơ sức khỏe bị tấn công ngay trên các phương tiện tham gia giao thông (xe buýt, taxi, tàu điện…) rất lớn bởi những tác nhân gây bệnh lan tỏa vào mạng lưới giao thông.

Không chỉ vậy, quá trình nóng lên của trái đất hay mất tầng ô zôn dường như cũng góp thêm tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Hiện tượng này tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng mang mầm bệnh và sự phát tán của bệnh tật làm tăng nguy cơ dị ứng (như dị ứng đường hô hấp ở các vùng đô thị) cũng làm lan truyền một số bệnh vốn chỉ xuất hiện tại một số khu vực có điều kiện khí hậu nhất định. Sự lan truyền của một số loại bệnh có tính lây nhiễm cao đang trở thành mối lo ngại với các nhà chức trách đô thị lớn.

Như vậy, các đô thị lớn phải đương đầu với nguy cơ về sức khỏe của con người ngày càng đa dạng so với việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Trên thế giới, ngoài cơ chế và giám sát bệnh dịch, thuộc thẩm quyền của Nhà nước, chính quyền nhiều thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối với nhóm dân cư dễ bị tác động bởi các nguy cơ. Tại Việt Nam, cũng đã có những qui định để ứng phó với các mối nguy do sự thay đổi của thời tiết (nóng quá hay lạnh quá người dân sẽ được nghỉ). Tuy nhiên, điều này mới chỉ là các giải pháp tình thế.

Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 đang vào hồi căng thẳng. Sự đồng lòng, chung sức là vô cùng cần thiết. Chúng ta có thành công hay không, có đạt được mục tiêu mong muốn hay không, tất cả đều phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi người.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load