(Xây dựng) - Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 232/QĐ-BXD về việc ban hành chương trình hành động của Bộ Xây dựng về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị.
Mục tiêu của chương trình nhằm tăng cường hơn nữa việc thực hành tiết kiệm. Với 5 nội dung chủ yếu, chương trình hành động của Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, biện pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng cơ quan, đơn vị. Trong đó phải tập trung kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng và các dự án thuộc vốn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, lập, thẩm định phê duyệt các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành Xây dựng.
Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước cần phải lập, phân bổ, chấp hành dự toán thu chi ngân sách năm 2014 đúng quy định, tiêu chuẩn, định mức và các chính sách chế độ hiện hành, đảm bảo tính công khai, công bằng và minh bạch, cơ cấu chi ngân sách hợp lý, đảm bảo tiết kiệm ngay từ khâu phân bổ dự toán ngân sách, không bố trí dự toán các khoản chi chưa thực sự cần thiết và không hiệu quả…
Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý vốn đầu tư xây dựng, cần kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng và các dự án thuộc vốn ngân sách Nhà nước. Lập, thẩm định phê duyệt các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng.
Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tập trung bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2014. Không khởi công các dự án không có trong danh mục được phê duyệt, các dự án chưa bố trí được vốn. Không bố trí vốn xây dựng cơ bản dàn trải, các công trình dự án không có đủ nguồn kinh phí thực hiện, hạn chế nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Lựa chọn nhà thầu, tổ chức giám sát dự án đầu tư phải đảm bảo có đủ năng lực và theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án; xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Cụ thể, phải thường xuyên rà soát hiệu quả sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc hiện có. Thực hiện kiểm kê định kỳ, đột xuất và đánh giá tài sản theo quy định của Nhà nước. Thực hiện theo dõi, trích khấu hao, quản lý tài sản theo chế độ hiện hành. Việc mua sắm, sửa chữa tài sản phương tiện, thiết bị làm việc đảm bảo đúng chế độ quy định. Hạn chế tối đa việc mua sắm các trang thiết bị làm việc, phương tiện không thực sự cần thiết. Thực hiện mua sắm xe ôtô phục vụ công tác, xe phục vụ lãnh đạo theo đúng quy định của Bộ Tài chính tại Văn bản số 2133/BTC-QLCS ngày 19/2/2014 về việc hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2014.
Xây dựng kế hoạch điều chuyển tài sản giữa các cơ quan, đơn vị, từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc trong trường hợp đơn vị sử dụng tài sản, phương tiện làm việc không hiệu quả, không cần thiết. Việc sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc, nhất là xe ôtô đúng đối tượng, đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan có thẩm quyền ban hành; không sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan đơn vị cho cá nhân hoặc vào việc riêng.
Ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Thực hiện chương trình hành động của Bộ Xây dựng về tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Vụ đã tổ chức xây dựng các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công góp phần thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài ra còn tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách để hoàn thiện chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng. Đây là những hoạt động góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng hiệu quả đầu tư trong hoạt động xây dựng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Vũ Chiến
Theo