Thứ sáu 29/03/2024 08:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chọn đường

08:00 | 10/02/2021

(Xây dựng) - “Hào khí sông Đà” là một cụm từ để nói về khí thế của một lớp thanh niên trưởng thành từ công trường Thanh niên cộng sản xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Từ công trường tỏa đi các nơi, dù ở đâu họ vẫn giữ được tấm lòng son đối với sự nghiệp làm cho đất nước mạnh giàu. Kỹ sư Vũ Chí Mỹ là một trong những người như vậy…

chon duong
Các công nhân Công ty CP Thủy điện Long Tạo đang vận hành Nhà máy.

Cũng phải sau 5 năm, chúng tôi mới cùng kỹ sư Vũ Chí Mỹ - Phó tổng giám đốc Công ty CP BITEXCO năng lượng quay trở lại Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) và từ “đầu hồ” Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Long Tạo, đi thuyền máy lên đến “cuối hồ”. “Cuối hồ” là cách gọi của những người xây dựng thủy điện để gọi vùng nước kết thúc phần nước dâng hình thành do dòng sông - suối bị đập thủy điện chặn lại.

Hôm ấy, ngày 11/12/2020, trên lòng hồ Long Tạo, hai chiếc thuyền máy do Giàng A Lùng ở bản Huổi Lúng xã La Sang huyện Mường Chà, và Vừ A Gấu bản Thẩm Mú xã Pu Xi lái, nối đuôi nhau lướt trên mặt hồ, nom thật vui. Chúng tôi hỏi Giàng A Lùng: “Người Mông mình trên núi cao, không có sông lớn, lái thuyền không sợ à?”- “Không sợ đâu, vì mình đã tập bơi rồi, biết bơi rồi”- Giàng A Lùng trả lời. Năm nay 31 tuổi, đã từng học đến lớp 11, không đi bộ đội được nên ở nhà, lấy vợ đẻ được 5 con. Đó là lời tự giới thiệu của A Lùng. Giàng A Lùng kể: “Cái thuyền này mới sắm hôm 26/10, mua về là đưa vợ con đi chơi trên hồ. Cả bản chưa ai có đâu”.

chon duong

Khi kết thúc vùng lòng hồ, đã rất gần với QL12 từ Mường Chà đi TP Điện Biên Phủ. Mấy bản ven sông đã có điện lưới quốc gia. Những vạt rừng cao su đang lên xanh tốt. Hai bên bờ thấp thoáng những chiếc xe máy chạy, đèo hai đèo ba, có đoạn còn thấy cả xe ôtô 4 chỗ ngồi chạy. Vừ A Gấu bảo: Xe là của người trong bản đấy. Chúng tôi gặp một bãi đá cạn và một ghềnh lớn đành phải từ bỏ ý định đi đến tận cùng của dòng Nậm Mức. Phía bờ phải của hồ là cầu treo Huổi Nha cách QL12 chừng 3 cây số. Cũng không còn xa nữa, nhưng phải theo đường bộ.

Sông Nậm Mức là hợp lưu của hai con suối Nậm Chim và Nậm Ty trên biên giới Việt - Lào, trở thành phụ lưu của sông Đà, chảy qua địa phận hai huyện Mường Chà và Điện Biên của tỉnh Điện Biên, đổ vào sông Đà ở xã Xá Tổng huyện Mường Chà. Trên mấy chục cây số, hai bên đều là đồi núi, có ít rừng tái sinh, lưa thưa mấy bản người Thái, người Mông. Nước hồ dâng cao, lác đác cây rừng bị ngập. Những rặng chuối lá úa vàng chạy thành một vệt dài ở mép sông. Thi thoảng có một vài bông hoa chuối đỏ tươi lấp ló. Thấp thoáng trên mặt nước là những bông lau phơ phất. Ở một khúc quanh, những vạt hoa cúc quỳ soi bóng xuống mặt hồ… Và những bụi cây thầu dầu quả trĩu chịt trên cành… Bứt một chùm thầu dầu, Vũ Chí Mỹ than rằng vùng hồ như thế này, làm gì có rừng, có gỗ mà “người ta” cứ kêu làm thủy điện phá rừng. Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi vạt lá chuối làm chiếu, ngồi ăn với nhau bữa cơm xôi nếp và thịt nướng. “Rừng chuối này có chủ nhưng không ai chăm sóc. Đây vốn là đất rừng, bà con đốt nương làm rẫy, rồi bỏ, lâu dần chuối mọc… Khi lên phương án đền bù, trên bản đồ thì địa phương bảo “có rừng”. Nhưng thực tế thì là đất trống đồi núi trọc…”, - Vũ Chí Mỹ giải thích cho chúng tôi rõ.

chon duong
Đêm giao lưu văn nghệ chào mừng 35 năm thành lập Tập đoàn Bitexco.

Dự án thủy điện Nậm Mức ban đầu chủ đầu tư không phải là Tập đoàn BITEXCO. Họ khởi công xong để đấy mấy năm và được BITEXCO mua lại. Khi ấy BITEXCO vừa hoàn thành việc xây dựng NMTĐ Nho Quế 3 (công suất 110 MW) trên sông Nho Quế thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Trên đà thành công, nên mua lại dự án Nậm Mức. Người chủ trì và trực tiếp thi công hai công trình này là kỹ sư Vũ Chí Mỹ.

Chúng tôi biết Vũ Chí Mỹ từ công trường xây dựng NMTĐ Nậm Mu ở huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang. Kỹ sư Vũ Chí Mỹ người thấp nhỏ, giọng nói rủ rỉ. Lúc nào cũng thấy anh gắn với chiếc mũ bảo hộ và đôi ủng. Vũ Chí Mỹ đưa chúng tôi đi hiện trường. Từ QL2 chiếc xe con hai cầu rẽ theo đoạn đường thi công, cứ thế vượt dốc đi lên tới nơi thi công hố móng đập thủy điện Nậm Mu. Vũ Chí Mỹ bảo: điểm Nậm Mu đã có vài nhà đầu tư tìm đến nhưng họ đều lắc đầu vì không tìm được đường lên vị trí có thể xây dựng đập thủy điện. Khi Sông Đà 9 quyết làm công trình này, Vũ Chí Mỹ đã lặn lội cả tuần cùng anh em đi khảo sát, cuối cùng đã vạch được tuyến đường lên. Tiếp đó là những tháng ngày vất vả làm đường lên hố móng đập thủy điện, xuống bể điều áp và tuyến đặt đường ống áp lực… Tất cả đều bằng cơ giới chứ sức người sao làm xuể… Chỉ có thế mới đảm bảo việc thi công thắng lợi… Đi thực địa về, Vũ Chí Mỹ mở máy tính giới thiệu cho chúng tôi toàn cảnh thi công nhà máy và vị trí từng hạng mục. Vào khoảng đầu những năm 2000, việc mô phỏng hiện trường trên máy tính còn rất mới mẻ, mà Vũ Chí Mỹ là một trong những người sớm sử dụng thành thạo thao tác này.

chon duong
Ông Vũ Chí Mỹ - Phó tổng giám đốc (ở giữa) Công ty CP Bitexco năng lượng chụp ảnh chung với hai nhà báo tại cuối hồ thủy điện Long Tạo.

Thời gian đó, người ngoài cuộc còn choáng ngợp trước tầm vóc to lớn của NMTĐ Hòa Bình vừa hoàn thành. Họ không hình dung được việc xây dựng các NMTĐ, dù công suất vừa hay nhỏ, đều phải tuân thủ các trình tự như công trường Hòa Bình. Nên người người thi nhau chạy dự án và đa phần được duyệt xong thì “bán lại” ăn phần chênh lệch. Tai tiếng từ đấy mà ra và rất oan cho những công trường làm ăn bài bản, đạt hiệu quả kinh tế cao, có tác động xã hội tốt như những công trường mà Vũ Chí Mỹ đã tham gia. Chứng kiến công trường xây dựng NMTĐ Nậm Mu, càng thêm biết ơn Đảng và Nhà nước Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo được một đội ngũ những người biết xây dựng thủy điện, mà Vũ Chí Mỹ là một ví dụ.

chon duong
Thủy điện Long tạo đã tạo ra một vùng hồ nuôi tôm, cá, vùng du lịch cải thiện đời sống nhân dân.

NMTĐ Nậm Mu phát điện. Tiền thuế tài nguyên hàng năm của Nậm Mu đủ để tỉnh Hà Giang trả lương cho giáo viên trong tỉnh. Còn gì vui hơn? Vũ Chí Mỹ quay lại công trường xây dựng NMTĐ Sơn La, tham gia vào việc đào hố móng kênh dẫn dòng, hố móng nhà máy, ngăn sông Đà đợt 1. Chính anh là người có công lớn trong việc chống cơn lũ cuối mùa đột xuất tối 29 và ngày 30/10/2005, khi mà đê quai cống dẫn dòng vừa mới được hạ thấp chuẩn bị cho ngày ngăn sông 01/12. Sau này, khi đã thân nhau, Mỹ mới kể cho chúng tôi nghe rằng khi ấy, ở thượng lưu đê quai, đứng bên cạnh kỹ sư Nguyễn Kim Tới, giám đốc ban điều hành tổng thầu dự án thủy điện Sơn La quan sát dòng nước dữ, Mỹ đã đề nghị tập trung đổ những khối đá hộc lớn để gia cố thân đê thay vì đổ đất xuống bị nước cuốn trôi ngay. Đê quai đã được cứu và ngày khởi công NMTĐ Sơn La và ngăn sông Đà đợt 1 đã diễn ra theo đúng kế hoạch.

Cũng thời gian này, Chủ tịch Tập đoàn BITEXCO Vũ Quang Hội mời Vũ Chí Mỹ về phụ trách việc xây dựng NMTĐ Nho Quế 3 ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. “Hào khí sông Đà” đã thôi thúc kỹ sư Vũ Chí Mỹ dám nhận trách nhiệm xây dựng nhà máy, một công trình còn khó hơn làm “đường vào nước Thục”. Vũ Chí Mỹ đã cùng các đồng nghiệp trẻ tuổi thắt dây bảo hiểm quanh người, lần theo những vách đá thẳng đứng bên bờ Nho Quế để tìm đường vào. Vạch xong tuyến là tới phần thi công, hơn một năm trời ròng rã, đường vào vị trí đào hố móng đập thủy điện mới thông.

Khi công việc ở Nho Quế 3 đã có phần thông thoáng, trong một lần đi hiện trường, chúng tôi hỏi Vũ Chí Mỹ: Điều gì làm nên thành quả này? Không chần chừ, Vũ Chí Mỹ trả lời: Đó là niềm tin của người lãnh đạo. Giao cho Vũ Chí Mỹ toàn quyền phụ trách công trường, Chủ tịch Vũ Quang Hội hơn một năm liền không đặt chân tới Nho Quế trong khi tiền vốn vẫn rót đều để công trường hoạt động.

Ra vậy. Nhưng cũng phải nói lại rằng Vũ Quang Hội phải cảm ơn Vũ Chí Mỹ, người đã đi đứng mũi chịu sào trong một lĩnh vực mới mà BITEXCO không thạo. Từ thành công của Nho Quế 3, BITEXCO mua lại các dự án thủy điện Nho Quế 1 và 2 ở Hà Giang, dự án Nậm Mức ở Điện Biên và nhiều dự án thủy điện khác, để đến năm 2020 này, doanh thu từ các NMTĐ do BITEXCO làm chủ, đứng thứ hai trong các nguồn thu của BITEXCO.

Những lúc đi hiện trường là những lúc câu chuyện giữa chúng tôi và Vũ Chí Mỹ liên miên không dứt. Từ chuyện mới tốt nghiệp Đại học Xây dựng, năm 1981 Vũ Chí Mỹ được phân về công trường Thanh niên cộng sản Hòa Bình như thế nào, đến chuyện những ngày biệt phái giúp công trường xây dựng NMTĐ Nà Hang ra sao. Từ việc chủ động đề xuất thay đổi thiết kế với bên khảo sát thiết đến chuyện đi gặp dân, gặp cán bộ địa phương, thuyết phục họ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công. Từ chuyện lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho Thuỷ điện Nho Quế 3 đến việc làm cách nào để vận chuyển những thiết bị hàng trăm tấn đến tận công trường… Nắm vững chuyên môn kỹ thuật, đi sâu đi sát hiện trường, biết đoàn kết khơi dậy sức mạnh của những người quanh mình, sống rất có tình… đó là những gì mà anh chị em công nhân viên dưới quyền nhìn thấy ở Vũ Chí Mỹ.

chon duong
Toàn cảnh cửa nhận nước Nhà máy Thủy điện Long Tạo.

Ngày 11/12/2020, khi cùng chúng tôi đi đến tận “cuối hồ” Long Tạo, Mỹ tâm sự rằng: “Có lẽ đây cũng là “cuối hồ” rồi các anh ạ”. Tôi hiểu ẩn ý trong lời nói của Mỹ. Cơn bão phê phán việc xây dựng các NMTĐ vừa và nhỏ thời gian qua đã và đang dẫn đến việc tạm dừng hoặc dừng hẳn nhiều dự án thủy điện. Công việc của những người thợ xây dựng thủy điện như Vũ Chí Mỹ sẽ ít dần. Nhưng từ thực tế những công trình thủy điện mà Vũ Chí Mỹ tham gia xây dựng từ đầu hay đại tu, cải tạo nâng cấp những nhà máy cũ từ khi Mỹ về BITEXCO cho thấy Vũ Chí Mỹ sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách.

“Cái chính là vượt qua được chính mình”. Vũ Chí Mỹ có lần tâm sự. Mỹ không nói nhiều nhưng chúng tôi hiểu những thăng trầm, những cái chưa được như ý của Mỹ… Nhưng có một điều an ủi rằng nghề xây dựng thủy điện đã chọn Vũ Chí Mỹ và anh đã làm tròn vai của mình ở bất cứ cương vị nào. Cả tuổi trẻ của anh đã gắn với sự nghiệp “làm ra điện cho Tổ quốc”. Nhìn thấy hiệu quả kinh tế của những công trình thủy điện mà Mỹ tham gia đối với địa phương, đối với đồng bào vùng cao là thấy vui. Lại muốn làm thêm nhiều hơn. Bây giờ, chấp chới ở ngưỡng tuổi 60, tuy sức khỏe có phần không được như xưa, nhưng bước chân của Vũ Chí Mỹ còn dẻo lắm. Những người làm thủy điện muốn thành công, điều quan trọng đầu tiên là phải biết chọn đúng đường, vạch đúng tuyến. Với Vũ Chí Mỹ, anh còn biết chọn đúng con đường mình đi và kiên trì đi theo con đường ấy.

Những ngày ở thủy điện Nậm Mức và Long Tạo, chúng tôi gặp khá nhiều người quen. Nhiều kỹ sư ngày nào mới lên “xin việc” ở công trường Nho Quế 3, nay đã là những cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chủ chốt ở hai nhà máy. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ai cũng nói một câu rằng “chúng em đi theo anh Mỹ”. Sức lan tỏa từ Vũ Chí Mỹ là vậy.

Tin rằng điểm “cuối hồ” Long Tạo lại là điểm khởi đầu cho những “đầu hồ” mới trên con đường mà Vũ Chí Mỹ đã chọn.

Trương Cộng Hòa - Tào Khánh Hưng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load