Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2013, Chính phủ đã thảo luận về Dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26).
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ tháng 11/2013.
Các thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với Dự thảo Báo cáo, đồng thời khẳng định, Nghị quyết đã thể hiện những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, do đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và đã có tác động mạnh mẽ, đưa nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, tiếp tục nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống của người nông dân, góp phần quan trọng duy trì phát triển kinh tế, ổn định trị, xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở các vùng nông thôn.
Nông nghiệp góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội
Theo Dự thảo Báo cáo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, nền nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở sản xuất áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; xuất khẩu tăng mạnh. Trong giai đoạn 2009-2013, GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 115 tỉ USD, tăng bình quân 15,2%/năm.
Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỉ trọng của công nghiệp, dịch vụ. Trong những năm nền kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định đã góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với năm 2008. Tỉ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh. Hết năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn ước 13,3%, giảm 4,1% so với năm 2012. Trong hơn 4 năm (từ 2009 đến tháng 6/2013), cả nước đã giải quyết việc làm cho gần 5 triệu lao động nông thôn. Các lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cũng đạt những bước tiến bộ đáng kể, góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới đang dần trở thành phong trào mạnh mẽ trong cả nước, trong 3 năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo, cải thiện điều kiện sống của dân cư ở nhiều vùng nông thôn. Đến nay đã có 93,1% tổng số xã hoàn thành quy hoạch, 79,2% số xã lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tới tháng 9/2013, bình quân một xã đạt được 7,87 tiêu chí so với 4,58 tiêu chí của tháng 12/2011. Kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Các tồn tại cần khắc phục
Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số điểm hạn chế. Một số mục tiêu của Nghị quyết không đạt được, tốc độ tăng trưởng của nông-lâm-ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp.
Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn còn thấp, khoảng cách giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền tiếp tục nới rộng; nhiều nơi xóa nghèo kém bền vững; lao động nông thôn chậm được đào tạo, tỉ lệ thiếu việc làm cao, năng suất lao động thấp, xuất hiện tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng. Nông dân chưa thực sự phát huy vai trò là “chủ thể” trong quá trình phát triển.
Nông thôn ở nhiều nơi chậm chuyển biến tích cực, còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng miền núi, nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết như tệ nạn xã hội, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới tới năm 2015, 2020 khó đạt được nếu không có sự hỗ trợ mạnh cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực.
Đề xuất sửa đổi một số chỉ tiêu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo.
Để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết, mục tiêu được đặt ra là tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; đào tạo nghề cho nông dân; đổi mới tổ chức sản xuất, khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của nhân dân phát triển các hình thức hợp tác và liên kết; giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo; đẩy mạnh bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 2014-2020 được đề ra là tiếp tục đẩy mạnh quán triệt trong Đảng các chủ trương của Nghị quyết, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, trước hết là dân cư nông thôn. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn.
Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các vùng có nhiều khó khăn; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và phát triển văn hóa ở các vùng nông thôn; tiếp tục hỗ trợ mạnh để phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới; tiếp tục đổi mới các doanh nghiệp nông nghiệp, nông lâm trường quốc doanh; thực thi chính sách khuyến khích mạnh mẽ phát triển các doanh nghiệp tư nhân, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân và các đối tác kinh tế khác, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản.
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nhân lực ở nông thôn. Tăng đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả của hệ thống nghiên cứu và chuyển giao KHKT của Nhà nước. Khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp...
Để thực hiện mục tiêu đó, Dự thảo Báo cáo kiến nghị Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh một số mục tiêu.
Cụ thể, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 3%/năm (theo Nghị quyết là 3,5-4,0%); giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 3,5%/năm.
Về mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới: Đến năm 2015 có 10% và đến 2020 có 30% các xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo Nghị quyết là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020). Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 40% tổng lao động xã hội (theo Nghị quyết là 30%)...
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo, các thành viên Chính phủ đề nghị tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để các khuyến khích doanh nghiệp về hoạt động tại nông thôn, các địa phương không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn chú trọng các ngành công nghiệp gia công, chế biến…
Đồng tình với đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn, bởi đây là yếu tố quyết định cho phát triển sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị Nhà nước hỗ trợ một phần bảo hiểm xã hội cho lao động nông thôn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nông thôn, nhất là lao động nông thôn làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, lao động tại các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực nông thôn.
Các thành viên Chính phủ tại cuộc họp.
Để giải quyết tình trạng khiếu kiện về đất đai vẫn còn nhiều, ảnh hưởng đến phát triển khu vực nông thôn, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị ngoài trách nhiệm của các cấp, các ngành, cần quan tâm đến gốc của vấn đề là cơ chế chính sách. Sau khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, hạn chế tối đa những cách hiểu khác nhau dẫn đến bất lợi cho người bị thu hồi đất
Phát biểu kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo.
Đồng thời chủ trì rà soát các chính sách hiện hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đề xuất sửa đổi, bổ sung, cụ thể là các chính sách thu hút doanh nghiệp về nông thôn, chính sách đối với chương trình kiên cố hóa kênh mương, cơ chế hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp và người trồng lúa...
Theo Chinhphu.vn
Theo