(Xây dựng) - Năm học 2015- 2016 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia và xét tuyển vào đại học. Với mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng cho các thí sinh, Bộ GD&ĐT cho phép một thí sinh được đăng ký cùng lúc 4 ngành tại một trường, trong một nguyện vọng. Mức điểm sàn được đưa ra năm nay không cao, ở mức 15 điểm. Tuy nhiên, việc làm này đang dẫn đến không ít rắc rối cho thí sinh. Dù thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học đã cận kề, các thí sinh vẫn loay hoay với việc nộp - rút - nộp hồ sơ vào các trường.
Trước hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển 4 ngày, chị Nguyễn Thị Như Ý - một chuyên viên công tác tại Bộ Xây dựng chia sẻ: Chiều qua tôi cùng con mới đi nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Ngoại thương, vậy mà sáng nay, con trai bảo: "Hay con rút hồ sơ để nộp vào Đại học Kinh tế Quốc dân cho chắc ăn. Các bạn con sáng nay mấy đứa đã đi rút rồi".
Hôm trước, so với thông báo dự kiến điểm xét tuyển, con tôi còn dư 1,75 điểm, vậy mà sáng hôm qua, nghe nói là chỉ còn dư 0,5 thôi mà hồ sơ vẫn đang tiếp tục nộp vào rất đông. Sau một hồi trao đổi, con trai tôi tặc lưỡi: "Thôi con không rút nữa, biết đâu số mình may mẹ nhỉ!”.
Bác Đinh Minh Hiến có con trai đạt 24,75 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) hiện cũng nín thở chờ qua ngày 20/8 để trường công bố kết quả xét tuyến. Nghe nói là điểm chuẩn dự kiến của PCCC là 25,5 điểm nên bác Hiển không biết con mình sẽ ra sao. Bác Hiển lo lắng: Nếu con trượt đại học thì con cũng có nguy cơ không đỗ cả trung cấp, vì “Con trong ngành cộng 2 điểm, con mình có đến lượt không?”
Theo bác bác Hiến, thực sự, việc Bộ GD&ĐT cho phép đăng ký xét tuyển kiểu này là quá ảo. Học sinh giỏi 3 năm, điểm thi bình quân trên 8 mà trượt đại học thì uổng quá. Mà khó khăn nhất là ngành Công an quy định không được rút hồ sơ sau ngày 10/8. Thời gian ngắn thế các cháu biết chạy sao cho kịp?
Cũng chung tâm trạng bức xúc trước kỳ thi hai trong một này, anh Vũ Quang - phụ huynh thí sinh đến từ Bắc Giang cho biết: Cháu nhà mình đăng ký vào Trường Đại học Lao động Xã hội, trong đơn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 theo mẫu chung Bộ GD&ĐT. Có ô ghi rõ: Khu vực tuyển sinh (ô này để thí sinh ghi k.v.1 hay k.v. 2 NT) để được cộng điểm ưu tiên. Khi rút hồ sơ Trường Đại học Công đoàn, trường này cho phép thí sinh ghi vào ô khu vực tuyển sinh. Nhưng khi nộp hồ sơ chuyển sang Đại học Lao động Xã hội thì trường này không cho thí sinh ghi vào khu vực này với lý do Bộ GD&ĐT chưa hướng dẫn. Việc làm này của Trường Đại học Lao động Xã hội gây thiệt hại cho thí sinh, tạo bức xúc cho cả phụ huynh ngay khi nộp hồ sơ.
Trần Ngọc Nam, học sinh lớp 12c, Trường THPT Vũ Quang (Hà Tĩnh) đạt 23 điểm cho 3 môn thi. Nếu cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên khu vực miền núi, Nam đạt tổng cộng 24,5 điểm, "thừa sức" để lựa chọn cho mình một trường đại học thuộc tốp đầu của cả nước.
Tuy nhiên, khi các bạn cùng trang lứa đang “xoay như đèn cù” với việc nộp - rút - nộp hồ sơ tại các trường đại học, thì sáng 17/8, Nam chính thức nhập học vào Khoa Cơ khí (chuyên ngành kỹ thuật hàn) của Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức (Hà Tĩnh).
Chia sẻ về quyết định đầy bản lĩnh của mình, Nam cho biết: Việc lựa chọn trường nghề đã được em và gia đình bàn bạc, thống nhất từ khi bắt đầu lớp 12. “Nhà em ở Sơn Thọ (huyện Vũ Quang), có 2 anh em, bố mẹ làm nghề nông, đủ ăn, không giàu, không nghèo nhưng có thể nuôi em ăn học đại học. Tuy nhiên, em và bố mẹ đã thống nhất chọn trường nghề vì sau khi ra trường nếu không xin được vào làm ở nhà máy, xí nghiệp thì cũng có thể tự mở xưởng để kiếm sống”.
Với những quyết định được coi là mở, việc tuyển sinh năm nay hiện được đánh giá là thất bại. Những bức xúc cho thí sinh và gia đình các em đáng lẽ không để xảy ra nếu như sẽ được Bộ GD&ĐT nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kỳ tuyển sinh theo hình thức mới.
Lê Mỹ
Theo