Nhiều chợ cóc ở Hà Nội đã bị dẹp bỏ nhưng chợ Trời vẫn tồn tại bởi ở đây có số lượng lớn hộ kinh doanh, việc giải tỏa rất khó.
Chợ trời có đủ mọi thứ |
Theo ông Trần Ngọc Thành (khu tập thể Nguyễn Công Trứ) từ hơn chục năm trước, mất bu gi, “mặt nạ”, biển số xe máy, gương, lô gô ô tô… đều có thể mua được tại chợ Trời. Như ông Thành, là người dân trong chợ Trời nhưng chính ông cũng từng phải mua lại đồ của mình do lơ là để xe ngoài cửa.
Theo lãnh đạo UBND phường Phố Huế, đăng ký kinh doanh tại chợ Trời có gần 800 hộ kinh doanh. Con số này tính cả các hộ là gia đình có nhà, bán hàng, sinh hoạt tại chỗ. Phường có nhiệm vụ phối hợp với Ban quản lý chợ để kiểm tra, rà soát các hộ kinh doanh. Nhưng nhiệm vụ chính thuộc Ban quản lý chợ Hòa Bình. Địa phương phối hợp với BQL chợ để thực hiện các chuyên đề đảm bảo trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy…
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, để Chợ Trời tồn tại, lụp xụp, mất mỹ quan không ai mong muốn. Từ hơn chục năm trước, từ khi quận Hai Bà Trưng vẫn chưa tách một phần để thành lập quận Hoàng Mai, quận đã có kế hoạch di dời khu chợ này. Năm 2010, UBND TP Hà Nội có chủ trương xoá chợ cóc, chợ tạm. Quận đã dẹp được các chợ Nguyễn Cao, Cao Đạt… nhưng chợ Trời vẫn tồn tại bởi ở đây có số lượng lớn hộ kinh doanh, việc giải tỏa rất khó. Ngoài ra, quận Hai Bà Trưng đã hết quỹ đất, không thể di dời chợ lớn như vậy trên địa bàn. Do đó, quận phải xin ý kiến chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc bố trí nơi bán hàng cho gần 800 hộ kinh doanh tại chợ Trời.
Đại diện Đội Quản lý thị trường trên địa bàn cho biết, đội vẫn thường xuyên thực hiện công tác giám sát trên địa bàn chợ Trời và các tuyến phố lân cận. Có nhiều đợt kiểm tra phát hiện nhiều gương ô tô cũ, đội đã lập biên bản xử lý theo thẩm quyền. Tuy vậy, việc này cần có sự phối hợp hoặc chủ trì của lực lượng công an, bởi họ có nghiệp vụ, khai thác các đối tượng buôn bán. “Nếu chúng tôi kiểm tra hóa đơn để xử lý, họ nói là mua cũ của người bán chứ không nói là đồ trộm cắp, rất khó cho lực lượng QLTT”, đại diện Đội cho hay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Chung nói: “Bản thân tôi cũng từng phải nhờ người liên hệ với người trong chợ Trời để mua lại gương ô tô”. Lợi thế của việc này là mua đồ rẻ, đúng đồ mất cắp, không phải sơn lại theo màu xe. Tuy nhiên, việc này gián tiếp tiếp tay cho nạn trộm cắp hoành hành.
Theo ông Chung, chợ Trời sinh ra từ thời bao cấp, do nhu cầu “ngoài luồng” về tem phiếu. Đến nay, chợ phát triển không theo quy hoạch, mái che, mái vẩy, lồng sắt, ki ốt giăng khắp khu chợ khiến cho tình hình giao thông, an ninh trật tự, phòng chữa cháy… diễn biến phức tạp. “Khó chấp nhận một đô thị văn minh vẫn tồn tại mô hình như chợ Trời”, vị chuyên gia nói.
Theo TRẦN HOÀNG/Tienphong.vn
Link gốc: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cho-troi-o-ha-noi-nhieu-lan-vo-ke-hoach-di-doi-1678756.tpo