Thứ sáu 29/03/2024 06:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chuẩn mực trước người dân

18:17 | 21/04/2020

(Xây dựng) - Thêm một lần nữa, vấn đề cán bộ, công chức; chất lượng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức được nhắc tới khi vụ việc lực lượng giữ gìn trật tự đô thị ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ứng xử chưa chuẩn mực với người dân.

chuan muc truoc nguoi dan
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Thực ra, các vấn đề về ứng xử của cán bộ công chức, vốn đã được quy định rất rõ trong các văn bản hành chính. Thế nhưng, việc thực hiện dường như không được như mong muốn. Trong nhiều lý do, có sự quyết liệt của người đứng đầu các cấp, ngành chức năng và sự thể hiện thái độ của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Nói như vậy bởi lẽ, những vụ việc liên quan sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất hiện thời gian qua vẫn diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực như: Đất đai, xây dựng, hải quan, công an, kiểm lâm, thuế vụ, giáo dục, y tế, giao thông... Đơn cử như, một số vụ cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng; cán bộ, nhân viên quản lý thị trường "ăn chặn" tiền của người dân; cán bộ dự án "rút ruột" công trình xây dựng... Điều khiến dư luận bức xúc là sau mỗi vụ việc được phát hiện, mặc dù lãnh đạo các đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm đều khẳng định sẽ điều tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định, quy trình, nhưng án kỷ luật mà hầu hết cá nhân sai phạm bị xử lý chỉ là khiển trách, cảnh cáo hoặc thuyên chuyển công tác (trừ những trường hợp bị truy tố trước pháp luật).

Ban hành các chỉ thị, quyết định kiểm tra, đôn đốc - vốn dĩ không phải là điều mà các cấp lãnh đạo mong muốn. Nhưng, trước thực tế có quá nhiều than phiền của người dân về thực trạng kém hiệu quả của nền hành chính các cấp đã khiến họ phải vào cuộc. Cũng qua đó cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức đủng đỉnh, "sớm không cần, trưa không vội" vẫn rất phổ biến.

Trong thực tế cũng có không ít địa phương, không ít ngành ban hành văn bản, chỉ thị hoặc đưa ra những nội quy, quy định nhằm chấn chỉnh, quy chuẩn lại đội ngũ, nhưng vì thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu quyết liệt và xử lý vi phạm theo kiểu “nửa vời" nên sự “xộc xệch” của cán bộ, công chức “đâu lại hoàn đấy”. Việc làm này đã tạo ra tiền lệ xấu trong đội ngũ cán bộ công chức, làm giảm uy tín người lãnh đạo và giảm tính nghiêm minh của pháp luật trước các vi phạm, sai phạm của cán bộ, công chức.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân cần có sự thống nhất trong cách thức đề cập, xử lý; cần có những việc làm mang tính tổng thể, hiệu quả rõ rệt.

Từ câu chuyện ứng xử thiếu chuẩn mực trước người dân của cán bộ phường ở Quảng Ninh, đang cho thấy, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền, đặc biệt có sự tham gia giám sát của người dân.

Chẳng hạn như ở Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã có hẳn bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Hơn 2 năm kể từ khi áp dụng 2 bộ quy tắc này tới từng công chức, viên chức và người lao động, đến nay đã có những biến chuyển tích cực nhất định.

Điều này cho thấy, khi quyết tâm hành động của lãnh đạo chạm đến một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, thì mục tiêu tốt đẹp sẽ đạt được.

Quan trọng hơn, căn cơ là cần có sự thống nhất trong các biện pháp, giải pháp thực hiện; xây dựng ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ, trước nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức; lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức. Đó là "đạo đức công vụ” mà mỗi cán bộ, công chức cần phải có trong một nền hành chính phục vụ nhân dân - nền hành chính vì dân!

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load