(Xây dựng) - Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của thị xã Sa Pa có bước phát triển mạnh mẽ. Đời sống Nhân dân các dân tộc nơi đây không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thành quả này có phần đóng góp không nhỏ của công tác dân vận. Tiêu biểu nhất là việc triển khai hiệu quả Quyết định 1902 năm 2017 của UBND tỉnh Lào Cai về công tác dân vận trong thực hiện các dự án đầu tư và việc triển khai mô hình “Dân vận khéo”.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” đã giúp nhiều hộ dân ở Sa Pa vươn lên thoát nghèo. |
Dân vận phải đi trước
Ngay sau Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra thành công, Thường trực Thị ủy Sa Pa đã chỉ đạo cơ quan thường trực là Ban Dân vận Thị ủy xây dựng các chương trình, kế hoạch về công tác dân vận của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Có thể nói, công tác dân vận được Đảng bộ thị xã Sa Pa đặc biệt coi trọng trong nhiệm kỳ này. Bởi đây là nhiệm kỳ mới của thị xã Sa Pa khi Sa Pa được nâng cấp lên thành thị xã. Thị xã còn non trẻ, trách nhiệm lớn, công việc nhiều, đặc biệt là nhiệm vụ triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị Sa Pa thực sự là khu du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.
Triển khai Quyết định số 1902 năm 2017, thay thế bằng Quyết định 441 ngày 21/02/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về công tác dân vận trong thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Thường trực Thị ủy Sa Pa đã thành lập Tổ công tác để triển khai thực hiện (gọi tắt là Tổ công tác 1902). Năm 2022, Tổ công tác 1902 đã phối hợp chặt chẽ với UBND thị xã, Trung tâm phát triển quỹ đất, HĐND, UBND các xã, phường và các nhà đầu tư dự án để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia và đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từ đó các dự án triển khai được thuận lợi, đúng theo tiến độ đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sa Pa Thào A Sinh. |
Ông Thào A Sinh - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sa Pa cho biết, hiện Sa Pa đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Sa Pa, Tỉnh lộ 155 kết nối từ cầu Móng Sến đến đường tránh QL4D, Khu du lịch núi Hàm Rồng, tổ hợp khách sạn của Tập đoàn Alphanam tại Sa Pa... Ngay từ khi triển khai dự án, công tác dân vận đã nắm bắt về chủ trương, kế hoạch, quy hoạch triển khai các dự án. Quan điểm chỉ đạo là công tác dân vận, công tác tuyên truyền phải tham gia ngay từ đầu, đi trước một bước để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp thuận chủ trương chung; đồng thời, tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của mình. Từ đó, thực hiện tuyên truyền đến đâu, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ người dân luôn đến đấy. Tránh việc người dân đồng thuận rồi nhưng lại chậm trong khâu hỗ trợ, để người dân bức xúc, phản đối, ảnh hưởng tiến độ dự án.
Với cách làm đó, trong năm 2022, Tổ công tác 1902 đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, vận động đối với 5 dự án, 79 hộ dân, từ chưa đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng đã nhận hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho các dự án thi công. Một số kết quả cụ thể như: Vận động được 1 hộ tại Dự án thủy điện thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải; 19/20 hộ tại Dự án sắp xếp dân cư thôn Móng Sến 1, 2, xã Trung Chải; 29/29 hộ tại Dự án nước sạch BOO; 21/21 hộ tại Dự án công viên văn hóa Mường Hoa; 9/9 hộ tại Dự án Thủy điện Mây Hồ.
Bên cạnh việc triển khai Quyết định 441, Ban Dân vận Thị ủy Sa Pa còn triển khai có hiệu quả phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Từ đây, đã xuất hiện những mô hình được triển khai thực hiện có hiệu quả trong đời sống của Nhân dân và đang tiếp tục nhân rộng. Năm 2023, đã có 20 cơ quan, đơn vị đăng ký với tổng số 76 mô hình trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các mô hình của hệ thống chính trị. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế có 30 mô hình; lĩnh vực văn hoá - xã hội có 23 mô hình; lĩnh vực an ninh - quốc phòng có 15 mô hình; lĩnh vực hệ thống chính trị có 11 mô hình.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các mô hình điển hình như có thể kể đến như: trồng hoa địa lan, trồng đào thất thốn, nhất chi mai, sản xuất sản phẩm thuốc tắm, sản xuất tinh dầu thảo dược ở xã Tả Phìn; phát triển chăn nuôi cá nước lạnh ở xã Ngũ Chỉ Sơn; phát triển vùng trồng cây ăn quả ôn đới ở phường Ô Quý Hồ; trồng cây dược liệu Atiso ở phường Hàm Rồng; chè dây ở xã Liên Minh... Mô hình “Dân vận khéo” đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế trên địa bàn, giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm và hăng hái tham gia lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đổi mới phương thức vận động quần chúng
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, hoạt động của Tổ công tác 1902 về công tác dân vận trong thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai và phong trào xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cũng còn gặp khó khăn, vướng mắc nhất định.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sa Pa Thào A Sinh, thị xã Sa Pa có 10 xã và 6 phường, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 84,75 % dân số toàn thị xã, nhìn chung đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Bên cạnh đó, thị xã mới chuyển từ nông thôn lên đô thị nên nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị. Đời sống của Nhân dân ở các khu vực khác nhau trong thị xã có sự chênh lệch lớn. Ý thức vươn lên của một bộ phận Nhân dân chưa thực sự quyết liệt. Một số chính sách đền bù, tái định cư còn bất cập nên công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Tổ công tác 1902 xác định thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho Thường trực Thị ủy rà soát và kiện toàn lại Tổ công tác. Xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND thị xã, các cơ quan liên quan của thị xã để trao đổi, công khai và cung cấp thông tin thường xuyên về các dự án trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành chức năng để tuyên truyền, vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng giao đất cho các dự án: Dự án khu hành chính mới; Dự án sắp xếp dân cư thôn Móng Sén 1,2 xã Trung Chải và một số dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục được duy trì và thực hiện đạt kết quả cao, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả, tiến độ triển khai để nhân rộng các mô hình điển hình tại cơ quan, đơn vị và địa phương. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiện toàn các Ban chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo” từ thị xã đến cơ sở. Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, “Dân vận khéo” để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo”.
Có thể nói, trong những năm qua, công tác dân vận của thị xã Sa Pa liên tục đổi mới, sát với tình hình thực tế ở địa phương. Các phong trào thi đua yêu nước nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng. Công tác dân vận đã tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Sa Pa là thị xã vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên 68.329 ha, dân số gần 70.000 người. Thị xã Sa Pa có 10 xã và 6 phường, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,75 % dân số, trong đó người Mông chiếm 52%, Dao 22,4 %, Kinh 14,8 %, Tày 5 %, Dáy 3 %, Xa Phó 1.06 %, còn lại là dân tộc khác chiếm 1,74 %. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, chiếm 28,44 %. |
Vũ Sơn
Theo