Thứ tư 18/09/2024 08:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Chính sách hỗ trợ mua và cho thuê nhà tại các nước phát triển trên thế giới

06:13 | 25/06/2016

(Xây dựng) - Chính phủ các quốc gia phát triển trên thế giới như Đức, Nhật Bản, Singapore, Australia, Canada đã và đang xây dựng, áp dụng những chính sách, chương trình tiên tiến và hiệu quả nhằm hỗ trợ người dân trong việc mua và thuê nhà.

Singapore

Quản lý và phát triển nhà ở tại Singapore được coi là một trong những mô hình tiến tiến và đạt hiệu quả cao trên thế giới. Các chính sách phát triển nhà ở tại Singapore được đưa ra nhằm mục đích mọi cư dân đều có chỗ ở phù hợp với điều kiện cụ thể của mình.

Căn cứ vào hoàn cảnh của từng hộ gia đình, Chính phủ Singapore sẽ có những ưu đãi khác nhau, căn hộ càng nhỏ thì ưu đãi được hưởng càng nhiều. Thông thường người mua nhà chỉ phải thanh toán 20% giá trị của căn hộ, phần còn lại có thể dùng vốn tích lũy chung để thanh toán hết trong vòng 5, 10 hoặc 25 năm.

Về chính sách, Chính phủ Singapore có những chính sách, pháp luật đồng bộ và phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhà ở, tiêu biểu như chính sách mua nhà ở xã hội thông qua Quỹ Tiết kiệm nhà ở Central Provident Fund (CPF).

Tại Singgapore, CPF hoạt động như một hình thức tiết kiệm cho người lao động Singapore có nhu cầu về nhà ở. Quỹ CPF được thành lập từ năm 1955 để quản lý hệ thống quỹ tiền tiết kiệm bắt buộc, trong đó người lao động phải đóng góp tiết kiệm tiền lương tháng cho CPF (người lao động, công chức thu nhập thấp phải nộp 20% thu nhập/ tháng; người sử dụng lao động nộp 14%/ tháng).

Quỹ tiết kiệm này đã trở thành một nhân tố quan trọng để các chương trình nhà ở thực thi, người dân dùng tiền gửi tiết kiệm để mua căn hộ của Cơ quan nhà ở với giá rẻ hơn giá thị trường. Chính sách mua bán nhà ở cũng trở nên mềm dẻo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi, bán căn hộ cũ đổi lấy căn hộ mới khi có nhu cầu.

Quỹ CPF được sử dụng cho 3 mục đích chính là: chăm sóc y tế, trả lương hưu và cho vay mua nhà ở xã hội. Quỹ CPF cho vay đến 90% giá trị căn nhà xã hội với lãi suất rất thấp (không đặt mục tiêu kinh doanh) và được trả góp từ 25 – 30 năm. Người lao động trước khi nghỉ hưu 5 năm thì được rút 50% số tiền gửi tiết kiệm để mua nhà ở xã hội, phần còn lại sẽ được Chính phủ cho vay để mua nhà ở. Khi về hưu (đúng tuổi) sẽ được rút toàn bộ tiền đã gửi vào quỹ CPF. Mục đích của Quỹ CPF là không kinh doanh tiền tệ, đặt mục tiêu an sinh xã hội lên trên hết để mọi người dân mua được nhà ở xã hội và có cuộc sống tốt hơn từ lợi ích của Quỹ. Chính phủ có vai trò điều tiết vốn để đảm bảo hoạt động của Quỹ CPF theo đúng mục đích của Chính phủ về mục tiêu phát triển nhà ở xã hội.

 Sau năm 1971, Chính phủ đã đưa ra quy định về điều kiện chuyển nhượng nhà ở xã hội, theo đó, người mua nhà phải cư trú trong một thời gian nhất định thì mới có thể chuyển nhượng. Thời kỳ đầu Chính phủ thu thuế chuyển nhượng, nhưng đến năm 1985 đã bãi bỏ việc thu thuế này. Bước sang đầu thế kỷ XXI, Chính phủ Singapore đã cho phép tư nhân phát triển và kinh doanh nhà ở thương mại theo cơ chế thị trường để thỏa mãn nhu cầu về nhà ở ngày càng cao của người dân Singapore.

Singapore đã thực hiện hiệu quả cơ chế phân phối nhà ở dựa theo tình trạng nguồn cung nhà ở trong từng giai đoạn. Hiện nay diện tích nhà ở bình quân của Singapore là hơn 25m2/người. Ngoài ra, Singapore chỉ xây dựng nhà khi có tới 70% số người đặt trước. Các chung cư không chỉ đáp ứng nhu cầu tiện nghi, thuận lợi cho sinh hoạt mà còn có thiết kế độc đáo.

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã nhận thức từ rất sớm vấn đề “an cư lạc nghiệp” của người dân ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và vấn đề về nhà ở đã trở thành vấn đề chiến lược đầu tiên cần giải quyết.

Trong thời kỳ đầu sau chiến tranh, chính sách nhà ở của Nhật Bản chú trọng việc tăng nguồn cung nhà ở cho các hộ chưa có nhà. Đối với những người có thu nhập cao, Chính phủ Nhật cung cấp tín dụng và ưu đãi cho vay dài hạn với lãi suất thấp để khuyến khích người dân mua nhà ở trên thị trường. Người có thu nhập trung bình và thấp được đăng ký mua nhà ở xã hội do Nhà nước xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.

“Quỹ nhà đất” thành lập năm 1950 trực tiếp cho người cần mua nhà vay với lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian dài. Từ năm 1950 tới năm 2006, đã có tới trên 19 triệu hộ gia đình vay tiền mua hoặc xây nhà. Năm 2010 khoản kết dư cho vay mua, thuê nhà tới 30.000 tỉ Yên, chiếm 30% tổng quỹ nhà đất. Kể từ năm 1970 tới nay, Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xây dựng nhà ở cho dân chúng. Hiện nay số nhà ở do doanh nghiệp tư nhân xây dựng chiếm tới 70% tổng số căn hộ được xây dựng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế ở Nhật Bản gặp khó khăn, nên kể từ năm 1993, Chính phủ ban hành “Chính sách thuê nhà ưu đãi” song song với việc mua nhà, chủ yếu giải quyết tình trạng khó khăn nhà ở cho công chức và các cặp vợ chồng mới cưới. Theo chính sách này, người thuê nhà chỉ trả tiền thuê chiếm khoảng 1/8 lương tháng, còn lại do công ty và doanh nghiệp chi trả. Bởi vậy, xu thế nhiều người chuyển từ mua nhà sang thuê nhà ngày càng nhiều. Do tài chính khó khăn, nên từ tháng 4/2007 Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành cải cách “Quỹ nhà đất” thành “Cơ quan hỗ trợ tiền nhà đất” cho phù hợp với tình hình thị trường biến động. Mục đích chủ yếu là đưa việc mua, thuê nhà gần với giá thị trường hơn, đồng thời huy động được nhiều nguồn vốn cho Quỹ từ thị trường và trong dân chúng.

Đức

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, để cải thiện tình trạng thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng, Đức tiến hành chính sách phát triển nhà ở xã hội là chủ yếu. Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ đầu tư, cấp đất, hỗ trợ tín dụng và ưu đãi về thuế đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng thực hiện khống chế tiền thuê nhà, quy định đối tượng thuê nhà đối với nhà ở xã hội.

Vào thập niên 1950, số lượng nhà ở xã hội chiếm khoảng 50% tổng số nhà ở được hoàn thành xây dựng tại nước này. Đến thập niên 1960, nhằm nâng cao tỷ lệ sở hữu nhà ở, Chính phủ Đức đã thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tự xây nhà ở, bãi bỏ chế độ kiểm soát tiền thuê nhà, đồng thời tiến hành hỗ trợ về nhà ở đối với những người có thu nhập trung bình và thấp. Đến sau những năm 90 ngoài việc tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở và hỗ trợ tiền thuê, Đức còn hỗ trợ những người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở và cơ cấu tài chính, đồng thời tiếp tục tăng cường xây dựng nhà ở xã hội.

Chính phủ Đức tiến hành song song hai chế độ hỗ trợ về xây dựng nhà ở và hỗ trợ nhà ở cho thuê, hai loại hỗ trợ này đều nhằm tăng thêm lượng cung nhà ở và tăng cả nhu cầu nhà ở của người dân, sau đó thông qua cơ chế thị trường phân bố nhà ở tới người dân.
 
Tại Đức, Nhà nước đứng ra bảo vệ lợi ích của người thuê nhà thông qua “Luật về giá nhà ở cho thuê” (tại Đức không có tình trạng tùy tiện định giá cho thuê nhà); “Luật môi giới nhà đất” (quy định về hoạt động môi giới, thống nhất phí môi giới). Để nâng cao mức độ minh bạch của giá thuê nhà, các thành phố ở Đức đã quy định bảng giá thuê nhà thống nhất. Bảng giá này quy định khung giá thuê nhà cho từng khu vực, từng loại chất lượng nhà ở của thành phố, chủ nhà và người thuê có thể căn cứ vào quy định của bảng giá này để thương lượng giá cả. Kinh nghiệm của Đức cho thấy nếu Chính phủ có những quy định cụ thể về thị trường nhà đất thì có thể nâng cao hiệu suất phân phối tài nguyên của thị trường, bảo vệ lợi ích của nhóm người nghèo.

Australia

Chính phủ Australia có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ những người có thu nhập rất thấp, những người vô gia cư hoặc có nguy cơ trở thành vô gia cư trong việc thuê nhà và quản lý thanh toán tiền thuê nhà.
 
Các nhân viên xã hội sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn ngắn hạn, hỗ trợ thông tin hay những dịch vụ hỗ trợ khác khi người dân có nhu cầu về chỗ ở.

Dịch vụ hỗ trợ thuê nhà - Rent Assistance - sẽ hỗ trợ người dân về các vấn đề tài chính thông qua hệ thống Centrelink. Hệ thống thanh toán điện tử (EvoR) an toàn và tự động, cho phép các chủ sở hữu nhà cho thuê xác minh và cập nhật số tiền thuê nhà của bạn khi có sự thay đổi về giá thuê. Hệ thống EvoR có thể được sử dụng bởi các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê nhà ở địa phương hay các nhà cung cấp nhà ở có hỗ trợ tài chính như nhà ở cho người về hưu, viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội.

Canada

Mua hoặc xây dựng nhà ở có thể là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong cuộc đời mỗi người. Chính phủ Canada đã cung cấp đa dạng các chương trình và dịch vụ hỗ trợ người dân mua và cải tạo nhà ở. Những chương trình hỗ trợ của liên bang có thể giúp người dân tiết kiệm các khoản thanh toán khi mua nhà ví dụ như: Tài khoản tiết kiệm được miễn thuế (TFSA) cho phép người dân thiết lập những khoản tiết kiệm bên ngoài việc đầu tư, khoản tiền này được dùng để mua và cải tạo nhà ở; Chương trình The Home Buyers’ Plan (HBP) cho phép các cá nhân có đủ điều kiện rút các khoản tiền miễn thuế từ tài khoản tiết kiệm hưu trí đã đăng ký để mua nhà ở.

Canada Mortgage and Housing Corporation (CMHC) đã phát triển chương trình hướng dẫn từng bước, cung cấp cho người mua những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định mua nhà khôn ngoan. Người dân còn có thể nhận được bảo hiểm cho khoản vay thế chấp nhà nếu đủ điều kiện của các chương trình hỗ trợ do CMHC cung cấp.

Thu Giang – Hồng Nhung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load