Đến ngày 01/11/2013, doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành đăng ký chữ ký số để áp dụng trong Thủ tục hải quan điện tử, tuy nhiên, với số lượng rất đông, doanh nghiệp chưa kịp thời đăng ký chữ ký số thì vẫn duy trì phương thức khai báo cũ,
Họp báo giới thiệu về chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử.
Thông báo tại phiên họp báo diễn ra ngày 24/10/2013, ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan thuộc Tổng cục Hải Quan cho biết, đến ngày 01/11/2013, doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành đăng ký chữ ký số để áp dụng trong Thủ tục hải quan điện tử.
Tuy nhiên, với số lượng doanh nghiệp rất đông lên tới khoảng 45.000 đơn vị thực hiện thủ tục hải quan điện tử, vì nhiều lí do có thể chưa kịp thời đăng ký chữ ký số thì sau ngày 01/11/2013, Tổng cục Hải quan vẫn duy trì 2 phương thức khai báo là sử dụng chữ ký số và không sử dụng chữ ký số.
Nhiều vấn đề thắc mắc quanh áp dụng thủ tục hải quan điện tử được đặt ra như mức độ bảo mật của chữ ký số, giải quyết tranh chấp khi sử dụng chữ ký số, lợi ích của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số hay việc khai hải quan điện tử sử dụng chữ ký số liệu có bị ách tắc không...
Đáp lại, ông Tùng cho biết, khi sử dụng chữ ký số thay cho tài khoản khai hải quan điện tử, doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc cơ quan hải quan dễ dàng xác thực các đối tượng tham gia trực tuyến; dữ liệu gửi đến mang tính chính xác và bảo mật cao, tránh tình trạng giả mạo truyền thông tin tờ khai vì các chữ ký số này đã được chứng thực bởi các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Chữ ký số cũng đồng thời đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng trong quá trình giao dịch giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu về độ an toàn và tính xác thực cao.
Để giải quyết vấn đề ách tắc có thể xảy ra khi triển khai chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử, ông Tùng cho biết, ngành Hải quan áp dụng cùng lúc 2 biện pháp là công nghệ và trong quản lý.
Về công nghệ, Tổng cục Hải quan phân cấp khâu kiểm tra sự phù hợp của dữ liệu và chữ ký cho cấp Cục thực hiện, do đó giảm tải cho hệ thống công nghệ thông tin của ngành. Về mặt quản lý, hiện tại ngành đã thành lập tổ hỗ trợ triển khai chữ ký số đặt tại Cục CNTT&TKHQ, sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ mọi vướng mắc của doanh nghiệp.
Được biết, trong số hơn 45.000 doanh nghiệp nói trên, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong 9 tháng qua là 6.300 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 13,9% trong tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử toàn quốc và chiếm tỷ lệ 95,7% trong tổng số lượng doanh nghiệp FDI.
Số lượng doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong 9 tháng năm 2013 là 38.900 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 86,1% trong tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử toàn quốc và chiếm tỷ lệ 94,9% trong tổng số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư hoàn toàn trong nước.
Theo Dantri
Theo