Thứ tư 24/04/2024 21:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chính phủ duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời

19:37 | 14/08/2020

(Xây dựng) - Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; mức giá mua bán điện 8,38 Uscent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh) được kỳ vọng sẽ tạo đà cho điện mặt trời mái nhà phát triển.

chinh phu duyet co che khuyen khich phat trien dien mat troi
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới điện mặt trời mái nhà.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đầu năm đến nay, trên toàn quốc đã lắp đặt 9.193 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 273,76MWp. Lũy kế đến nay, đã có 31.570 dự án điện mặt trời mái nhà đăng ký bán điện cho EVN với tổng công suất 657,88MWp và sản lượng điện phát lên lưới là 311,8 triệu kWh.

Trước đó, EVN đã có Văn bản số 4971/EVN-KD ngày 23/7/2020 đề nghị Bộ Công Thương và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo hướng dẫn xử lý vướng mắc về việc phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời mặt đất nối lưới. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số nhiều vướng mắc liên quan đến điện mặt trời mái nhà, do đó đến ngày 10/8/2020, EVN tiếp tục có Văn bản số 5398/EVN-KD đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, giải quyết vướng mắc đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Để xử lý vướng mắc về việc phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời mặt đất nối lưới, EVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, giải quyết vướng mắc đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà. Theo EVN, vướng mắc lớn hiện nay là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định là loại hình điện mặt trời mái nhà: Trường hợp các công trình xây dựng dân dụng, nhà xưởng có sẵn (trụ sở, nhà máy, trường học, trung tâm thương mại, khu công nghiệp…) thì đảm bảo quy định ở Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án điện mặt trời có công suất dưới 01MW thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp thì cơ sở để xác định có phải là điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

Việc xác định “tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà” theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng gặp khó khăn do hình thức “mái nhà” rất đa dạng về hình thức tấm mái (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt nilon, lưới hoặc bản thân tấm pin thay thế mái nhà…), cách thức lợp mái (trên/dưới xà gồ…) trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.

Do các hướng dẫn để xác định là dự án điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng nên các Tổng Công ty Điện lực/Công ty Điện lực rất khó khăn trong việc xác định để áp dụng đúng giá mua bán điện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Thực tế có một số hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 01MW (mỗi dự án < 01MW) tại cùng 01 địa điểm (trên cùng một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) của 01 chủ đầu tư và đấu nối tại 01 điểm hoặc nhiều điểm.

Trường hợp một chủ đầu tư có nhu cầu mua lại cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà nằm liền kề nhau trên cùng mảnh đất, có tổng công suất trên 01MW. Vậy sau khi chuyển nhượng, chủ đầu tư có phải bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực không?

Đối với trường hợp chủ đầu tư tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên, nhà xưởng, nhà kho chứa vật liệu… trong khuôn viên dự án điện mặt trời, nhà máy thủy điện, nhiệt điện để đầu tư năng lượng mặt trời mái nhà và đề nghị lắp công tơ riêng, ký hợp đồng mua điện cho các phần lắp thêm như hệ thống điện mặt trời mái nhà. Trường hợp này có được thực hiện mua bán điện riêng không? Kinh doanh bán điện mặt trời có phải thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện không và cần phải làm thủ tục bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh theo quy định Luật Đầu tư hiện hành không?

Quy định khác nhau của các địa phương về quản lý thuế, hóa đơn với các đối tượng không phải doanh nghiệp (hộ dân, công sở, trường học…); về quản lý xây dựng, đất đai… cũng gây lúng túng cho các công ty điện lực khi thực hiện các hướng dẫn về điện mặt trời mái nhà.

Về kỹ thuật, Thông tư 39/2015/TT-BCT và Thông tư 30/2019/TT-BCT chỉ quy định yêu cầu kỹ thuật đối với nhà máy điện mặt trời đấu nối lưới điện trung áp trở lên và hệ thống điện mặt trời đấu nối lưới điện hạ áp, chưa có quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới điện trung áp. Nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới điện trung áp phải áp dụng yêu cầu kỹ thuật đối với nhà máy điện mặt trời đấu nối vào lưới điện trung áp trở lên theo các Thông tư nêu trên thì sẽ không khả thi và rất khó khăn cho chủ đầu tư.

Thực tế hiện nay chưa có quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các vật tư thiết bị của hệ thống điện mặt trời để đảm bảo hiệu suất, chất lượng điện năng cũng như quy chuẩn về an toàn cho công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ cho hệ thống điện mặt trời mái nhà...

Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhất là đối với điện mặt trời mái nhà, EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời theo đúng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của EVN để sử dụng vừa bán điện lên lưới của EVN qua máy biến áp 110kV được ghi nhận là điện mặt trời mái nhà để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển điện mặt trời mái nhà và EVN sẽ thực hiện ký hợp đồng, thanh toán tiền mua điện cho các chủ đầu tư theo Quyết định 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời với công suất ≤ 01MW thì được công nhận là điện mặt trời mái nhà.

Đối với các trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất > 01MW, đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục, trình tự thực hiện lắp đặt, thoả thuận đấu nối, nghiệm thu an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường...

EVN kiến nghị Bộ Công Thương cho phép Tổng Công ty Điện lực/Công ty Điện lực chỉ thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà mà không gây quá tải trạm biến áp 110kV khu vực. Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới điện trung áp trong các Thông tư 39/2015/TT-BCT và Thông tư 30/2019/TT-BCT cho phù hợp với thực tế, đảm bảo khả thi cho các chủ đầu tư…

Năng lượng mặt trời vốn được xem là nguồn năng lượng đắt do suất đầu tư cao, thì hiện nay, với sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, suất đầu tư giảm, điện mặt trời đã bắt đầu đi vào cuộc sống, được nhiều gia đình, doanh nghiệp sử dụng, mang lại hiệu quả.

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ góp phần tạo nguồn cung điện tại chỗ, góp phần đảm bảo cung ứng điện khi hệ thống điện Việt Nam không còn nguồn dự phòng.

Mai Nam Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load