Thứ tư 09/10/2024 10:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Tác giả “Bài ca xây dựng” Hoàng Vân:

Cho đi là còn mãi

11:21 | 22/09/2010

Năm nay nhạc sỹ Hoàng Vân đã bước vào tuổi 80, với 60 năm liên tục viết, liên tục cho ra đời những nhạc phẩm vinh danh cuộc sống, tụng ca cái đẹp. Hiếm có người nào mà cuộc đời lại trìu mến ban tặng cho nhiều may mắn như ông. Ông là cây đại thụ tầm cỡ của dòng âm nhạc cách mạng.

Số lượng ca khúc mà Hoàng Vân đã viết từ tuổi 20 đến giờ không thể tính xuể. Những tác phẩm khí nhạc, nhạc kịch, nhạc phim cũng nhiều không kém. Với cả ngàn bài hát mà cả triệu người đã hát và đã nghe, số lượng được nhớ cũng nhiều không tính nổi. Với nghề, ông trọn vẹn trong tư cách một trong số rất ít nhạc sỹ mà tên tuổi gắn liền với nền âm nhạc Việt Nam. Như ai đó thường đùa thì nghe nhạc Hoàng Vân, cũng giống như “nghe nhạc hiệu biết chương trình” bởi nét rất riêng của một thương hiệu đã đi vào lòng người.

Với đời, ông là người nặng lòng với tất cả những ai từng gặp, từng biết. Yêu vợ đến mức như tôn thờ, biểu hiện ở bút danh Y - Na (Yêu Ngọc Anh - tên người bạn đời của ông) theo đến bây giờ, và yêu con cũng cháy lòng không kém, biểu hiện ở hàng loạt ca khúc nổi tiếng viết cho thiếu nhi mà xuất phát chỉ là những lời nhắc nhở con đến trường, yêu bạn kính thầy, ham học…

Tôi biết Hoàng Vân vào năm 1988, khi Nhà hát Cải lương Chuông vàng Thủ đô dựng vở đầu tay của tôi với tên Hoa quỳnh Phủ Chúa. Đạo diễn khi đó là NSƯT Phan Hồ sau khi đọc xong kịch bản liền nói “Kịch bản của mày chất Hà thành đậm lắm, phải tìm một nhạc sỹ lãng tử hào hoa đúng kiểu Hà Nội mới ra được. Theo tao nên mời Hoàng Vân”. Vậy là tôi và Phan Hồ lọ mọ đến Hàng Thùng tìm Hoàng Vân. Đã hơn 20 năm rồi, nhớ lại buổi tối ấy, tôi vẫn còn khiếp cái cầu thang lên nhà ông tối om với những tiếng cót két của xưa cũ. Hồi đó, tôi là kẻ tập tễnh vào nghề, ông đã là “cây cao bóng cả” trong làng âm nhạc. Sự cách bức quá lớn, lúc đầu khiến tôi ngại ngần. Nhưng chính Hoàng Vân đã chủ động phá đi khoảng cách ấy. Ông nói “Cùng người làm nghề, gọi nhau là anh em thôi”. Tôi gọi ông bằng anh dù kém ông gần 30 tuổi từ cái tối lọ mọ ấy, để hiểu thêm vì sao người ta lại yêu ông đến thế dù trong nghề ông nổi tiếng là người khó tính.

Có lần, tôi hỏi đùa ông: Anh Vân này, nhiều bài hát của anh, dân gian chế lại kiểu như “Thuốc để cạnh người, khi nào ngứa lên thì bôi”. Nghe thế, anh có giận không? Hoàng Vân nhẹ cười và đáp lại cũng nhẹ nhàng: Sao lại giận, hay chứ. Cái kiểu Folklore của dân mình càng nhuận sắc cho bài hát chứ sao.

Cũng có khi cuộc trao đổi giữa hai anh em nghiêm túc một cách sòng phẳng. Chẳng hạn, hỏi: Anh là người nổi tiếng với cả trăm bài hát nổi tiếng, có nhiều bài do đơn đặt hàng mà viết. Những bài ngành ca, tỉnh ca chẳng hạn. Nghiêm túc mà nói, sáng tác nó, anh có thấy thoải mái như viết những bài khác không?

Trả lời: Thời của chúng mình, ai tránh được việc sáng tác để phục vụ đối tượng cụ thể nào đó (HV không dùng từ đặt hàng - NV). Cậu viết kịch hay tớ sáng tác nhạc cũng vậy thôi. Cái chính là những điều được viết ra phải từ tâm hồn mình, trái tim mình. Nếu sự rung động là chung, thì có gì là riêng?

Thực lòng mà nói, thời điểm đó, tôi còn trẻ với những ấp ủ đầy tính cao ngạo nên chưa chịu lắm cách trả lời ấy. Sau này, lớn lên một chút, già thêm một chút, cay đắng thì thêm nhiều chút, ngẫm lại mới thấy anh cực kỳ có lý. Điểm xuất phát của một tác phẩm có thể khác nhau song đường đến với công chúng thì chỉ có một. Nếu ngòi bút khô cứng thì không thể khiến lòng người rung động.

Như nhiều người khác, Hoàng Vân là nhạc sỹ sống và sáng tác trong thời khó khăn nhất của đất nước. Nếu không có những “đơn đặt hàng” ấy thì cũng khó có điều kiện để anh có thể đến và hòa mình trong đời thực để từ đó cho ra đời những ca khúc bất hủ. Không phải bây giờ về “đầu quân” ở Báo Xây dựng tôi mới mê Bài ca xây dựng của anh. Trong số những “ngành ca, tỉnh ca” ấy, tôi thích nhất bài Quảng Bình quê ta ơi và Bài ca xây dựng.

Trường hợp ra đời của Bài ca xây dựng tôi không rõ lắm, song trường hợp Quảng Bình quê ta ơi thì khá rành. Những năm tháng ấy, Hoàng Vân đã sống như một ngư dân thực thụ. Cũng xuống thuyền ra khơi, cũng kéo lưới vá lưới, vất vả ra trò. Phải mất nhiều tháng Quảng Bình quê ta ơi mới viết xong và ngay lập tức nó được phát trên Đài TNVN và trở thành niềm tự hào của người Quảng Bình dù ở bất kỳ đâu, rồi được chọn làm nhạc hiệu cho Đài tỉnh và trở thành “Quảng Bình ca” từ khi nào chẳng rõ. Bạn bè vẫn thường đùa, anh là người đầu tiên tạo ra phong trào sáng tác “Tỉnh ca”, “địa phương ca” trong lịch sử âm nhạc nước nhà là vì thế. Sau này có thêm Nguyễn Văn Tý và nhiều người nữa nhưng danh hiệu “Người khai phá” vẫn thuộc về Hoàng Vân.

Nhưng dù sao viết “địa phương ca” cũng vẫn còn là dễ bởi có đủ thứ gợi ý chứ viết về “ngành ca” như Hoàng Vân cho đến lúc này cũng vẫn chưa có ai sánh bằng, nhất là ở những ngành công nghiệp nặng thoạt nghe đã thấy đầy khô cứng như mỏ, xây dựng, giao thông vận tải… Một serie bài hát kiểu này mang tên Hoàng Vân đã ra đời trong một thời gian không dài, và dù sau đó, qua bao nhiêu đợt sáng tác, có thêm bao nhiêu bài nữa, thì người thợ mỏ vẫn coi bài Tôi là người thợ lò là số 1, cánh thợ xây vẫn cứ yêu quý nhất Bài ca xây dựng, và Hoàng Vân được mặc nhiên vinh danh là người thợ lò, người thợ xây danh dự của cả hai ngành nghề đầy gian khó này.

Cái ngày dựng kịch với nhau, tôi vẫn thường gọi Hoàng Vân là “nhà thơ của những phần lời ca khúc có cánh nhất”. Trong các bài hát của anh, bài nào cũng được trau chuốt kỹ lưỡng đến không thể kỹ hơn về ngôn từ. Đọc lời ca trong Bài ca xây dựng, tôi hỏi anh “Đẹp thế mà sao buồn thế hả anh Vân. Nhà vừa xây xong, người thì dọn đến trong niềm vui, còn ngày mai những người thợ xây lại lên đường, để suốt đời chỉ thầm mong ước về một ngôi nhà cho riêng mình thôi sao?”. Và cái con người nhẹ nhõm, lịch lãm của Hà thành kia lại nhẹ cười, nhẹ đáp “Thì cũng như mình thôi, xong một bài hát, xong một vở kịch dâng tặng cho đời, lại lên đường đi tìm một bài hát mới, mơ ước về một vở kịch mới. Cho đi là còn mãi mà. Niềm vui hạnh phúc ở đó. Giống như Phật tổ vẫn dạy hỷ xả là hiến tặng, là đem lại niềm vui cho mọi người”.

Vâng, cho đi là còn mãi, cái chân lý tưởng chừng rất đơn giản ấy mà hiểu cho thấu đáo có khi cũng mất cả đời người. Đó cũng chính là cách hiểu của Hoàng Vân - người thợ xây cần mẫn - trong Bài ca xây dựng đã lập ngôn cho cả đời mình là luôn đem niềm vui riêng “chan hòa trong niềm vui chung như nước sông ra biển lớn”. Bằng niềm vui ấy, những người thợ xây đã hát “suốt bốn mùa, tôi vẫn xây, tiếng hát vui cho chúng tôi, tiếng hát vui cho các bạn”.

Với những lời hát ấy, Hoàng Vân đã viết, và đã hát liên tục 60 năm qua, hát đến hôm nay, và hát đến tận cùng trong sự CHO ĐI LÀ CÒN MÃI.

Nhạc sỹ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ sinh ngày 24/7/1930 tại Hà Nội. Tham gia kháng chiến từ năm 1946. Sáng tác từ năm 1951. Ca khúc đầu tiên để ra đời tên Hoàng Vân là Hò kéo pháo. Học tại Nhạc viện Bắc Kinh, Nhạc viện Sophia. Chỉ huy dàn nhạc Đài TNVN, giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, nhiều năm làm Ủy viên BCH Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Là một trong những nhạc sỹ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng với hàng nghìn tác phẩm trên mọi lĩnh vực ca khúc, giao hưởng, nhạc kịch, nhạc phim… Với những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Có 2 người con đều theo ngành âm nhạc. Con trai GS.Lê Phi Phi - Nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Macedonia. Con gái TS.Lê Y Linh - hiện đang hoạt động âm nhạc tại Pháp.

Phùng Dũng

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
  • Bắc Ninh: Sắp diễn ra Lễ hội bánh dân gian ba miền

    (Xây dựng) - Từ ngày 11-13/10, tại Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô (Khu công nghiệp Lâm Bình, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh tổ chức Lễ hội liên hoan bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mang thông điệp tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam tài hoa, những người gìn giữ và phát huy truyền thống làm bánh của dân tộc.

  • Có một Điện Biên trong lòng Hà Nội

    (Xây dựng) - Năm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 70 “Ngày bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô” (10/10/1954-10/10/2024). Những người dân Hà Nội ngày ấy, giờ cũng đã cao tuổi. Tôi may mắn được quen biết một gia đình người Hà Nội gốc, có người con cả đi bộ đội từ vùng tự do Hà Nam năm 1949, tham gia đánh trận Điện Biên Phủ và là một trong những chiến sĩ công binh (thuộc Đại đoàn Công pháo 351) được vào Hà Nội từ sớm, rà phá bom mìn, chuẩn bị cho bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. May mắn thay, ông gặp lại gia đình. Người em trai thứ hai của ông, Trương Hiếu, năm đó 15 tuổi, đã chứng kiến giây phút anh trai mình trở về cùng đoàn quân chiến thắng. Ông kể lại những sự việc này, như muốn nói với thế hệ hôm nay rằng: “Người Hà Nội là như thế. Với gia đình ông, có một Điện Biên trong lòng Hà Nội”.

  • Hà Tĩnh: Bãi bỏ Quy hoạch chi tiết mở rộng khuôn viên Khu di tích Nguyễn Công Trứ

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 2318/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Quy hoạch chi tiết 1/500 mở rộng khuôn viên Khu di tích Nguyễn Công Trứ.

  • Ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô”

    (Xây dựng) – Ngày 7/10, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024)”. Tác phẩm là sự nhìn nhận lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ 1954 đến nay và những mong muốn phát triển cho một Hà Nội trong tương lai.

  • Tái hiện mô hình di tích ở Hồ Gươm: Nên hay không nên?

    (Xây dựng) - Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, việc dựng lên các mô hình di tích lịch sử của Hà Nội ven hồ Hoàn Kiếm cho buổi lễ diễu binh, diễu hành đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số người thắc mắc: “Tại sao lại phải tái hiện những di tích vốn đã hiện hữu ngay tại Hà Nội?”. Thậm chí, có người còn gọi đây là “Hà Nội giả”.

  • Thừa Thiên – Huế: Đầu tư 73 tỷ đồng tu bổ, phục hồi di tích điện Thoại Thánh

    (Xây dựng) - HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, phục hồi thích nghi điện Thoại Thánh thuộc Quần thể di tích lăng vua Gia Long với tổng mức đầu tư hơn 73 tỷ đồng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load