(Xây dựng) - Như Báo Xây dựng đã thông tin trong bài báo trước, thời gian gần đây có hàng loạt các công trình “lạ” xuất hiện dọc bờ sông Lô, đoạn qua cây số 15 xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Những công trình trái phép xây dựng trên đất nông nghiệp nói trên là của người dân địa phương xây dựng lên từ nhiều tháng nay.
Khi chính quyền địa phương phát hiện sự việc, vào cuộc xử lý thì “chuyện đã rồi”. Dư luận địa phương cho rằng, sự thiếu chủ động phối hợp công bố thông tin về dự án thủy điện Sông Lô 2 của chủ đầu tư đến rộng rãi đến người dân thuộc vùng ảnh hưởng của dự án đã vô tình “đẩy” hai cấp chính quyền huyện Vị Xuyên vào thế “bị động”, đau đầu giải quyết “hậu quả” của vấn đề trên.
Thủy điện Sông Lô 2 đang thi công, nhưng những thông tin cụ thể về dự án này người dân thuộc vùng dự án lại không hề nắm được.
Đau đầu ngăn chặn vi phạm
Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại địa phương từ những người dân sống gần khu vực dự án thủy điện Sông Lô 2 đang xây dựng, phóng viên Báo Xây dựng đã thu thập và ghi nhận được rất nhiều thông tin xung quanh việc xây dựng những công trình trái phép trên đất nông nghiệp dọc hai bờ sông Lô chờ đền bù kia.
Theo đó, những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở các thôn Bản Bang, Bình Vàng, Tân Tiến, Làng Cúng… thuộc xã Đạo Đức được chính quyền địa phương nơi đây xác nhận và thống kê danh sách chi tiết gồm 47 hộ vi phạm.
Cùng với đó, những số liệu tổng hợp từ các văn bản, báo cáo của UBND xã Đạo Đức cho thấy, những hộ dân vi phạm chủ yếu là xây dựng các hạng mục như: nhà, lều lán, nhà gỗ, nhà sàn, bể nước, chuồng lợn, chuồng dê… Những vi phạm trên được UBND xã phát hiện từ tháng đầu 2/2016.
Vị trí xây dựng các công trình trái phép này là tại vị trí thượng nguồn đắp đập thủy điện Sông Lô 2. Mục đích của việc xây dựng trái phép các công trình trên đất nông nghiệp của các hộ dân này là nhằm đón đầu việc bồi thường khi thi công đê lòng hồ thủy điện Sông Lô 2.
Được biết, sau khi UBND xã Đạo Đức phát hiện các công trình vi phạm nêu trên, địa phương này cũng đã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, trong một báo cáo của UBND xã Đạo Đức gửi các ngành chức năng huyện Vị Xuyên về việc xử lý các trường hợp tự ý xây dựng nhà, lều lán và công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp ngày 14/4/2016 thừa nhận “việc xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp được thực hiện có hệ thống, có tổ chức… diễn ra nhanh với tốc độ nhanh chóng, phạm vi rộng, đồng loạt không có dấu hiệu dừng lại…”. Đồng thời, có thời điểm việc thi công trái phép trên đất nông nghiệp ồ ạt, UBND xã Đạo Đức đã phải báo cáo, đề nghị UBND huyện Vị Xuyên hỗ trợ xử lý.
Liên quan đến việc xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở địa phương này, trong cuộc tiếp xúc gần đây với phóng viên Báo Xây dựng, lãnh đạo UBND xã Đạo Đức cũng thừa nhận ngoài phần lỗi của chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý thì cũng có một phần lỗi của doanh nghiệp.
Đó là việc doanh nghiệp trong quá trình triển khai liên tục các thay đổi phương án thực hiện các hạng mục dự án khiến cho công tác quản lý của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho việc hệ thống chính quyền cấp huyện, cấp xã chật vật, đau đầu xử lý vấn đề hàng loạt xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp dọc bờ sông Lô suốt nhiều tháng trời.
Chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm?
Cũng về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, một vị lãnh đạo của huyện Vị Xuyên cũng “than ngắn, thở dài”: địa phương cũng rất vất vả về dự án này. Lãnh đạo địa phương cũng họp hành lên xuống nhiều lần với chủ đầu tư dự án này về các phương án các hộ dân làm nhà, các phương án cắm mốc… các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ít nhiều cũng ảnh hưởng đến địa phương.
Đến đây, một trong những băn khoăn lớn nhất của dư luận địa phương thời điểm này là việc thực hiện dự án thủy điện Sông Lô 2 tại sao lại có sự chậm chễ, thiếu những thông tin cơ bản về dự án đối với bà con nhân dân?
Đa phần các ý kiến cho rằng, các cấp chính quyền địa phương đã “bị động” nên mới để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép hàng loạt suốt một thời gian dài trong khi đó, khâu xử lại chưa triệt để. Cho nên hiện tại hàng loạt công trình trái phép trên vẫn ngang nhiên tồn tại chưa được người dân khôi phục lại như nguyên trạng ban đầu mặc dù đã có biên bản xử lý vi phạm hành chính của chính quyền cấp xã?
Đồng thời, dư luận cũng không khỏi băn khoăn liệu rằng có phải chính quyền các cấp đang phải “chạy” theo doanh nghiệp để xử lý hậu quả, hệ lụy từ sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án thủy điện Sông Lô 2. Nhất là dự án này đang được nhiều người nhận đinh là triển khai theo kiểu “đẽo cày giữa đường”, mỗi lúc làm một đoạn, gây khó cho khâu quản lý.
Sự thiếu minh bạch, thiếu công khai thông tin khi thực hiện dự án thủy điện Sông Lô 2 đang khiến người dân xung quanh vùng thực hiện dự án hoang mang, lo lắng khi mà đất, nhà nơi sinh sống của họ không biết có bị ảnh hưởng của thủy điện hay không? Và đâu là chỗ sẽ bị thu hồi, sẽ được giải tỏa đền bù?
Hàng loạt công trình vi phạm xây dựng trái phép đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, nhưng hiện tại vẫn tồn tại, chưa trả về nguyên trạng như trước đây.
Đem vấn đề Công ty TNHH Thanh Bình - chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2 chưa công bố quy hoạch chi tiết dự án đến rộng rãi với người dân địa phương, vùng thực hiện và ảnh hưởng dự án trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ông Sơn xác nhận với phóng viên qua điện thoại là có tình trạng người dân làm nhà ra lòng sông để chờ đền bù. Về thủ tục ông Sơn khẳng định là làm đàng hoàng hết. Đồng thời, ông Sơn có hướng dẫn phóng viên liên hệ và làm việc với Sở Công thương tỉnh Hà Giang để nắm chi tiết cụ thể hơn được vấn đề này.
Cũng về vấn đề chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2 chưa có công bố quy hoạch chi tiết dự án với người dân địa phương, vùng thực hiện và ảnh hưởng dự án, khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án của Bộ Công thương…, trao đổi với phóng viên qua điện thoại ông Phạm Cao Hòa - Giám đốc Công ty
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò của Sở Xây dựng trong việc quản lý dự án thủy điện Sông Lô 2 như thế nào khi mà một dự án lớn như vậy có sự ảnh hưởng không nhỏ đến rất nhiều người dân lại chưa được minh bạch thông tin về xây dựng, quy hoạch thì ông Hòa thản nhiên cho rằng, Sở Xây dựng không nắm được đâu. “Thầy thôi đừng viết nữa… đó là quyền của các anh thôi, theo tôi là không nên. Tôi nhờ các thầy là trong lúc nó đang êm thì tôi nhờ các thầy kệ nó…”. - ông Hòa nói.
Xung quanh vấn đề này, Giám đốc một doanh nghiệp đang đầu tư dự án thủy điện ở Hà Giang cho rằng, khi thực hiện dự án thủy điện thì chủ đầu tư dự án phải công bố công khai dự án, vùng thực hiện với nhân dân và chính quyền địa phương với những nội dung từ hồ chứa đến miền chứa nước… nếu không thì chủ đầu tư sẽ vi phạm các quy định của pháp luật.
Như vậy, với hàng loạt công trình trái phép xây dựng trên đất nông nghiệp đã được chính quyền địa phương vào cuộc xử lý, tuy nhiên chưa triệt để. Theo như lời lãnh đạo địa phương thì ở đó cũng có một phần lỗi là của doanh nghiệp.
Phóng viên Báo Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu về những thông tin xung quanh việc thực hiện dự án thủy điện Sông Lô 2 của Công ty TNHH Thanh Bình có đúng quy trình, trình tự hay không khi mà dự án này ở thời điểm khởi công cách đây hơn 1 năm và tại thời điểm kiểm tra của các ngành chức năng (10/4/2016) các hồ sơ thiết kế điều chỉnh của dự án đang sử dụng để thực hiện thi công tại công trường lại không có cơ sở pháp lý…
Theo những thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thủy điện Sông Lô 2 do Công ty TNHH Thanh Bình làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Công trình có công suất lắp máy 28MW, tổng mức đầu tư 898 tỷ đồng, cung cấp sản lượng điện hàng năm khoảng 114 triệu Kwh. |
Huy Thảo
Theo