(Xây dựng) - Ba giờ sáng tỉnh dậy không ngủ tiếp được. Phố vẫn chìm trong tĩnh lặng. Ngoài cửa sổ thỉnh thoảng một cơn gió ngang qua khiến cành lá xoài va chạm nhau xào xạc. Cảm giác hơi lạnh, Nguyên với tay lấy cái chăn mỏng đắp ngang bụng cho bớt trống trải. Cạnh nhà Nguyên, cô hàng xóm có sạp bán rau củ ngoài chợ cũng đã lạch cạch mở cổng ra chợ sớm. Xa xa vọng đến tiếng í ới, giục giã gọi nhau của một gia đình nào đó, chắc là bắt đầu về quê xa. Nguyên lại nôn nao tìm về với hoài niệm xưa cũ... nhớ về thủa thơ ngây ấy... cái thủa lên mười, mười mấy xa xôi...
Hồi ấy còn nghèo và thiếu thốn đủ thứ. Cái nghèo chung của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ai nên cũng vì thế mà chợ cũng ít. Bữa cơm gia đình chủ yếu dùng các thực phẩm tự nuôi, trồng nên khi nhà phải có sự kiện hoặc giỗ tết mới được đi chợ. Năm nào cũng vậy, cứ đến hai tám tết là ngày mẹ đi chợ để sắm tết cho gia đình. Nhà Nguyên đông anh chị em, đứa nào cũng mong muốn được theo mẹ đi chợ và để công bằng mỗi năm mẹ lại chọn một đứa đi theo và năm ấy mẹ chọn Nguyên. Cả đêm không trọn giấc vì háo hức, mong ngóng, cảm giác nôn nao, bồn chồn lắm.
Năm giờ sáng, trời còn tối đen như mực. Chỉ có tiếng gà le te gáy để báo hiệu đêm sắp qua. Trời đang lúc cuối đông... Những cơn mưa phùn buốt lạnh không làm con bé mười tuổi là Nguyên chùn bước. Mẹ vừa trở mình thức giấc ở giường bên là Nguyên cũng bật dậy theo. Mẹ mỉm cười ra dấu yên lặng để cả nhà ngủ, rồi cầm tay kéo Nguyên lách nhẹ qua cánh cửa. Trời chưa kịp sáng, chỉ nhìn thấy mọi vật lờ mờ, Nguyên bước những bước chênh chao, khi cao khi thấp vì tối, tay nắm chặt lấy cái quang gánh nhẹ tênh mẹ gánh trên vai. Chẳng hề cảm thấy mỏi chân, rét mướt. Cứ ngửa mặt đón từng hạt mưa nhỏ li ti thi nhau áp vào đôi má tuổi thơ non nớt, ríu rít đủ thứ chuyện mà chẳng cần để ý rằng mẹ chỉ trả lời những câu hỏi ngô nghê của Nguyên một cách qua quýt thôi, vì mẹ còn bận tập trung vào con đường phía trước, kịp thời ngăn bước chân Nguyên tránh xa vài vũng nước, vài hòn đất, đá to chắn lối. Có lúc thấy câu hỏi không nhận được lời đáp. Nhìn lên thấy mẹ đang mỉm cười, con bé mười tuổi lại tíu tít bày đặt thông minh đoán: "Mẹ! Phải mẹ đang nghĩ khi đến chợ mẹ sẽ mua những gì không hả mẹ?".
Ba cây số đi qua cái vèo. Chợ kia rồi! Chẳng phải siêu thị hay các khu trung tâm mua sắm như bây giờ. Một bãi đất trống với những hàng quán lụp xụp được che đậy bởi đủ các loại nguyên vật liệu. Cơ man là rau, là quả. Lá dong xanh nuột nà xếp thành từng đống cao ngất, hàng thịt trải dài và những chú cá trong thùng vẫy đạp tung tóe. Nguyên mở tung lồng ngực hít hà mùi bánh rán thơm phức được toả ra từ cái chảo đầy mỡ đang sôi, bụng bỗng réo ầm lên và chân như chẳng thể rời đi được nữa. Thế là món hàng đầu tiên mẹ mua trong buổi chợ là một cái bánh rán thơm lừng.
Ngập dòng kí ức tuổi thơ của Nguyên là mảng màu nổi bật của những manh áo hoa đủ màu sắc. Cái gì Nguyên cũng thích, cũng muốn, nhưng cứ đứng lại ngắm nhìn là lại nghe tiếng mẹ gọi, lại giật mình tiếc rẻ quay đi.
Rồi cái gánh của mẹ cũng đầy. Nào là vài quả bưởi, nải chuối xanh, vài quả quất vàng hoe màu nắng để mẹ bày mâm ngũ quả. Một chùm cau, vài hộp mứt mà trong đó Nguyên thích nhất là viên kẹo trắng tròn như cái trứng chim. Rồi lá dong, khoai tây, xu hào và cả thịt heo nữa. Một cái gói được bọc kĩ, trong đó là hai câu đối đỏ mà mẹ kỹ lưỡng lựa chọn. Mẹ tỉ mẩn chọn cho ba chị em gái mỗi đứa một tấm áo hoa, mẹ kỹ lắm cứ đưa lên ướm vào người Nguyên, lại hạ xuống xem đi xem lại rồi mới quyết định chọn ba chiếc áo ba màu hoa khác nhau, cái nào cũng tươi tắn. Cô bán hàng cẩn thận gói kỹ vào một tờ báo, mẹ nâng niu một lúc rồi đưa cho Nguyên. Nguyên vui sướng ôm chặt, hít hà mùi vải mới một cách mãn nguyện.
Rồi cũng đến lúc phải theo mẹ ra về. Nguyên tần ngần nuối tiếc, mong mẹ mua thêm nhiều nữa. Cái gánh của mẹ so với những thứ bày bán ở đây thì còn thiếu nhiều mà? Mẹ chưa mua áo mới cho mẹ, cho bố, chưa mua bóng bay cho em, cả giầy dép Nguyên cũng rất thích. Thức ăn bán khắp chợ, rất nhiều thứ sao mẹ mua ít thế?
Nguyên mang theo tâm trạng tiếc rẻ rời chợ theo mẹ ra về. Bàn tay nhỏ vẫn níu chặt dây quang gánh như càng làm vai mẹ trĩu nặng hơn. Đường về nắng đã bao trùm, hai bên đường, những đám mạ non xanh mướt đọng sương sớm gặp ánh nắng thêm long lanh. Thấy Nguyên cứ phụng phịu bên cạnh, mẹ dừng lại nhìn Nguyên bật cười, cốc nhẹ vào đầu Nguyên một cái, móc từ trong túi áo một chùm xanh đỏ đưa ra trước mặt Nguyên. Mắt Nguyên bất chợt sáng rỡ. Ôi, là những chú Tò he dễ thương, mẹ mua khi nào mà Nguyên không biết. Một, hai, ba... nhiều quá và đủ màu sắc. Mọi thắc mắc, dỗi hờn phút chốc bay hết. Niềm vui òa vỡ, Nguyên lại ríu rít bên mẹ, lựa chọn, đếm chia, anh này, chị này, mình này, em này... Vui quá! Vậy là đủ cho tất cả anh chị em, mỗi người một chú Tò he rồi.
Năm ấy, trên con đường mùa Xuân, một cô gái nhỏ, mắt long lanh niềm vui, má hồng rực lên vì nắng hay bởi niềm hạnh phúc vô bờ được mang đến từ những điều tưởng như vô cùng bình dị ấy và cho đến tận bây giờ mỗi khi tết đến vẫn ngậm ngùi hoài niệm mãi chút niềm vui đã trót vùi sâu vào đôi quang gánh trên vai gầy của mẹ...
Tiếng chuông báo thức vang lên kéo Nguyên về hiện tại. Đã năm giờ sáng. Hôm nay ngày nghỉ nhưng Nguyên vẫn dậy sớm, nhẹ nhàng ra khỏi giường, mở tung cánh cửa hít căng vào lồng ngực bầu không khí trong lành buổi sớm mai, chải lại mái tóc rồi sang phòng của con gái. Đưa tay vén mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt con, nhẹ vỗ vào tay con, Nguyên thủ thỉ: Dậy thôi con, chuẩn bị cùng mẹ đi chợ sớm. Tết đã đến rất gần rồi!
Trần Bích Hường
Theo