Ngày 23/12, tại Hà Nội, Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập (1906-2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức. Ảnh:TTXVN
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, phát biểu chỉ đạo và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, nhân viên, người lao động của Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức.
Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương những thành tích, đóng góp to lớn của các thế hệ thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức tiền thân là Bệnh viện Phủ Doãn. Trải qua 110 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển, bệnh viện đã lớn mạnh về mọi mặt với đội ngũ các giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, các nhà khoa học nổi tiếng, trình độ cao, tay nghề giỏi, đạo đức trong sáng, như các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Dương Quang... góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền y học nước nhà.
Bệnh viện luôn đi đầu trong công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, là nơi khởi nguồn Dự án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật phát triển các bệnh viện tuyến dưới, giúp người nghèo được tiếp cận các phương pháp chẩn đoán, điều trị hiện đại với các chuyên gia giỏi ở ngay địa phương mình với chi phí hợp lý; phối hợp tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn...
Đối với nhiệm vụ cho giai đoạn tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành y tế nói chung, Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức nói riêng, tập trung nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh; tiếp tục đổi mới công tác chăm sóc, điều dưỡng, quản lý người bệnh; làm tốt công tác phục vụ y tế trong những dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước, các hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu dự Lễ khánh thành Nhà truyền thống của Bệnh viện. Ảnh:TTXVN
Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho ngành y tế tập trung phát triển kỹ thuật mũi nhọn, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng những thành tựu về khoa học-kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh; quan tâm công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện và y tế cơ sở.
Đồng thời, ngành y tế phải chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế tuyến dưới, qua đó góp phần giảm tỉ lệ chuyển tuyến đặc biệt, giúp người bệnh được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Song song với đó, ngành y tế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh, góp phần ngăn chặn sự lây lan và giảm thiệt hại do bệnh dịch...
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đầu tư cho y tế là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Chủ tịch nước chúc các thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bệnh viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phấn đấu đưa bệnh viện phát triển lên một tầm cao mới, xứng đáng là một bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt, địa chỉ tin cậy của người bệnh và nhân dân, là trung tâm khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước.
Hiện, Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức có 1 viện và 10 trung tâm trực thuộc, 18 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng và 11 phòng chức năng. Hệ thống của bệnh viện có trên 50 phòng mổ, trong đó có hệ thống mổ nội soi ngang tầm thế giới, quy mô 1.500 giường.
Nhân kỷ niệm 110 năm thành lập, Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức tổ chức khánh thành Nhà truyền thống, Hội trường Tôn Thất Tùng, Hội trường Tôn Đức Lang trong khuôn viên bệnh viện.
Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn