Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội nhiều dự án bị chậm tiến độ đều bắt nguồn từ vướng mắc trong công tác GPMB. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do thiếu quỹ nhà tái định cư (TĐC) khiến hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà TĐC thực hiện quá chậm so với tiến độ được phê duyệt. Điều này dẫn đến việc quỹ nhà TĐC thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí phục vụ GPMB theo đúng tiến độ.
Bài ca thiếu nhà TĐC cho các dự án GPMB có lẽ vẫn là câu chuyện "khổ lắm, nói mãi", bởi sau nhiều năm chúng ta vẫn chưa có quy hoạch đồng bộ về quỹ đất TĐC. Thực tế, thật éo le khi có những quỹ nhà đã hoàn thành chờ người đến ở lâu đến mức… nhà xuống cấp trước khi có người dọn đến. Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập khác trong xây dựng như bàn giao và sử dụng quỹ nhà TĐC. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà TĐC đều thực hiện quá chậm so với tiến độ được phê duyệt. Điều này dẫn đến việc quỹ nhà TĐC thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí phục vụ GPMB theo đúng tiến độ.
Cụ thể, số căn hộ đã sử dụng trong năm 2011 là 711 căn, nhưng còn tới 1.654 căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng. Số căn hộ chưa sử dụng đã bố trí cho các dự án, cụ thể: Dự án cầu Nhật Tân đã bố trí 360 căn tại nhà CT14 KĐT Nam Thăng Long nhưng chỉ sử dụng 210 căn, còn 150 căn chưa sử dụng; dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã bố trí 400 căn tại nhà B6, B10, A6 KĐT Nam Trung Yên đến nay chưa sử dụng; dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái đã bố trí 310 căn tại nhà B6, B10, A6 KĐT Nam Trung Yên đến nay chưa sử dụng và một số dự án nhỏ lẻ khác...
Trong khi đó, một số dự án lớn lại chưa cân đối được quỹ nhà TĐC như: Dự án đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, nhu cầu cần khoảng 3.500 căn, dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn (Q.Tây Hồ) nhu cầu cần khoảng 900 căn hộ, dự án công viên Yên Sở nhu cầu cần khoảng 500 căn… Ngoài ra hiện còn rất nhiều dự án chậm tiến độ như: Khu nhà ở di dân Hoàng Cầu (Đống Đa), khu di dân Đền Lừ III (Hoàng Mai), dự án X1, X2 P.Hạ Đình, Thanh Xuân...
Trước thực trạng trên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện lên phương án xây dựng một số khu nhà TĐC tập trung trên địa bàn. Tại cuộc họp nhiều đại diện cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là hiện có nhiều dự án xây dựng chung cư cao tầng, nhà ở để bán, nhưng việc TĐC phục vụ công tác GPMB của chính dự án đó lại bị chủ đầu tư các dự án đùn cho huyện và TP bố trí? Được biết, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cho phép điều chỉnh quỹ nhà TĐC đã bố trí cho các dự án bị chậm tiến độ 12 tháng, chuyển cho dự án khác đang có nhu cầu sử dụng ngay để giải quyết tình trạng nhà TĐC chờ dự án.
Nếu dự án nâng cấp và mở rộng đường Tam Trinh phải cần tới hơn 1.500 căn hộ TĐC.
Ông Nguyễn Mạnh Hoàng - Chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai cho biết, chỉ tính riêng 2 dự án nâng cấp và mở rộng đường Tam Trinh và Lĩnh Nam đã cần tới hơn 1.500 căn hộ TĐC. Cụ thể, dự án mở rộng nâng cấp đường Tam Trinh có 600 hộ dân trong diện GPMB, còn đường Lĩnh Nam lên tới 900 hộ dân. Quận lên kế hoạch cuối năm 2011 đầu 2012 tiến hành GPMB để thực hiện dự án nhưng khi trao đổi với Sở Xây dựng được biết phải đến năm 2013 mới có quỹ nhà TĐC.
Ông Trần Công Thanh - cán bộ hưu trí Cty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, quỹ đất 20% tại các KĐT dành cho dự án nhà TĐC đều GPMB rất chậm. Bởi đa số chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ GPMB phần đất kinh doanh của mình, còn đất dành cho TĐC hay hạ tầng xã hội thì lơi là, đùn đẩy.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, sở dĩ có tình trạng dự án cần thì không có nhà TĐC, dự án có nhà TĐC thì chưa cần là vì tiến độ GPMB của một số dự án trọng điểm quá chậm so với kế hoạch. Dự án căn hộ TĐC đã được giới thiệu cho các chủ đầu tư thực hiện GPMB, do đó cũng không thể đưa vào khai thác, sử dụng. Hệ quả là chính các tòa nhà TĐC chờ dự án này xuống cấp theo thời gian. Nhà nước phải bỏ kinh phí để sửa chữa, bảo hành, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách.
Hiện TP Hà Nội đã phê duyệt 9 KĐT phục vụ TĐC tập trung với diện tích xây dựng hàng trăm héc-ta, dự kiến khởi công trong năm 2011 và 2012 gồm: Khu TĐC diện tích 37,5ha xã La Phù (huyện Hoài Đức); 15ha xã Thượng Cát (huyện Từ Liêm); 6,8ha P.Thịnh Liệt (Q.Hoàng Mai); 15 - 20ha khu X2 xã Kim Chung - Đại Mạch (huyện Đông Anh); 13ha khu X1 thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); 20ha khu X3 xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn); 20ha khu X1 xã Tứ Hiệp và 26,9ha khu X2 xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì); 20ha khu L27 thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín); 38,7ha khu Đông La - La Phù (huyện Hoài Đức). Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội: Giai đoạn năm 2011 - 2015, TP cần khoảng 20 nghìn căn hộ TĐC, tương đương 1,6 triệu m2 sàn, với kinh phí khoảng 13 nghìn tỷ đồng (chưa kể phần hạ tầng). Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng căn hộ TĐC rơi vào khoảng 30 nghìn căn, tương đương 2,4 triệu m2 sàn, kinh phí khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Với tiến độ các dự án TĐC đang triển khai, TP không thể đáp ứng được số căn hộ TĐC cho những dự án lớn. Sở Xây dựng đề nghị TP cho phép điều chỉnh quỹ nhà TĐC đã bố trí cho các dự án bị chậm tiến độ 12 tháng, chuyển cho dự án khác đang có nhu cầu sử dụng ngay để giải quyết tình trạng nhà chờ dự án; đồng thời cho phép áp dụng linh hoạt nhiều phương án TĐC. |
Thành Nam
Theo baoxaydung.com.vn