Thứ sáu 19/04/2024 19:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chủ tịch Quốc hội: Dự thảo văn kiện của Hà Nội cần gắn với Luật Thủ đô

19:32 | 01/08/2020

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự thảo cần đánh giá sâu kết quả thực hiện, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù mà Đảng, Nhà nước dành cho Thủ đô, trong đó có việc thực hiện Luật Thủ đô.

chu tich quoc hoi du thao van kien cua ha noi can gan voi luat thu do
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 1/8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, đồng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội…

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội dự kiến tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào cuối tháng 10/2020.

Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn các đại biểu với trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết đối với Thủ đô đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, trong đó tập trung vào những vấn đề, quan điểm, mục tiêu lớn đối với phương hướng phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Đánh giá tổng thể về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, các ý kiến thành viên Đảng đoàn Quốc hội đánh giá dự thảo được chuẩn bị công phu, thể hiện được tính bao quát, thống nhất trong nhận định, đánh giá, phương hướng, mục tiêu chung.

Phần đánh giá kết quả thực hiện đã bám sát 14 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố. Phần mục tiêu tổng quát được xây dựng cho giai đoạn 5 năm 2020-2025, có định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu ý kiến đóng góp cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng chủ đề của đại hội đã bao hàm đầy đủ các thành tố, tuy nhiên mục tiêu chủ đề “Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại” cần được bổ sung thêm cụm từ “tiêu biểu cho cả nước.”

Ông Hà Ngọc Chiến cho rằng đây cũng nằm trong Khoản 1 Điều 5 của Luật Thủ đô, do đó nên xây dựng mục tiêu luôn từ đầu và ở giai đoạn nào Hà Nội vẫn cần là “tiêu biểu cho cả nước.”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh cách làm của Thành ủy Hà Nội, cho rằng dự thảo cần thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; phần kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI cần cô đọng hơn, trong đó làm nổi bật truyền thống cách mạng, nghìn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình.”

Trong đánh giá tổng quát ưu điểm và nguyên nhân cần đưa thêm nội dung về kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ, thêm kết quả đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, nhất là từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, trong đó có Xứ Đoài - vùng rộng lớn có những nét văn hoá đặc sắc về Hà Nội tạo nên sự phong phú, đa dạng…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng trong phát triển khoa học-công nghệ, dự thảo ghi “chú trọng đẩy mạnh” là còn khá khiêm tốn trong điều kiện tại Thủ đô có một hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học đông đảo, là cơ sở của Nhà nước, các bộ, ngành… Hà Nội là Thủ đô của cả nước, do đó Hà Nội cần huy động đội ngũ đông đảo các nhà khoa học để từ đấy thúc đẩy phát triển. Do đó, dự thảo báo cáo chính trị cần nói rõ hơn nội dung này.

chu tich quoc hoi du thao van kien cua ha noi can gan voi luat thu do
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cơ bản nhất trí mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng mỗi nhiệm kỳ đều có cái khó riêng, thậm chí càng về sau càng khó, lấy ví dụ trong đại dịch COVID-19 một số chỉ tiêu phải thay đổi, do đó trong việc đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cần tránh “logic hình thức.”

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội thêm vào dự thảo khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, vì đây là thế mạnh của Hà Nội để phục vụ du lịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu cho rằng trong đánh giá cần nhìn thẳng vào sự thật khách quan, đúng mực kể cả đánh giá thành tựu, từ đó chỉ ra áp lực mà Đảng bộ, nhân dân thành phố đang cần giải quyết (ví dụ như áp lực về cơ sở hạ tầng, quá tải, ùn tắc giao thông, bệnh viện, trường học còn thiếu…).

Nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng hiện Hà Nội đã trồng hơn 1 triệu cây xanh, tạo nên một Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn, là thành phố xanh, sạch đẹp văn minh thì môi trường rất quan trọng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng Hà Nội cần quan tâm công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Là 1 trong số 29 thủ đô trên thế giới có hơn 1.000 năm tuổi, trong xây dựng mới, thành phố cần gắn với bảo tồn, chỉnh trang đô thị…

Gắn với việc thực hiện Luật Thủ đô

Phát biểu ý kiến đóng góp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao cách làm của Hà Nội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn kiện Đại hội Đảng. Với cách làm này, dự thảo văn kiện được xây dựng công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, đã tập hợp được trí tuệ của các cấp ủy đảng, đảng viên trong Đảng bộ, các ngành, các cấp.

chu tich quoc hoi du thao van kien cua ha noi can gan voi luat thu do
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố với những kết quả được nêu khá rõ, tuy nhiên cần nhấn mạnh thêm trong bối cảnh năm cuối của nhiệm kỳ thì đại dịch COVID-19, thiên tai dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân nhưng Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết quyết tâm cao để vượt qua khó khăn thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, dự kiến đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của thành phố đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị đã phát huy vai trò, đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô thời gian qua. Tuy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết tốt hơn nhưng Hà Nội đã đẹp, xanh, hiện đại, văn minh hơn trước ở cả hình thức lẫn nội dung.

Đánh giá công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đã được chú trọng và có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở cấp cơ sở còn thấp, cá biệt có nơi còn làm mất vai trò lãnh đạo.

Nhấn mạnh, với vai trò vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để xảy ra những tồn tại, yếu kém tương tự.

Dự thảo cần đánh giá sâu hơn những kết quả thực hiện, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù mà Đảng, Nhà nước đối với Thủ đô, trong đó có việc thực hiện Luật Thủ đô; nêu rõ hơn những tiến độ thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt so với Nghị quyết và những gì trong luật, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã dành cho Thủ đô để có căn cứ đánh giá, so sánh, trên cơ sở đó định hướng cho giai đoạn tới.

Dự thảo báo cáo cần phân tích rõ hơn sự chủ động của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành thực hiện các cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước với những kết quả ban đầu đạt được.

Ngoài những nội dung về đổi mới về mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thì thành phố cần đánh giá lại bổ sung để làm rõ kết quả thực hiện đầu tư công, về ngân sách nhà nước, về tiến độ quy mô giải ngân vốn đầu tư.

Gần đây là sự đánh giá kết quả thực hiện giải pháp trong ngăn chặn sự lây nhiễm, hạn chế tác động từ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới quá trình phát triển của Thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới, ở trong nước và địa bàn Hà Nội hiện nay, thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn; đề nghị Hà Nội rà soát kỹ lưỡng, bám sát tình hình thực tiễn để có đánh giá phù hợp cho thực hiện trong nhiệm kỳ mới…

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Quy hoạch mới thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển, Hà Nội cần bổ sung 1 số mục tiêu, chỉ tiêu trong công tác quy hoạch của thành phố và lập một số quy hoạch đặc thù như hệ thống không gian ngầm, công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ; đánh giá bổ sung năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội; bổ sung đánh giá nhận xét về mối quan hệ hỗ trợ tương tác giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng, hiệu quả động lực phát triển từ liên kết vùng, để từ đó khai thác tối đa nguồn lực xã hội đồng thời giải quyết những vấn đề cấp bách của vùng Thủ đô hiện nay mà từng địa phương không giải quyết được, chỉ có liên kết lại, hợp tác mới giải quyết hiệu quả được.

Cùng với đó, thành phố cần đánh giá sâu hơn công tác phòng, chống hàng lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, ùn tắc giao thông, quản lý đất đai, quản lý xây dựng, môi trường..., từ đó đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.

Cơ bản tán thành phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới trong dự thảo văn kiện, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến, xét trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, văn kiện cần được cập nhật thêm những giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn để phát triển thành phố.

Văn kiện cần gắn với việc thực hiện Luật Thủ đô, Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị, Nghị quyết 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Kết luận 22 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và Kết luận 46 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, để từ đó thể hiện đầy đủ hơn những quan điểm, định hướng, mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước, những chính sách, pháp luật đã có của Thủ đô để đưa những nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô sát với thực tiễn…

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Tiểu ban Văn kiện Đại hội sẽ tập hợp đầy đủ, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 đạt chất lượng nhất, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load