Nằm ngay trên con đường rộng lớn Noong bon, chùa Phật Tích mới được tu sửa và khánh thành cuối năm 2010. Đặt cạnh những ngôi chùa tháp Lào đồ sộ, rộng lớn, chùa Phật Tích chỉ là một nét chấm nhỏ giữa lòng Viên Chăn thế nhưng mỗi người đều cảm thấy niềm tự hào khi ngắm nhìn dấu ấn công trình tâm linh Việt đang hiện hữu nơi đây. Nhìn từ xa, tòa tháp 7 tầng vươn lên trong nắng mai đầy sức sống. Một cảm giác quen rồi lạ ở một ngôi chùa Việt trên đất bạn.
Cổng chùa
Sự pha trộn kiến trúc
Nói là quen rồi lạ bởi ngay khi bước qua cổng chùa chúng tôi đã bắt gặp những thân cột khoác lên mình sắc nâu ấm áp và hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng trải dọc thân cột giống như bao ngôi chùa trên đất nước Việt Nam. Những bức tượng Phật vẫn mang mang nét riêng của chùa Việt. Thế nhưng tổng thể chùa Phật tích được xây theo kiến trúc chùa tháp theo Phật giáo Nam Tông của người Lào. Sự pha trộn 2 phái Nam Tông – Bắc Tông trong kiến trúc Lào – Việt dấy lên trong chúng tôi bao nhiêu sự tò mò khám phá. Bước qua phần cầu thang được trang trí cầu kỳ hình tượng rồng bay trên mây trắng, chúng tôi bước vào gian chính điện. Hai bên hoành phi ghi tên “Chùa Phật Tích” là đôi câu đối Từ bi hỉ xả - Duy tuệ thị nghiệp được đặt trang trọng như lời nhắc nhở mỗi Phật tử đến với chốn tâm linh tôn nghiêm. Chính giữa “Đại hùng bảo điện” là 3 pho tượng Phật lớn nhất trong chùa. Điểm đặc biệt là 3 pho tượng được làm bằng các chất liệu khác nhau. Sư bà Diệu Phước chia sẻ: “Pho tượng Phật chính giữa được đúc đồng ngay tại nước Lào. Ngày đúc tượng rất đông bà con Việt tụ họp và cúng dường. Những người thợ đúc đồng đều từ Việt Nam mình sang cả. Còn 2 pho tượng còn lại thì bên trái bằng gỗ và bên phải bằng đá. Tôi theo cô ruột (ni sư Diệu Thiện) từ hồi cô xây chùa đến nay giờ thấy chùa có diện mới mạo như thế này phấn khởi lắm”. Đó không chỉ là tâm tư của ni sư đã gắn trọn cuộc đời mình với ngôi chùa Phật tích mà cũng là tâm trạng chung của bà con Phật tử, du khách gần xa khi đến hành hương hay vãn cảnh chùa hôm nay. Một điểm đặc biệt hơn nữa là hơn 1000 pho tượng phật lớn nhỏ cho đến chuông, trống trong chùa đều được làm tại Việt Nam và vận chuyển sang đây. Do vậy tổng kinh phí trùng tu và xây mới chùa lên tới 450.000 USD.
Chùa Phật Tích
Chính điện
Mặc dù không quá lộng lẫy như kiến trúc đặc trưng của chùa chiền nước bạn nhưng tông vàng rực rỡ luôn hiện diện khắp không gian chùa Phật Tích. Các pho tượng phật nổi bật trên nền tường vàng quanh khu chính điện và những bức tranh tường kể lại câu chuyện Đức Phật đã cuốn hút chúng tôi vào cảm giác lẫn lộn quen quên và lạ lạ. Trên nóc mái chùa màu nâu đỏ thân quen, chúng tôi lại bắt gặp biểu tượng 7 tòa tháp nhỏ tượng trưng cho những ngọn tháp hoa Phật tử Lào thường hay mang tới khi lên chùa. Một sự pha trộn kỳ lạ nhưng có lẽ cũng hợp lý bởi hơn 50 năm hình thành chùa Phật tích đã chảy cùng dòng thời gian và biến động lịch sử của thủ đô Viên Chăn, của đất nước và con người Lào. Bao thế hệ bà con Việt kiều sinh sống trên đất Lào đã hòa mình vào cuộc sống của người dân sở tại. Và dấu ấn đó một lần nữa tiếp tục hiện hữu trong công trình kiến trúc tâm linh chùa Phật Tích.
Tòa tháp
Men theo lối nhỏ bên hông chính điện là đường lên tòa tháp 7 tầng oai nghi. Mỗi tầng tháp lại được đặt trang trọng một bức tượng Phật ngự trên đài hoa sen bình yên. Ở mỗi mái đao của tầng tháp là hình tượng tứ linh Long – Lân – Quy – Phụng quen thuộc của người Việt. Đức Thích Minh Nguyệt – đồng trụ trì chùa cho hay: “Do diện tích hiện nay của chùa chỉ hơn 1000m2 nên kiến trúc chùa theo kiểu trước tháp, sau chùa và chính điện ở tầng trên. Việc phân bổ như vậy giúp cho công trình trở nên gọn gàng và đẹp mắt hơn”.
Những cánh cửa gỗ nâu ấm áp
Hướng về cội nguồn
Trong khuôn viên chùa đặt 2 phần mộ của ni sư Diệu Thiện có và trụ trì chùa Thượng tọa Thích Toàn Giác. Không chỉ được biết đến là người có công khai sơn chùa Phật Tích, ni sư Diệu Thiện đã dành hết 43 năm trụ chì chùa kết nối bà con Việt sinh sống nơi đất khách quê người. Nỗi nhớ dành cho đất nước quê hương chưa bao giờ nguôi ngao trong lòng ni sư. Câu chuyện đạo, câu chuyện tình người và công lao của bà luôn được các thế hệ Phật tử khắc ghi và trân trọng. Cũng chính một tay ni sư đã đưa hai sư thầy Thích Minh Quang và Thích Minh Nguyệt sang Lào thay ni sư trị sự cho ngôi chùa. Tiếp bước thầy, một trại dưỡng lão ở Noọng Vẹng cho những người già không gia đình, không nhà cửa, bệnh tật được nhà chùa đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng. Đại đức Thích Minh Nguyệt chia sẻ: “Đức Phật đã dạy “Tích phước tu nhân năng trừ phiên não chứng bồ đề”. Cuộc sống ở đây bình yên, không có bão lụt nên thảnh thơi nhẹ nhàng hơn người Việt mình. Chúng tôi là một bộ phận không tách rời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên mỗi khi đất nước có kêu gọi, nhà chùa và bà con nơi đây đều sẵn sàng hướng ứng và tham gia. Dù ở đâu chúng ta cũng đều là con dân đất Việt phải yêu thương và đùm bọc nhau”. Trải qua bao năm tháng, chùa Phật Tích đã không chỉ là địa điểm tâm linh mà còn trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần khơi gợi và giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ trẻ sinh ra trên đất Lào.
Mái đao dáng phượng
Phât tử tới làm lễ
Ngồi trò chuyện một lát, chúng tôi bắt gặp khá nhiều các Phật tử lớn tuổi đến chùa trong bộ áo xám quen thuộc. Phần lớn các Phật tử đến tụng kinh và phụ dọn dẹp, sắp xếp các ban thờ giúp nhà chùa. Mỗi người mỗi câu chuyện đời khác nhau như người nghệ sĩ một thời đất Hà Thành Kim Loan tâm sự: “Tôi rời quê hương đến Lào sinh sống đã 58 năm thì hơn 40 năm tôi lên chùa Phật Tích. Cứ đi đi lại lại mỗi ngày giúp sư bà Diệu Phước những công việc nhỏ của nhà chùa. Đời tôi đã trải qua bao thăng trầm, cay đắng nên tìm đến cửa Phật giúp tâm hồn bình an và cũng là để trả nợ cuộc đời. Những người già chúng tôi không phải ai cũng có điều kiện và sức khỏe về thăm quê hương dù việc đi lại bây giờ đã thuận lợi hơn ngày xưa rất nhiều nên chúng tôi gặp nhau ở chùa, cùng tụng kinh, cùng chia sẻ vui buồn, chia sẻ nỗi nhớ quê hương”.
Ánh chiều buông xuống in bóng chú tiểu đang quét những chiếc lá bồ đề trên mặt sân chùa. Chốc chốc, chú tiểu lại dừng chổi nhường bước cho Phật tử đến chùa làm lễ. Mùi hương khói thoang thoảng trong không gian yên bình...
Thanh Phong
Theo baoxaydung.com.vn