Thứ sáu 29/03/2024 19:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chủ động các biện pháp ứng phó thiệt hại mưa, lũ tại miền Trung

14:58 | 01/12/2021

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai phải sơ tán người dân khu vực ngập lụt đến nơi an toàn, hướng dẫn phân luồng giao thông các khu vực ngập lụt.

chu dong cac bien phap ung pho thiet hai mua lu tai mien trung
Lực lượng chức năng đưa người dân thôn Ngọc Phước (xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa) đi sơ tán. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Sáng 1/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ miền Trung.

Tại cuộc họp, Phó Chánh văn phòng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết từ ngày 27-30/11, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên có mưa phổ biến 300-500mm.

Ngày 1/12, khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa 20-40mm, có nơi trên 50mm.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi xuống mức báo động 1-báo động 2, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống chậm và duy trì ở mức cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai tổ chức triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; chủ động ban hành công văn chỉ đạo; tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở; sơ tán người dân khu vực ngập lụt đến nơi an toàn; hướng dẫn phân luồng giao thông các khu vực ngập lụt và chỉ đạo vận hành các hồ chứa để giảm lũ cho hạ du.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã rà soát, chỉ đạo vận hành hồ chứa để giảm lũ cho hạ du sông Ba.

Phó Trưởng ban Lê Minh Hoan lưu ý các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục, đảm bảo giao thông; kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, các hồ chứa đã đầy nước; chủ động vận hành liên hồ chứa, hồ chứa dành dung tích đón lũ để đảm bảo an toàn công trình và hạ du...

Phó Trưởng ban Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương đảm bảo công tác an toàn tàu, thuyền; việc thu hoạch lúa mùa và an toàn hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đặc biệt, các địa phương cần ứng dụng công nghệ thông tin như chuyển đổi số trong cảnh báo thiên tai; phối hợp giữa Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng thường trực các địa phương; tăng cường nắm bắt tình hình từ thượng nguồn đến hạ lưu....

Các bộ, ngành phối hợp thông tin kịp thời về tình hình mưa lũ; chuẩn bị xây dựng đề án trình Chính phủ như: hỗ trợ nhà ở cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt, kế hoạch xin tài trợ của các tổ chức nước ngoài trong phòng, chống thiên tai…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho rằng tỉnh đã chỉ đạo việc họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo các biện pháp cụ thể trong ứng phó mưa lũ.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ động sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng chức năng tại các hồ, ngầm tràn, khu vực ven sông, ven suối, yêu cầu việc dự trữ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

Để chuẩn bị cho công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kiến nghị, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Gia Lai, Đắk Lắk triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 và Công điện số 24/CĐ-QG ngày 30/11 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.

chu dong cac bien phap ung pho thiet hai mua lu tai mien trung
Công an huyện Tuy Phước hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm đến người dân vùng lũ. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, chỉ đạo vận hành hồ chứa để giảm lũ cho hạ du.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại, triển khai ứng phó theo văn bản số 566/VPTT ngày 29/11/2021.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau tiếp tục triển khai theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, các địa phương nên xem xét phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn; khôi phục sản xuất nông nghiệp như: kiểm tra giống rau màu nhằm phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; kiểm tra tình hình nhà dân bị ngập sâu ảnh hưởng tới sinh hoạt; đặc biệt chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống dịch sau khi lũ rút./.

Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load