Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức ước tính sẽ tăng 3,6% trong năm 2022, giảm so với mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó.
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ôtô của Hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). (Ảnh: Reuters/TTXVN) |
Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022, cho rằng sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron xuất hiện là nguyên nhân kìm hãm sự phục hồi của quốc gia công nghiệp hàng đầu châu Âu này.
Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức công bố ngày 26/1 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức ước tính sẽ tăng 3,6% trong năm 2022, giảm so với mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó.
Theo báo cáo trên, do tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, những tháng đầu năm sẽ vẫn là giai đoạn kinh tế hoạt động cầm chừng, đặc biệt là các ngành dịch vụ. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này chỉ đạt tốc độ trở lại khi làn sóng dịch COVID-19 chững lại và những “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khắc phục trong năm 2022.
Dự báo trên của Bộ Kinh tế bi quan hơn so với mức dự báo tăng trưởng mà Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đưa ra là 4,2% trong năm nay.
Đức, quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu vốn bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu nguyên liệu thô do đại dịch COVID-19 gây ra, đã trải qua tiến trình phục hồi chậm chạp hơn so với các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu như Pháp và Italy.
Chế tạo ôtô là ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với những gã khổng lồ như Volkswagen, BMW và Daimler buộc phải cắt giảm sản lượng tại một số nhà máy do tình trạng thiếu chip bán dẫn.
Theo số liệu chính thức công bố tháng 1/2022, năm 2021, GDP của Đức chỉ đạt 2,7%, thấp hơn nhiều so với dự báo của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra trung bình khoảng 5%.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng sự gia tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 có thể là yếu tố đảm bảo kiểm soát bền vững đại dịch trong năm nay và đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.
Báo cáo của bộ trên cho biết chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong bối cảnh các doanh nghiệp dần dần phục hồi và đáp ứng nhu cầu bị dồn nén từ lâu của người dân.
Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất công nghiệp cũng hy vọng có thể đạt xuất khẩu cao hơn khi tiến trình phục hồi toàn cầu sau cú sốc đại dịch tiếp tục diễn ra./.
Theo Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-duc-ha-du-bao-tang-truong-kinh-te-trong-nam-2022/770489.vnp