(Xây dựng) - Trong chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch được Thủ tướng phê duyệt đã được phổ biến đến từng địa phương và các đơn vị cấp nước trên cả nước. Đây là một chương trình lớn với sự tham gia của nhiều bộ, ngành.
Tính đến cuối năm 2012 cả nước hiện có 765 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt 32,2%. Trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 12 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 51 đô thị loại III, 57 đô thị loại IV, 633 đô thị loại V.
Tổng công suất cấp nước thiết kế đạt 6,6 - 6,65 triệu m3/ngày, đồng nghĩa với tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 77,5 - 78%.
Bên cạnh đó thì tỷ lệ thất thoát thất thu bình quân khoảng 28 - 29%. Trước tình hình biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất, vấn đề chống thất thoát nước đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia.
Trong đó kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước đến năm 2015 của các tỉnh thành trên cả nước có báo cáo gửi về Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho thấy: Các giải pháp kỹ thuật như đầu tư thay thế cải tạo một số tuyến ống; phân vùng tách mạng, đầu tư sử dụng trang thiết bị, công nghệ quản lý mạng và đồng hồ đo nước, thiết bị phát hiện rò rỉ là những bài toán hữu hiệu chống thất thoát, thất thu nước sạch một cách hiệu quả nhất.
Tại Việt Nam nhu cầu đầu tư giảm thất thoát, thất thu đến năm 2015 khoảng 9.400 tỷ đồng và là thách thức rất lớn để có thể triển khai chương trình.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho các công trình cấp nước đô thị chủ yếu từ nguồn ODA hiện nay ngày càng hạn chế và không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư xây mới chưa kể cho đầu tư giảm thất thoát thất thu nước sạch.
Một phần quan trọng là giá nước tại các đô thị chưa được tính đúng, tính đủ; chưa đảm bảo cho doanh nghiệp cấp nước tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chưa có tích luỹ để tái đầu tư. Bên cạnh đó, giải pháp về kỹ thuật cũng như quản lý vận hành chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng công nghệ, thiết bị mới.
Để phân vùng tách mạng hệ thống cấp nước đưa công nghệ vào quản lý có thể nói là giải pháp tốt nhất hiện nay nhằm giảm thiểu thất thoát, thất thu nước sạch. Việc lập chương trình cải tạo thông qua chương trình chạy mạng lưới tiến tới phân khu vực và cụm cấp nước để quản lý.
Dựa trên các ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quản lý vận hành phòng chống thất thoát thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý, giám sát và thu nhập dữ liệu bằng việc ứng dụng các thiết bị mới như để phát hiện rò rỉ bằng các thiết bị dò tìm sóng âm, sử dụng đồng hồ đo áp lực lưu lượng bằng điện từ.
Qua đó phải đầu tư cải tạo thay thế mạng lưới đường ống cấp nước mới. Đồng thời quản lý, vận hành duy tu sửa chữa bảo dưỡng mạng lưới phân phối tại các khu vực cấp nước. Các khu vực đấu nối dịch vụ cũng phải được quản lý, bảo trì thường xuyên.
Việc quản lý thất thoát cũng phải được phân cấp theo 3 mức như vùng cấp nước, khu vực cấp nước, cụm cấp nước. Theo đó, vùng cấp nước phải được phân chia theo địa giới hành chính quận, hoặc theo chi nhánh. Việc cấp nước dựa trên lắp đặt đồng hồ tổng mạng cấp 1, và xác định nhu cầu cấp nước cho từng vùng.
Qua đó xác định tỷ lệ thất thoát vùng và đánh giá hoạt động phòng, chống thất thoát đối với từng chi nhánh cấp nước. Phân chia số lượng đấu nối khách hàng (trong đó 4.000 - 6.000 đấu nối/khu vực), trong đó, mỗi khu vực chỉ có 2 - 3 nguồn cấp nước vào và đặt đồng hồ tổng. Vì vậy, việc xác định tỷ lệ thất thoát và đánh giá cũng như xử lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Riêng cụm cấp nước được phân chia theo số lượng đấu nối khách hàng (500 - 1000 đấu nối/cụm). Để xác định tỷ lệ thất thoát cụm phải dựa trên đồng hồ đo lưu lượng sóng âm nhằm đánh giá và xử lý một cách trực tiếp, qua đó có thể lựa chọn cụm thí điểm để kiểm tra và nhân rộng mô hình.
Để thực hiện tốt các bước đó, các Cty cấp nước đều phải đầu tư các trung tâm theo dõi, kiểm soát và vận hành các hệ thống cấp nước (Phòng Điều độ và Quản lý mạng lưới) bằng cách ứng dụng công nghệ mới như hệ thống Scada với 35 thiết bị đo áp lực và lưu lượng giám sát hệ thống cấp nước. Cung cấp dữ liệu P, Q liên tục 24h/ngày. Nhằm theo dõi thường xuyên hoạt động trên mạng lưới và vận hành các trạm bơm phù hợp với nhu cầu thực tế.
Hiệu quả từ các giải pháp thiết kế này chứng minh sự phù hợp giữa lý thuyết và thực tế tại các Cty thông qua quá trình thực hiện các bước giải pháp.
Đồng thời vẫn tiết kiệm được chi phí quản lý, giảm nhanh tỷ lệ thất thoát nước một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, các giải pháp thiết kế cũng như việc áp dụng công nghệ mới nhằm giảm thiểu thất thoát nước sạch làm căn bản, song một trong những yếu tố quan trọng vẫn là nhận thức của người sử dụng cũng như mỗi cán bộ, công nhân viên trong Cty về phòng, chống thất thoát nước.
Thanh Huyền
Theo