Thứ tư 17/04/2024 05:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chủ động ứng phó với sạt lở

09:42 | 04/11/2020

(Xây dựng) - Nhiều khu vực miền núi ở Việt Nam còn hàng ngàn điểm có nguy cơ cao gây ra trượt lở đất, lũ quét, gây rủi ro lớn về người và tài sản, nhất là ở thời điểm mưa lũ.

chu dong ung pho voi sat lo
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Theo Viện Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), Việt Nam có 4 vùng được xác định có nguy cơ trượt lở lớn về đồi núi như vùng Lai Châu - Điện Biên; vùng Hoàng Liên Sơn bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… và các tỉnh Trung Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngoài các khu vực trên, tỉnh Bắc Kạn cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra trượt lở, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Đồn, Hồ Ba Bể…

Trượt lở đất đá được kích hoạt do nhiều yếu tố ngoại sinh như mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá… và nội sinh như động đất. Đặc biệt là do con người làm mất độ ổn định sườn dốc, tăng chấn rung do mìn hoặc máy móc, tăng trọng tải lên mặt sườn dốc và gây xói mòn, làm yếu độ liên kết của đất đá, khả năng giữ đất của rễ cây do các hoạt động phá rừng, khai thác khoáng sản, san lấp, cắt, xẻ đồi núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và các công trình khác. Điều này dẫn tới tai biến trượt lở đất đá, lũ bùn đã và đang gây thảm họa lớn cho con người và xã hội.

Các vùng miền núi nước ta có đặc điểm chung là địa hình chia cắt, độ dốc lớn, dân cư thường sống tập trung ở chân đồi, núi. Dưới tác động của nhiều hoạt động nhân sinh của con người như xây dựng giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi, các hoạt động chặt phá rừng. Do đó hiện tượng trượt lở đất đá luôn rình rập, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân.

Theo Viện Địa chất và Khoáng sản, qua điều tra hiện trạng của 14 tỉnh và kết quả phân vùng cảnh báo nguy cơ của 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa (12 huyện) và Nghệ An (11 huyện), cả 4 tỉnh này đều được đánh giá có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá cao.

Do vậy, việc xác định được và triển khai ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong cảnh báo, dự báo, xây dựng công trình giảm nhẹ rủi ro bảo vệ khu vực chính là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Để thực hiện điều đó, cần có những đột phá về khoa học và công nghệ, đồng thời với các giải pháp giảm thiểu trước thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, năng lực tự ứng phó, đặc biệt trong cộng đồng dân cư cũng như đầu tư vào hệ thống thông tin tới người dân.

Với giải pháp về công trình tập trung vào việc giảm nhẹ rủi ro cần quan tâm đến việc phân dòng lũ với mục tiêu điều tiết nước, hạn chế tập trung nước gây lũ quét. Đồng thời, mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống, khơi thông đường thoát lũ, tăng cường công trình vùng cửa suối để chịu tác động của lũ bùn đá; chống trượt lở đất đá theo sườn dốc; kè chống sạt lở dọc lòng suối; xây dựng đập, tường chắn lũ quét, lũ bùn đá…

Đặc biệt, cần nhận biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông qua các bản đồ nguy cơ và kế hoạch điều tra khảo sát đã được công bố, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm nơi sinh sống (đánh giá khả năng có sạt lở, nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét); không nên xây dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch nước; lập kế hoạch của cá nhân, gia đình để phòng chống, chuẩn bị cho các trường hợp có lũ quét và sạt lở; chuẩn bị các biện pháp, phương án, dụng cụ, kế hoạch sơ tán khẩn cấp khi xảy ra tình huống…

Bên cạnh đó, đòi hỏi các cấp chính quyền cần rà soát và xử lý tốt các điểm sạt lở, áp dụng phương pháp gia cố tạm thời tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có với người dân.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load