Trước thông tin cho rằng, Cục Thú y Việt Nam đang thương thảo với Cục Thú y Trung Quốc để cho nhập khẩu sản phẩm gà thịt, gà giống 1 ngày tuổi vào Việt Nam, trao đổi với Dân Việt ngày 1/4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Đây có thể chỉ là đề xuất của một cá nhân, chưa được Bộ NNPTNT thông qua”.
Trước đó, trong một hội thảo song phương giữa Cục Thú y Việt Nam và cơ quan thú y Trung Quốc, phía Việt Nam đã đề xuất cho nhập khẩu chính ngạch sản phẩm gà thịt và gà giống 1 ngày tuổi của Trung Quốc vào Việt Nam. Ngược lại, phía Trung Quốc sẽ mở cửa cho thịt heo (lợn) và thịt bò từ Việt Nam. Vấn đề này đã khiến cả người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước lo ngại.
Cho nhập là “giết” người chăn nuôi
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ đang rất bức xúc trước thông tin Việt Nam sẽ mở cửa cho gà Trung Quốc nhập vào Việt Nam. “Việc chăn nuôi gà những năm qua luôn trong tình trạng “lận đận”, bấp bênh, cạnh tranh khốc liệt, nay lại thêm thông tin có thể cho nhập khẩu chính ngạch gà thịt từ Trung Quốc, người chăn nuôi Việt Nam coi như… tới đường cùng”- ông Ngọc nói.
Cho nhập gà Trung Quốc, người chăn nuôi trong nước sẽ “chết” (ảnh ông Lý Văn Tiệp, chủ trang trại chăn nuôi gà ở Đại Từ, Thái Nguyên chăm sóc đàn gà của gia đình). Ảnh:Trần Quang
Theo phân tích của ông Ngọc, lo ngại lớn nhất là chất lượng gà Trung Quốc không đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh, kháng sinh, thuốc thú y trong sản phẩm… Trên thực tế, giá thành chăn nuôi của gà Trung Quốc khá cao, cao hơn Việt Nam từ 20 – 30% nên khó có thể cạnh tranh được nếu xuất khẩu vào Việt Nam. Chưa kể, Trung Quốc hiện vẫn chưa kiểm soát được dịch cúm gia cầm và nhiều bệnh khác.
"Ngành thú y không thể chỉ vì muốn “hợp tác chia sẻ kinh nghiệm thú y” mà mở cửa cho nhập khẩu gà Trung Quốc, không màn tới an toàn của người tiêu dùng và sự sống còn của ngành chăn nuôi. Trong nước, người chăn nuôi đã phải vất vã đấu tranh vì gà thải loại của Mỹ, của Hàn Quốc rồi, thêm gà Trung Quốc nữa, chắc tui bỏ nghề, đi làm mướn cho xong!” Ông Trần Văn Tiến |
Tuy nhiên, điều ông Ngọc lo lắng là Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn thịt gà giá rẻ từ Mỹ. Nếu Việt Nam thông qua chính sách cho phép nhập khẩu gà Trung Quốc, nước này sẽ xuất khẩu cả gà Mỹ thải loại vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập, tái xuất. Thịt gà thải loại nhập khẩu từ Mỹ cũng đã từng đẩy người chăn nuôi trong nước vào thế thua lỗ do không thể cạnh tranh lại thời gian dài vừa qua.
Ông Ngọc cho rằng, bản thân ông cùng hàng trăm hộ, trang trại chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ từ giữa năm 2015 đã phải cầu cứu tới Bộ NNPTNT, thậm chí, nhờ tới sự can thiệp của tòa án trong vấn đề kiểm soát gà thải loại nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam. Nếu bây giờ ngành nông nghiệp cho phép nhập khẩu gà thịt Trung Quốc, khác nào mở cửa “cõng rắn cắn gà nhà”?
Trong khi vụ kiện gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam chưa đi đến hồi kết, các biện pháp, hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu của Việt Nam, người tiêu dùng chưa thể an tâm vì chất lượng… thì cơ quan chức năng nên cẩn trọng trong việc “mở cửa” cho nhập khẩu.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Tiến – hộ chăn nuôi ở huyện Trảng Bom (Đông Nai) tỏ ra bức xúc trước thông tin cơ quan chức năng đàm phán cho phép nhập khẩu gà Trung Quốc. Ông Tiến cho rằng, hiện nay, từ cán bộ cho tới nông dân đều biết rằng, ngành chăn nuôi là ngành còn yếu kém nhất của Việt Nam khi hội nhập quốc tế, do đó, mọi hoạt động hợp tác quốc tế đều phải cẩn trọng, cân nhắc.
“Ngành thú y không thể chỉ vì muốn “hợp tác chia sẻ kinh nghiệm thú y” mà mở cửa cho nhập khẩu gà Trung Quốc, không màn tới an toàn của người tiêu dùng và sự sống còn của ngành chăn nuôi. Trong nước, người chăn nuôi đã phải vất vả đấu tranh vì gà thải loại của Mỹ, của Hàn Quốc rồi, thêm gà Trung Quốc nữa, chắc tui bỏ nghề, đi làm mướn cho xong!”- ông Tiến ấm ức.
“Chỉ là đề xuất cá nhân…”
Đã có nhiều ý kiến phản đối để xuất cho nhập khẩu gà Trung Quốc của Cục Thú y, rằng, Việt Nam chẳng có lợi ích gì trong việc cho phép nhập gà Trung Quốc.
Ông Kiều Minh Lực (Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam), cho rằng, việc cho phép nhập khẩu chính ngạch gà thịt và gà giống từ Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước, là nguồn thu nhập chính của hàng triệu nông dân Việt Nam.
Theo ông Lực, có thể xảy ra trường hợp Trung Quốc nhập khẩu gà giá rẻ từ Mỹ nhưng không sử dụng hết sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Việt Nam. Lúc này gà đã sắp hết hạn sử dụng, chất lượng bị giảm sút, chưa kể tình trạng tồn dư kháng sinh, hóa chất bảo quản cũng tăng lên, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là biểu hiện của gian lận thương mại, cần có biện pháp ngăn chặn, nghiêm cấm thay vì mở cửa cho nhập khẩu một cách “đường đường chính chính” như đề xuất của Cục Thú y.
Ông Trần Duy Khanh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cũng cho rằng, ông cực lực phản đối việc thúc đẩy nhập khẩu chính ngạch gia cầm và sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc trong thời điểm này. Nguyên nhân là một khi chính sách được thông qua, sẽ có các đối tượng sẽ lợi dụng chính sách này để hợp pháp hóa các sản phẩm nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới và việc tạm nhập tái xuất vốn rất bát nháo hiện nay.
Trong khi đó, trả lời NTNN, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, Bộ chưa hề nhận thông tin, báo cáo gì về vấn đề này từ phía Cục Thú y và cơ quan liên quan. Ông Tám khẳng định, vấn đề này có thể chỉ là đề xuất của một cá nhân nào đó trong ngành, chưa được Bộ NNPTNT thông qua.
“Làm sao có thể cho nhập khẩu được?. Chỉ mới là ý kiến của một cá nhân nào đó thôi!” - ông Tám nói.
Cho nhập khẩu gà Trung Quốc: “Chỉ là trao đổi sơ bộ” Trả lời báo chí mới đây, đại diện Cục Thu y cho rằng, trong thực tế, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đã và đang diễn ra, cụ thể là gà thịt, gà giống 1 ngày tuổi từ Trung Quốc sang Việt Nam và trâu, bò, lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận nào về xuất khẩu, nhập khẩu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm giữa hai nước. Do vậy, các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước đều là bất hợp pháp
Bà Hoàng Thị Chiên (xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: L.H.T Cũng theo Cục Thú y, hội nghị tổ chức tháng 1 vừa qua với sự hỗ trợ của FAO là hội nghị song phương lần thứ 4 về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới. Tại hội nghị, hai bên cũng đề cập giải pháp lâu dài để kiểm soát, giảm thiểu các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới hai nước. Theo đại diện Cục Thú y, việc trao đổi hiện nay mới chỉ dừng ở mức sơ bộ về chủ trương tại cuộc họp song phương giữa hai nước và chưa có kế hoạch cụ thể nào; Cục Thú y đang dự thảo báo cáo Bộ về kết quả cuộc họp song phương nêu trên để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Hiện tại, tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật đều phải theo quy định của quốc tế và quy trình đánh giá của nước nhập khẩu, cụ thể: Phải xác định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của quốc tế hoặc có sự tham gia, đánh giá của Tổ chức FAO. Tuy nhiên, Cục Thú y cũng thừa nhận về khả năng “phải” nhập gà Trung Quốc khi cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ngăn cấm thương mại quốc tế là rất khó, các nước chỉ có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thương mại, bảo hộ cho sản xuất trong nước. Việc này cũng không ngoại lệ với thương mại động vật, sản phẩm động vật, các hàng rào kỹ thuật sẽ giúp hạn chế sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. T.D |
Theo Thuận Hải/Danviet.vn
Theo